Đà Nẵng: Công khai hàng tuần cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm trên địa bàn quận Ba Đình Cuối năm tăng cường kiểm tra thực phẩm tại hộ kinh doanh Nghiên cứu tăng chế tài xử phạt với vi phạm về an toàn thực phẩm |
Đoàn thanh tra thực tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn quận Hải Châu (Ảnh: BQL An toàn thực phẩm) |
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, từ cuối tháng 12/2024 đến 22/2/2025, tuyến thành phố sẽ thành lập 3 Đoàn thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung các mặt hàng phục vụ lễ, Tết.
Cụ thể, các đoàn tuyến thành phố tập trung thanh tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm với số lượng lớn, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với các cơ sở thực phẩm vừa và nhỏ, cơ sở dịch vụ ăn uống chủ yếu do cấp quận, huyện, xã, phường tiến hành kiểm tra theo phân cấp quản lý.
Đồng thời, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm trước, trong và sau tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân 2025, đặc biệt là các sản phẩm/nhóm sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như: Thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm...và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về việc chọn mua thực phẩm an toàn, địa điểm uy tín, tẩy chay các loại thực phẩm bẩn, kém chất lượng |
Nội dung được thanh tra sẽ tập trung vào các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở; trang thiết bị, dụng cụ; con người; bảo quản, vận chuyển sản phẩm; nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu sản xuất, chế biến, sản phẩm kinh doanh; đăng ký bản công bố/ tự công bố sản phẩm; ghi nhãn; quảng cáo. Trong quá trình thanh tra, các đoàn kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, lực lượng chức năng sẽ kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm soát không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là ngộ độc tập thể, ngộ độc rượu do methanol.
Đối với người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng sẽ thanh tra, tuyên truyền các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng tuyên truyền phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...
Do đó, đảm bảo an toàn thực phẩm không chỉ là trách nhiệm của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng, mà còn là ý thức chung của toàn xã hội. Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về việc chọn mua thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn, sẵn sàng tố giác những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm.
Không mua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo an toàn; không mua sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đầy đủ thông tin nhãn sản phẩm theo quy định, thực phẩm có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Các sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn phải có đầy đủ nhãn hàng hóa theo quy định. Người tiêu dùng không nên uống đồ uống dùng cồn công nghiệp; không uống sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn không có nguồn gốc rõ ràng…