Thẩm mỹ: Đừng vì lợi nhuận mà xem thường tính mạng người dân
Vì lợi nhuận, bất chấp quy định
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 772 bệnh viện, phòng khám cung cấp dịch vụ thẩm mỹ thuộc quản lý của ngành Y tế, trong khi đó có gần 3.900 cơ sở thẩm mỹ phi y tế (spa, chăm sóc da...) do UBND quận, huyện và TP Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không cần cơ quan chuyên môn y tế thẩm định và cấp phép.
Việc có nhiều cơ sở y tế, cơ sở chăm sóc sắc đẹp ra đời đã phần nào giải quyết được nhu cầu khám chữa bệnh, nhu cầu làm đẹp của người dân, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tuy nhiên, với số lượng cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ đang ngày càng nở rộ như hiện nay cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát.
Bệnh viện Răng Hàm Mặt Thẩm mỹ Paris vừa bị yêu cầu ngưng hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ vì không đảm bảo điều kiện an toàn theo quy định |
Đặc biệt, tình trạng các cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui” ngày càng diễn ra tinh vi hơn, luôn tìm cách né tránh các cơ quan chức năng bằng cách thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trong khu dân cư, nhà trọ, khách sạn... Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho khách hàng thi thực hiện dịch vụ.
Chia sẻ về vấn đề này, tại Hội nghị “Tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn người bệnh trong phẫu thuật thẩm mỹ” diễn ra ngày 22/8 vừa qua, ông Hồ Văn Hân, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết: Các sự cố y khoa liên quan đến dịch vụ làm đẹp ngày càng tăng, có đến 78% các vụ việc, đơn thư phản ánh liên quan đến chất lượng dịch vụ và tổn thất tài chính.
Thực trạng các cơ sở thẩm mỹ không phép cũng có xu hướng tăng, các cơ sở này núp bóng cơ sở có phép, người thực hiện phẫu thuật thì hành nghề “chui”, tay ngang, không có chứng chỉ hành nghề. Có nhiều cơ sở “chui” len lỏi trong khu dân cư, nhà dân để khám, chữa bệnh không phép. Khi bị kiểm tra xử lý, cơ sở lại đối phó bằng nhiều cách như: Thay tên, chuyển qua địa bàn khác, hoặc gần đây là mở chuông báo cháy để dễ bề tẩu thoát...
Bên cạnh đó, còn có tình trạng các cơ sở quảng cáo quá mức, sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội gây khó trong quản lý. Có nơi mở khóa đào tạo vài ngày, một tuần cho người không chuyên môn, tạo ra những người tay ngang, làm tăng nguy cơ tai biến thẩm mỹ.
Công ty TNHH Thẩm mỹ viện FA Plus quảng cáo và hành nghề trái phép gây tai biến cho người bệnh vừa qua (Ảnh: Sở Y tế) |
Đại diện Thanh tra Sở Y tế TP cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng thẩm mỹ không an toàn là do các cơ sở thẩm mỹ vì lợi nhuận mà cố tình không tuân thủ quy định.
Cùng với đó, quy định pháp luật hiện nay vẫn còn những khoảng trống chưa phù hợp thực tiễn, chưa đủ răn đe. Trong khi vẫn còn tình trạng năng lực hành nghề của người thực hiện phẫu thuật chưa đáp ứng yêu cầu thì lại thiếu hệ thống quản lý, giám sát người hành nghề; quảng cáo trên mạng xã hội chưa thực sự được kiểm soát tốt.
Để chấn chỉnh các dịch vụ làm đẹp sai phép, không phép và hạn chế tai biến thẩm mỹ, Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị 6 giải pháp. Trong đó, kêu gọi người dân tiếp tục cung cấp thông tin về vi phạm cho cơ quan chức năng; các đơn vị tăng cường báo cáo nhanh khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ biến chứng thẩm mỹ; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong quản lý đào tạo, dạy nghề.
Đồng thời, lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý, thông tin nhanh; phối hợp với Công an TP xử lý các vụ việc trọng điểm; thông qua tổ công tác đặc biệt, chủ động rà soát quảng cáo để kiểm tra, xử lý.
Cơ sở thẩm mỹ "chui" ngang nhiên treo biển “Phòng khám chuyên khoa Thẩm mỹ”, hành nghề trái phép gây tai biến cho người bệnh (Ảnh: Sở Y tế) |
Cần xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động vì vụ lợi
Mặc dù TP Hồ Chí Minh đã rất quyết liệt trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở hoạt động không tuân thủ quy định pháp luật, cũng như thông tin tuyên truyền rộng rãi đến người dân để biết và phòng tránh, thế nhưng đâu đó vẫn có những cá nhân/đơn vị vì lợi nhuận trước mắt mà bất chấp quy định của pháp luật, sẵn sàng cung cấp các dịch vụ làm đẹp có xâm lấn vượt phép. Thậm chí, có những cơ sở dù đã bị xử phạt và đình chỉ hoạt động nhưng vấn cố tình vi phạm.
Đơn cử như vụ việc mới đây liên quan đến Thẩm mỹ viện Cihan Beauty Center (địa chỉ: 781A1 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10), mặc dù đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động theo quyết định xử phạt của Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, nhưng cơ sở này vẫn vô tư tiếp nhận nhận bệnh nhân đến khám và điều trị, bất chấp lệnh cấm.
Liên tiếp thời gian gần đây, TP Hồ Chí Minh đã xảy ra nhiều vụ tai biến, thậm chí có trường hợp tử vong do phẫu thuật thẩm mỹ. Thanh tra Sở Y tế thành phố cũng phát hiện, xử lý nhiều cơ sở làm đẹp “chui”, lấn sân sang lĩnh vực y tế… Những vụ việc xảy ra cho thấy thực trạng công tác quản lý lĩnh vực này hiện đang bộc lộ nhiều lỗ hổng, bất cập, trong khi thực tế nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ, tạo hình của nhiều người ngày càng tăng cao... Để chấn chỉnh tình trạng trên, thời gian qua, ngành Y tế TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị các đơn vị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về tác hại sức khỏe khi sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở không phép, cơ sở không đảm bảo đủ điều kiện để người dân biết và phòng tránh. Sở Y tế cũng khuyến cáo người dân khi thực hiện các dịch vụ làm đẹp xâm lấn (tiêm, chích, phẫu thuật, tiểu phẫu/điều trị sẹo, hút mỡ, chiếu tia, laser…), phải lựa chọn các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ đã được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Theo khuyến cáo của Sở Y tế, người dân có thể tra cứu thông tin các cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề trên trang tra cứu “http://thongtin.medinet.org.vn” và tra cứu thông tin công khai xử phạt vi phạm hành chính tại trang https://thanhtra.medinet.gov.vn/. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã mở rộng các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh từ người dân thông qua số đường dây nóng Sở Y tế (0967771010, 0989401155) hoặc ứng dụng “Y tế trực tuyến”. |