Đồng Nai: Tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm
Đồng Nai cần bố trí quỹ đất phát triển nhà ở, hạ tầng văn hoá - xã hội cho công nhân Đảm bảo không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết 2025 Rà soát tổng thể tiến độ dự án sân bay Long Thành |
Tham dự buổi họp, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng cùng đại diện nhiều Sở, ngành của tỉnh Đồng Nai.
Đại diện tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2024, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời, phân công cụ thể trách nhiệm trong thực hiện các kế hoạch về bảo đảm ATTP.
Sự tham gia tích cực của các Ban, Sở, ngành, đoàn thể, địa phương trong tuyên truyền, vận động, giám sát thực hiện công tác ATTP đã góp phần nâng cao nhận thức, hành động của các tổ chức, cá nhân, tạo chuyển biến tích cực trong thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Các hình thức tuyên truyền về ATTP đa dạng, phong phú. Công tác kiểm tra, hậu kiểm được triển khai đồng bộ. Qua đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm về ATTP.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Sơn Hùng yêu cầu các Sở, ngành, địa phương quản lý tốt công tác ATTP trên địa bàn |
Công tác quản lý và bảo đảm chất lượng ATTP có tiến bộ rõ rệt. Điều kiện ATTP tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm được cải thiện hơn. Diện tích trồng rau an toàn, chăn nuôi quy mô trang trại, kinh doanh thực phẩm an toàn tăng dần theo từng năm, tạo ra một số liên kết trong chuỗi từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến và kinh doanh, phân phối sản phẩm.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song trong năm 2024, tỉnh đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm làm 657 người mắc, 1 người từ vong, tăng 2 vụ và 656 ca mắc so với năm 2023. Nguyên nhân 2/3 vụ do vi sinh vật, 1 vụ không rõ nguyên nhân.
Một số khó khăn trong công tác bảo đảm ATTP như: quy định của pháp luật thiếu đồng bộ, chậm sửa đổi, thiếu các quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm thực phẩm. Một số địa phương, đơn vị chưa mạnh dạn trong xử lý vi phạm hành chính về ATTP, chủ yếu là nhắc nhở.
Số lượng cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố nhiều, ý thức chấp hành quy định về ATTP của một bộ phận chủ cơ sở và người chế biến thực phẩm chưa cao, việc xử lý vi phạm hành chính đối với đối tượng này gặp nhiều khó khăn.
Việc triển khai thực hiện chính sách về hỗ trợ liên kết còn gặp nhiều khăn khăn; số lượng, sản lượng chuỗi liên kết được phê duyệt còn hạn chế.
Năm 2024, Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã phát hiện và xử phạt nhiều trường hợp vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (Ảnh: Báo Đồng Nai) |
Đặc biệt, những năm gần đây, hoạt động mua bán thực phẩm trên môi trường mạng diễn ra sôi động. Một bộ phận người kinh doanh lợi dụng vấn đề này để đưa sản phẩm thực phẩm không an toàn ra thị trường. Công tác nhân rộng mô hình điểm kinh doanh thực phẩm an toàn theo hình thức chuỗi liên kết hoặc chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại chợ còn chậm…
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng nhấn mạnh, thời gian qua, các Sở, ngành liên quan và các địa phương đã tập trung thực hiện tốt công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh.
Liên quan đến khó khăn về một số quy định pháp luật chưa thống nhất, lãnh đạo tỉnh đề nghị Thường trực Ban chỉ đạo phối hợp với các sở, ngành liên quan liệt kê, báo cáo UBND tỉnh để kiến nghị các bộ, ngành liên quan. Đồng thời có đề xuất UBND tỉnh giao cho các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền cụ thể, sát từng đối tượng cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các Sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, quyết định, kế hoạch của Trung ương và địa phương về công tác đảm bảo ATTP; đa dạng loại hình tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATTP, chú ý những cơ sở sản xuất, chế biến nhỏ lẻ, hộ dân kinh doanh thực phẩm, cần có tài liệu hướng dẫn cụ thể cho các cơ sở, hộ kinh doanh, người trực tiếp chế biến thực phẩm, buôn bán nhỏ lẻ...
UBND các huyện, thành phố tăng cường trách nhiệm, kiểm tra, thẩm định các cơ sở đảm bảo ATTP. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm liên ngành, tránh kiểm tra chồng chéo, thực hiện nhiệm vụ hiệu quả.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chú ý phát triển vùng sản xuất an toàn, vùng chăn nuôi giết mổ tập trung, nông nghiệp sạch hữu cơ đảm bảo cung ứng thực phẩm an toàn.