Những "mẹo" xử lý khi ăn no "căng bụng"
Ăn "căng bụng" ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao?
Dạ dày chính là nơi đầu tiên phải nhận hậu quả mỗi khi con người ăn quá no. Mỗi ngày, bộ phận này sẽ phải tiết ra khoảng 8.000 mg dịch để tiêu hóa hết các thức ăn nạp vào cơ thể.
Việc ăn quá no sẽ khiến cho dạ dày bị căng phồng, nhu động ruột chậm lại, dịch tiêu hóa tiết ra không đủ, từ đó dẫn đến việc thức ăn không thể tiêu hóa hết, lâu dần sẽ gây ra tác hại.
Ăn quá no bụng khiến sức khỏe ảnh hưởng |
Thông thường, các thực phẩm nạp vào sẽ được chuyển hóa thành năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi cơ thể. Tuy nhiên, nếu như chúng ta ăn quá no thì các cơ quan trong hệ tiêu hoá sẽ phải hoạt động quá mức, hết công suất và làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn. Thực tế, một số người ăn quá no bị tiêu chảy là do nhu động ruột bị kích thích sau khi hệ thống tiêu hóa quá tải.
Bên cạnh đó, song song với việc nuốt thức ăn thì cơ thể cũng tiếp nhận vào bụng 1 lượng không khí nhất định. Việc ăn quá nhiều thức ăn cũng đồng nghĩa với nuốt phải nhiều không khí hơn. Điều này sẽ khiến mọi người cảm thấy khó chịu, trướng bụng, lúc này cách tốt nhất để giải phóng khí trong dạ dày là đi bộ.
Khi chúng ta ăn quá nhiều so với mức bình thường thì quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng sẽ được thúc đẩy với tốc độ nhanh chóng, khiến cho nhịp tim tăng nhanh hơn, mồ hôi ra nhiều và cơ thể sẽ cảm thấy nóng hơn. Sau khi quá trình trao đổi chất kết thúc, mọi việc sẽ trở lại bình thường, tuy nhiên, nếu bạn muốn dễ chịu hơn thì có thể tắm nước mát để hạ nhiệt.
Nếu chúng ta không muốn bị bồn chồn, mất ngủ thì tốt nhất là không nên ăn quá no vào buổi tối hoặc ngừng ăn khi đã gần giờ đi ngủ.
Ngoài việc khiến cơ thể khó ngủ thì việc ăn quá nhiều còn gây chóng mặt, nguyên nhân là do việc ăn quá no sẽ khiến cho quá trình tiêu hóa thức ăn, tốc độ chuyển hóa và nhịp tim tăng nhanh hơn.
Nếu ăn quá no, cơ thể sẽ giải phóng hormone insulin, hormone này có nhiệm vụ dự trữ lượng đường dư thừa với mục đích dự phòng mức đường huyết xuống thấp. Việc giải phóng thêm nhiều hormone insulin có thể sẽ khiến cho lượng đường trong máu suy giảm, gây ra những cảm giác căng thẳng, thẫn thờ và không thể tập trung.
“Xoa dịu” dạ dày khi ăn quá no
Trong cuộc sống, nhiều lý do khiến mọi người không thể kiểm soát được hành vi của mình và dẫn tới ăn quá nhiều, cụ thể là các trường hợp như ăn tiệc buffet. Tiệc buffet rất phong phú thức ăn, cộng thêm tâm lý mọi người nghĩ rằng phải ăn cho đủ số tiền đã bỏ ra nên đã dẫn tới ăn quá nhiều, vượt quá sự kiểm soát của cơ thể.
Những bữa tiệc họp mặt bạn bè hay gia đình đều khiến cho mọi người có tâm trạng phấn khởi, hào hứng mà dẫn tới ăn quá no.
Nhiều người có công việc quá bận rộn sẽ có thói quen ăn vội vàng. Khoa học đã chứng minh, thời gian từ khi bắt đầu đưa thức ăn vào miệng cho đến khi não bộ tiếp nhận thông tin no là khoảng 20 phút. Chính vì thế, những người ăn hết một bữa chưa đầy 10 phút thì rất dễ rơi vào tình trạng ăn quá no trước khi não bắt được tín hiệu đó.
Khi ăn quá nhiều so với bình thường sẽ khiến bụng khó tiêu, đôi khi chúng ta cảm thấy mệt mỏi và khó thở. Tuy nhiên, mọi người chỉ cần một cốc nước chanh hoặc trà có thể giải quyết ngay lập tức sự khó chịu của dạ dày. Trà thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn nhanh chóng xoa dịu cảm giác đầy bụng. Trong khi đó, hàm lượng axit trong nước chanh cũng có tác dụng đẩy nhanh tiêu hóa thức ăn, đồng thời giúp giảm cân.
Khi lỡ ăn quá nhiều, con người dễ rơi vào trạng thái "căng da bụng thì chùng da mắt" nhưng việc đi ngủ ngay sau khi ăn no rất hại cho hệ tiêu hoá. Vì vậy, khi ăn quá no, mọi người nên đi bộ hoặc vận động nhẹ nhàng sẽ giúp thức ăn được tiêu hóa nhanh hơn.
Việc đi bộ ít nhất 5 - 10 phút sẽ giúp giảm lượng đường trong máu, ngăn ngừa trào ngược dạ dày, ợ nóng. Ngoài ra, việc đi bộ sau bữa ăn cũng giúp tránh tích trữ nhiều chất béo, đây là cách giảm mỡ bụng hiệu quả nhưng cần tránh vận động mạnh ngay sau khi ăn, nó có thể gây tác dụng ngược.
Sữa chua cũng là món ăn tráng miệng có tác dụng “xoa dịu” dạ dày |
Sữa chua cũng là một món ăn tráng miệng có tác dụng “xoa dịu” dạ dày bởi có chứa vi khuẩn axit lactic, có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại và kích thích sự gia tăng của các loại khuẩn có ích trong hệ tiêu hóa, từ đó giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa thức ăn, nhất là các thức ăn chứa nhiều dầu mỡ. Một cốc sữa chua sau khi ăn các món ăn nóng cũng sẽ giúp cơ thể bảo vệ lớp niêm mạc của đường tiêu hóa.
Sự thay đổi dễ nhận biết nhất sau khi ăn áu nhiều đó là kích thước bụng tăng lên, phình to. Tuy nhiên, sau khi thức ăn đã được tiêu hóa thì dạ dày sẽ co lại về kích thước như bình thường.
Dạ dày là cơ quan có tính đàn hồi tốt, do đó thỉnh thoảng ăn quá no cũng không sao. Tuy nhiên nếu chúng ta không biết cách kiểm soát chế độ dinh dưỡng và thường xuyên ăn quá no sẽ dẫn đến nhiều hệ luỵ đến sức khỏe, tăng cân béo phì.