Có nên mua bánh Trung thu đại hạ giá?
Trung thu ấm áp, sẻ chia của những em nhỏ đặc biệt Mang Trung thu yêu thương đến với trẻ em vùng bị ngập lụt 3.000 suất quà Trung thu tặng trẻ em quận Tây Hồ |
Thị trường ế ẩm
Theo nhận định của nhiều người bán, năm nay, lượng tiêu thụ bánh Trung thu giảm đáng kể so với năm ngoái bởi tình hình kinh tế còn khó khăn.
Bên cạnh đó, cơn bão Yagi đổ bộ miền Bắc và hoàn lưu bão gây thiệt hại nặng nề khiến nhiều nơi phải hoãn tổ chức các chương trình Trung thu để tập trung kinh phí hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng của bão.
Do đó, nhiều nhãn hàng đã treo biển “đại hạ giá” để giải quyết nốt số bánh đã sản xuất trong mùa trăng năm nay.
Bán rẻ 1/4 đến một nửa giá niêm yết, những chiếc bánh Trung thu đại hạ giá đang được nhiều người mua về |
Việc các cửa hàng bánh Trung thu giảm giá bán là chuyện rất bình thường, bởi nếu không bán thì sẽ “ế”. Bánh Trung thu có thương hiệu, được cấp phép sản xuất về cơ bản là an toàn.
Tuy nhiên, khi mua bánh Trung thu cuối vụ cũng tiềm ẩn một số rủi ro mà người tiêu dùng nên cân nhắc.
Theo lời của một số tiểu thương kinh doanh, đặc điểm của những loại bánh Trung thu siêu rẻ này đa số là hàng cận date, xả hàng bởi đã hết vụ chứ chất lượng sản phẩm vẫn tươi ngon tới tay người sử dụng.
Một chủ cửa hàng kinh doanh bánh Trung thu cho biết: “Nhiều khách tại cửa hàng chúng tôi đến cuối vụ mới mua với số lượng lớn vì mức giá chỉ bằng nửa, bằng một phần tư so với giá niêm yết mà vẫn yên tâm ăn vì còn trong hạn dùng”.
Trên sàn thương mại điện tử, nhiều cửa hàng bánh online cũng đang giảm sâu. Đơn cử, bánh Trung thu nhân thập cẩm xá xíu, đậu xanh trứng… giảm giá từ 30-50%, giá bán lẻ giảm từ 90.000 đồng xuống còn 48.000 đồng/chiếc; bánh Trung thu nghìn lớp trứng chảy từ 150.000 đồng còn 70.000 đồng/chục…
Chị Lê Thị Dung (Nam Từ Liêm) chia sẻ chị thường chờ hết tết Trung thu để săn bánh giá rẻ. Ngoài các bánh nhân truyền thống, chị mua thêm mấy vị mới như phô mai, tiramisu… vì các con thích.
“Hai con tôi rất thích ăn bánh Trung thu, nhưng bình thường đắt đỏ không dám mua nhiều”, chị Dung kể.
Giống như chị Dung, sáng nay trên đường đi làm chị Đỗ Kim Diệu (Lạc Long Quân) ghé vào một cửa hàng bánh Trung thu khi thấy biển đại hạ giá từ 10.000 đến 30.000 đồng một chiếc. Bốn chiếc bánh dẻo và nướng 200gr, còn hạn hơn một tuần, không có hộp của một hãng quen tên giá còn 120.000 đồng.
“Chỉ tuần trước, tôi mua 4 chiếc tốn gần 400.000 đồng”, chị Diệu cho biết.
Có nên mua?
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, các loại bánh cần được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ tiêu chuẩn mới không bị hỏng khi còn hạn sử dụng.
Các quầy bánh Trung thu hầu hết ở ngoài đường phơi nắng cả ngày, nếu bảo quản không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe của người tiêu dùng. Nấm mốc có thể sẽ phát triển trong điều kiện này.
“Do đó, khi chọn bánh, kể cả bánh của công ty hay bánh được sản xuất thủ công, người tiêu dùng cần xem hạn sử dụng, quan sát kỹ vỏ bánh để phát hiện nấm mốc; bởi nguy cơ ngộ độc của các loại bánh mốc là cực cao”, ông Thịnh nói.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên cẩn trọng với những loại bánh giá rất rẻ, không có tem nhãn, nhà sản xuất. Những loại bánh đó có thể đem đến nguy cơ cao cho người dùng nếu chứa chất tạo màu không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Bánh trung thu dù còn hạn sử dụng nhưng vẫn bị nấm, mốc do thời tiết hoặc điều kiện bảo quản |
PGS.TS Thịnh thông tin một số chất tạo màu có thể gây nguy hiểm sức khỏe. Đó là chất Brilliant blue (dùng trong chế biến sữa, thạch, siro, đồ uống, kẹo có nguy cơ gây dị ứng), Erythrosine (sử dụng trong chế biến kẹo, bánh nướng, gia vị, thực phẩm ăn nhẹ gây ung thư tuyến giáp), Allura red (sử dụng trong chế biến thực phẩm ăn nhẹ, nước uống không cồn có thể gây dị ứng, hen suyễn, viêm mũi ở người, chứng hiếu động thái quá ở trẻ em…).
Về cảm quan, bánh Trung thu ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị vụn. Người tiêu dùng nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế, nhãn mác phải ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng.
Ngoài ra, đối với bánh Trung thu tự làm (handmade) thường không sử dụng chất bảo quản nên loại bánh này chỉ có thời hạn sử dụng trung bình tối đa 7 ngày.
Cụ thể, bánh nướng có hạn 7 ngày, còn bánh dẻo là 4 ngày. Đối với bánh Trung thu mua sẵn, nhờ vào một lượng nhỏ chất bảo quản (các chất này phải trong danh mục cho phép của Bộ Y tế) thường có thời hạn sử dụng Trung bình khoảng 3 tháng.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng lưu ý, bánh mua về phải được bảo quản theo đúng hướng dẫn trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất và để ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập.
Đặc biệt, người dân chỉ ăn bánh còn hạn sử dụng, bánh không bị biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không có mùi khác lạ; nhớ rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh; không nên ăn quá nhiều bánh Trung thu và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường thường có trong bánh để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.