Xử phạt 4,8 tỉ đồng sau gần 1 tháng kiểm tra ATTP dịp Tết
Tập trung kiểm tra ATTP các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán
Đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác ATTP số 1 của TP, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã báo cáo kết quả công tác đảm bảo ATTP Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025 của Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội, trong dịp Tết năm nay, toàn thành phố đã thành lập 681 đoàn kiểm tra.
Tính từ ngày 15/12/2024 đến 10/1/2025, toàn thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 6.829 cơ sở sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, trong đó 5.828 cơ sở đạt, vi phạm 1.001 cơ sở; phạt 954 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 4,8 tỉ đồng, nhắc nhở 30 cơ sở và đang tiếp tục xử lý vi phạm với 17 cơ sở.
Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP) có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội |
Tính riêng tuyến thành phố đã kiểm tra 518 cơ sở, trong đó 94 cơ sở đạt, vi phạm 424 cơ sở, đang tiếp tục làm việc xử lý vi phạm với 17 cơ sở; phạt tiền 407 cơ sở, tổng số tiền phạt hơn 2,7 tỉ đồng.
Nhiều hàng hoá phục vụ dịp Tết không đảm bảo ATTP buộc phải thu hồi tiêu huỷ như thực phẩm bao gói sẵn (gồm xúc xích, kẹo và các sản phẩm từ thịt động vật...); thịt bò đông lạnh; hoa quả khô; rượu thủ công, sản phẩm bánh, kẹo…không đảm bảo an toàn thực phẩm; chuyển 4 vụ sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định..
Tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã kiểm tra tổng số 6.311 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt 5.734 cơ sở, vi phạm 577 cơ sở, phạt tiền 547 cơ sở với số tiền phạt là hơn 2 tỉ đồng, nhắc nhở 30 cơ sở; tiêu hủy 170 loại sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng.
Các đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã kiểm tra việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025 của 23/30 Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã.
Các đoàn cũng kiểm tra đột xuất thực tế tại 28 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kết quả 4 cơ sở đạt; 24 cơ sở có vi phạm, các đoàn kiểm tra liên ngành đã yêu cầu tạm dừng hoạt động 5 cơ sở; giao cho Ban chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm các quận, huyện làm việc với 24 cơ sở.
Tính đến ngày 10/1/2024, Ban Chỉ đạo ATTP các quận huyện được chuyển xử lý đã xử lý vi phạm 7 cơ sở với số tiền phạt gần 300 triệu đồng; đang trong quá trình xử lý vi phạm đối với 17 cơ sở; lấy 7 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm, hiện chưa có kết quả.
Hoạt động lấy mẫu, giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội Xuân tiếp tục được tăng cường và tập trung vào các sản phẩm tươi sống tiêu dùng hàng ngày của người dân tại các công đoạn có nguy cơ cao.
Tổng số mẫu được giám sát trong đợt 1 là 189 mẫu (ngành nông nghiệp giám sát 32 mẫu, ngành Y tế giám sát 150 mẫu, các đoàn liên ngành của thành phố giám sát 7 mẫu), trong đó có 148 đạt các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, 9 mẫu không đạt các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, 31 mẫu chưa có kết quả kiểm nghiệm.
Tổng số mẫu xét nghiệm nhanh (chủ yếu là mẫu tinh bột, phẩm màu kiềm, dấm vô cơ, foocmon, hàn the, ôi khét, methanol) được thực hiện trong các đợt kiểm tra 13.225 mẫu trong đó số mẫu không đạt: 1.005 mẫu (chiếm tỉ lệ 7,6 %).
Nâng mức xử phạt gấp đôi để tạo sức răn đe
Tại buổi làm việc, các đoàn kiểm tra đã tập trung làm rõ các nội dung: Về công tác tuyên truyền ở các tuyến quận, huyện, xã; công tác giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi dùng làm thực phẩm; việc xử lý các kiến nghị về ATTP; việc bố trí kinh phí đối với công tác bảo đảm ATTP…
Qua công tác ra quân kiểm tra ATTP dịp Tết gần 1 tháng qua, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về công tác An toàn thực phẩm số 1 của TP đánh giá: Việc nâng mức tiền phạt gấp đôi đã tăng tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động liên quan ATTP, hướng tới tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh.
Thời gian qua, công tác ATTP luôn được lãnh đạo TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo sát sao, Sở Y tế cùng các ngành liên tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn về bảo đảm ATTP, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP các cấp.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 4 của Trung ương về ATTP cũng ghi nhận, đánh giá cao công tác triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 20235 của Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội.
Đoàn đề nghị Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố tiếp tục triển khai phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2025; trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, tập trung vào những mặt hàng có nguy cơ cao; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đoàn kiểm tra tại khu vực làm bánh của nhà máy chế biến công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh |
Sau buổi làm việc, đoàn kiểm tra liên ngành số 4 của Trung ương về ATTP và Ban chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội đã đi kiểm tra thực tế tại nhà máy chế biến thực phẩm Công ty CP bánh mứt kẹo Bảo Minh (Khu Công nghiệp Nam Thăng Long, Quận Bắc Từ Liêm); Công ty cổ phần sô cô la Belcholat (Khu Công nghiệp Nam Thăng Long, Quận Bắc Từ Liêm).
Nhà xưởng Công ty CP bánh mứt kẹo Bảo Minh đảm bảo các tiêu chuẩn ATTP |
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận hai cơ sở đã tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý.
Nhà xưởng sản xuất của Công ty Belcholat đảm bảo quy trình 1 chiều |
Quy trình sản xuất sô cô la đảm bảo các điều kiện vệ sinh ATTP |
Các khu vực sơ chế, chế biến, kho bảo quản được thiết kế khoa học, ngăn nắp, đảm bảo quy định về ATTP khép kín 1 chiều. Các kho thành phẩm, nguyên liệu có giá kệ.
Đoàn kiểm tra quy trình sản xuất sô cô la |
Đoàn cũng tiến hành lấy mẫu xét nghiệm một số sản phẩm sô cô la của công ty Belcholat và sản phẩm của công ty CP bánh mứt kẹo Bảo Minh.
Đoàn kiểm tra kho thành phẩm sô cô la |
Khu đóng gói bao bì ngoài không tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm đảm bảo các quy trình ATTP |
Kết thúc buổi kiểm tra, bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương), Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 4 của Trung ương về ATTP ghi nhận, đánh giá cao công tác triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2025 của thành phố Hà Nội.
Sở Y tế cũng đã tăng cường đẩy mạnh công tác kiểm tra lấy mẫu thường xuyên về đảm bảo ATTP thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể;
Qua quá trình kiểm tra đã phát hiện xử lý nhiều vụ vi phạm lớn tuy nhiên công tác kiểm tra cũng gặp nhiều khó khăn về vấn đề pháp lý, kho bãi, nhân lực.., đoàn kiểm tra đã ghi nhận để kiến nghị sửa đổi, tháo gỡ các khó khăn về cơ chế pháp lý.
Bà Chu Thị Thu Hương, Phó Tổng Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương), Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành số 4 của Trung ương về ATTP |
Đoàn kiểm tra cũng đánh giá Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về lĩnh vực ATTP luôn được UBND TP quan tâm chỉ đạo.
Thời gian qua, cơ quan chức năng của thành phố đã rất tích cực vào cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm an toàn thực phẩm lớn.
Tuy nhiên, với đặc thù là thành phố đông dân với số lượng lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, nhân lực kiểm tra về công tác ATTP còn mỏng, TP cần tháo gỡ các vướng mắc về nhân sự, đặc biệt là tại các tuyến huyện, tuyến xã.
Để phát huy các kết quả đạt được, theo bà Chu Thị Thu Hương, thời gian tới, công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân trên địa bàn thành phố cần tiếp tục được tăng cường. Cùng với việc phản ánh các cơ sở vi phạm, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn để người tiêu dùng biết và lựa chọn.