Giữ gìn văn hóa và cái tâm để phát triển bền lâu
Phát huy giá trị “Bát cảnh Tây Hồ" trong công nghiệp văn hóa Cơ hội quảng bá nền văn hóa ẩm thực Việt Nam Đêm nhạc "Rồi hoa sẽ nở" thắp sáng những giá trị văn hóa |
Hãy làm ra những thứ bản thân mình ăn được
Đó là mong mỏi của người tiêu dùng. Bởi lẽ, chính người sản xuất còn không dám ăn những thứ mình làm ra thì nỡ lòng nào mang bán cho khách hàng. Đó là sự đang tâm lừa dối, thậm chí đầu độc người ăn.
Không lý gì mà người tiêu dùng chuộng cụm từ "nhà làm". Sữa chua nhà làm, rau câu nhà làm, bánh mì nhà làm, xúc xích nhà làm... luôn được tin tưởng bởi mong chờ rằng nhà làm thì sẽ sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và an toàn hơn.
Hình ảnh kinh hoàng từ khu sản xuất thực phẩm khi lực lượng chức năng đi kiểm tra (Ảnh: Phương Thu) |
Vì thế, liên tiếp những ngày qua, hình ảnh kinh hoàng được ghi lại tại các cơ sở sản xuất thực phẩm khi cơ quan chức năng đi kiểm tra khiến dư luận bàng hoàng, lo lắng. Khu pha chế phụ gia cáu bẩn với những nguyên vật liệu vung vãi két lại không biết từ bao giờ. Bim bim sản xuất xong "nằm" ngay trên sàn nhà chờ người xúc, đóng gói để mang đi bán. Người sản xuất thực phẩm không có giấy khám sức khỏe, không biết có bệnh truyền nhiễm hay không...
Những máy móc, dụng cụ chỉ nhìn bằng mắt thường đã thấy nhiều ngày không được cọ rửa. Xác chuột chết khô cong gần nơi sản xuất. Đồ pha chế chung hoặc gần với khu sinh hoạt của gia đình... Tất cả tạo nên nỗi ám ảnh cho người tiêu dùng.
Người ta đặt ra câu hỏi không biết bao nhiêu tấn đồ ăn, thức uống đã từ nơi này ra đi, được bao nhiêu người ăn vào bụng? Chẳng cần phải bác sĩ hay người có chuyên môn, tự chúng ta cũng biết mức độ mất an toàn tới sức khỏe người tiêu dùng như thế nào.
Điều đáng nói, trong số những cơ sở bị tạm ngưng, đình chỉ hoạt động có cả thương hiệu đặc sản nổi tiếng vào bậc nhất của ẩm thực Hà thành. Những chiếc bánh xinh xinh gói ghém cả phong vị đất trời Thủ đô đã trở thành "đại sứ" chở những tấm lòng thơm thảo của người Hà Nội đi khắp cả nước và toàn cầu.
Người Hà Nội quý ai mới gửi tặng bánh cốm. Người ở phương xa đến đều muốn mua bằng được chiếc bánh cốm về quê để làm quà. Bánh cốm hay đặc sản Hà Nội nói chung được nâng niu, trân trọng bởi được sản xuất bằng bàn tay của người Thủ đô, bởi sự yêu mến và hướng về trái tim của cả nước.
Những thương hiệu đặc sản gia truyền không chỉ riêng là tài sản của mỗi gia đình làm ra đặc sản đó, mà còn là tài sản chung, là niềm tự hào của ẩm thực Thủ đô và người Hà Nội. Được tạo dựng từ rất nhiều đời, bằng sự sáng tạo và trân trọng những sản vật thiên nhiên đã ban tặng riêng cho Hà Nội, những món ăn được nâng lên tầm đặc trưng của ẩm thực Thủ đô không chỉ là sự khéo tay, là tâm hồn con người nơi này mà còn là một trong những biểu tượng của văn hóa kinh kỳ.
Bởi vậy, khi cơ sở này "có phốt", chắc hẳn rất nhiều người buồn lòng. Buồn vì những chiếc bánh mình đã ăn, cho, biếu, tặng có thể không được đảm bảo vệ sinh đã đành, buồn thêm cả vì những điều mình trân trọng không biết bao giờ khôi phục lại được và khôi phục bằng cách nào?
Vì người tiêu dùng cũng là vì sự phát triển bền lâu
"Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng", đằng sau câu chuyện cơ sở sản xuất bánh cốm không còn được sản xuất ra những chiếc bánh gia truyền nức tiếng vào dịp Tết Nguyên đán cận kề còn là bài học cho không chỉ các đơn vị mang trên mình "trọng trách" đặc sản Thủ đô mà còn chung cho những người làm ra những món ăn "phải có" khi xuân về.
Trong không khí ấm áp của mùa xuân, mùa mở ra nhiều hi vọng, những đĩa bánh chả, mứt gừng, mứt bí, ô mai hay cả những món ăn nổi tiếng trong mâm cỗ như bánh chưng, giò chả, nem, mọc... đưa chúng ta về bên mâm cơm đầm ấm, nao nao hương vị cổ truyền.
Đây cũng là lúc "đến hẹn lại lên", nỗi lo mất an toàn thực phẩm đè nặng lên vai không chỉ cơ quan chức năng mà cả người tiêu dùng, đặc biệt là những bà nội trợ. Rất nhiều người muốn tự tay chuẩn bị các món ăn ngon cho gia đình mình nhưng không phải ai cũng đủ thời gian và sự khéo tay để làm ra thực phẩm chuẩn vị, đậm đà như mong muốn.
Lựa chọn mua đồ ăn sẵn, đồ ăn đã được chế biến tại những cơ sở sản xuất đó là người tiêu dùng trao gửi cả niềm tin vào vị ngon và sự an toàn cho những bữa cơm đoàn viên, bữa tiệc đầu năm, cho sức khỏe và dinh dưỡng của những người thân yêu vào bàn tay và cái tâm của người làm nên thực phẩm ấy.
Mong rằng những hình ảnh này không còn bao giờ tái diễn (Ảnh: Phạm Mạnh) |
Việc các cơ sở sản xuất không đảm bảo phải đình chỉ, tạm dừng hoạt động là minh chứng rõ ràng cho thấy nếu không trang bị đủ văn hóa bán hàng, không có cái tâm đặt vào sản phẩm mình làm ra thì chính họ sẽ phải trả giá. Cách tốt nhất để thu lợi cao nhất đó là bằng việc sản xuất đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn sản phẩm của mình dài lâu mới chính là lợi nhuận lâu dài và bền vững nhất.