Thịt lợn đông lạnh nhập khẩu tràn ngập “chợ online”: Khó kiểm soát nguồn gốc
Thịt lợn đông lạnh nhập khẩu tràn ngập “chợ online” gây khó khăn trong việc kiểm soát nguồn gốc và chất lượng
Bài liên quan
Yêu cầu các địa phương kiểm soát giá bán thịt lợn hơi
Thị trường hàng hóa thực phẩm ổn định, công tác phòng dịch được nâng cao
1.500 tấn thịt lợn nhập khẩu từ Nga sắp được đưa ra thị trường tiêu thụ
Thủ tướng yêu cầu sớm giảm giá thịt lợn
Thủ tướng yêu cầu đưa giá lợn hơi về mức bình thường
Giá rẻ hơn chợ truyền thống gần 30.000 đồng/kg
Những ngày qua, nhu cầu đi chợ online của người dân ở các thành phố lớn tăng mạnh do yêu cầu hạn chế đi lại trong thời gian giãn cách xã hội. Đây chính là thời điểm "vàng" để nhiều người bán hàng đăng bán và quảng cáo các sản phẩm thịt lợn đông lạnh nhập khẩu từ các nước như Canada, Ba Lan, Nga... trên các trang mạng xã hội như Facebook.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, so với các chợ dân sinh hay hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, giá thịt lợn đông lạnh nhập khẩu được đăng bán trên các trang mạng xã hội rẻ hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại.
Cụ thể, sườn cánh buồm Nga có giá 120.000 - 130.000 đồng/kg, sườn cốt lết Canada 130.000 - 140.000 đồng/kg, móng giò lợn Ba Lan 120.000 đồng/kg, bắp giò lợn Ba Lan cắt khoanh 100.000 đồng/kg, ba chỉ rút sườn Nga 130.000 đồng/kg, thịt nạc vai Nga có giá 135.000 đồng/kg... Chính vì giá cả có sự chênh lệch nên thu hút đông đảo người tiêu dùng quan tâm và đặt mua.
Việc xuất hiện nhiều tài khoản cá nhân đăng bán các loại thịt lợn đông lạnh nhập khẩu trên mạng xã hội là do thời gian vừa qua, giá thịt lợn trong nước liên tục tăng cao ở mức 150.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại. Mặc dù, trước đó Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, cam kết đưa giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên cho đến nay, giá thịt lợn vẫn rất cao nên nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn thịt lợn để phục vụ nhu cầu của người dân trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung trong nước và dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Điều đáng quan tâm là hầu hết các tài khoản đăng bán thịt lợn đông lạnh nhập khẩu trên Facebook đều là cá nhân, không ghi rõ địa chỉ cụ thể mà chỉ ghi chung chung như Gia Lâm (Hà Nội), Long Biên (Hà Nội)... Cùng với đó, các sản phẩm thịt lợn được đăng bán cũng không ghi rõ ràng nguồn gốc được nhập khẩu về Việt Nam qua công ty nào, thời gian nào mà người bán chỉ ghi là “thịt lợn nhập khẩu từ Nga; Canada, Ba Lan...”
Giá thịt lợn đông lạnh nhập khẩu rẻ hơn giá thịt lợn tại chợ truyền thống từ 20.000 - 30.000 đồng/kg |
Việc đăng bán các sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu không rõ nguồn gốc, không được cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát nên nhiều người tiêu dùng cũng đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn.
Chị Phan Thị Hà (ở Đông Dư, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Mấy hôm nay, tôi thấy trên Facebook có nhiều tài khoản cá nhân đăng bán các sản phẩm thịt lợn đông lạnh. Thấy giá bán khá rẻ nên tôi có đặt mua một ít về dùng thử. Tuy nhiên, tôi cũng hơi chủ quan khi không hỏi rõ về nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm nên lúc nhận hàng hơi thất vọng vì chất lượng không như mong muốn. Ngoài việc không được đóng dấu kiểm nghiệm của cơ quan chức năng thì việc bảo quản, vận chuyển mặt hàng đông lạnh này cũng khiến tôi lo lắng. Do đó, tôi đã quyết định không sử dụng số thịt đông lạnh đã đặt mua”.
Trái ngược với sự lo lắng của chị Hà, hiện nay vẫn có nhiều người tiêu dùng tin tưởng đặt mua sản phẩm chỉ vì giá rẻ, được giao hàng miễn phí tận nhà.
Một tài khoản Facebook có tên M.A.N, địa chỉ tại Long Biên (Hà Nội) cho biết: “Tôi kinh doanh online cũng nhiều năm nay, các mặt hàng tôi bán chủ yếu là hải sản, hoa quả... Thời gian gần đây, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh tăng cao, trong khi đó thịt lợn đông lạnh nhập khẩu có giá rẻ, lại chưa được bán nhiều trên thị trường nên tôi đã lấy hàng về bán. Tín hiệu ban đầu khá tích cực nên tôi sẽ duy trì việc buôn bán này”.
Theo lời chia sẻ của chủ tài khoản M.A.N, các loại thịt lợn chị đang bán chủ yếu được nhập khẩu từ Nga, mỗi ngày bán được 15 - 20kg các loại. “Thời gian này mọi người rất hạn chế đi ra đường, việc mua sắm online trở nên phổ biến hơn. Đặc biệt, giá thịt lợn tại các chợ vẫn khá đắt trong khi thu nhập của mọi người có phần eo hẹp vì dịch bệnh, nên nhiều chị em bắt đầu tìm mua thịt lợn ngoại, giá rẻ và nhất là được giao đến tận nhà nên tiết kiệm được khá nhiều cho chi tiêu", chủ tài khoản M.A.N chia sẻ.
Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm
Có thể nhận thấy rằng, bên cạnh những tổ chức, cá nhân làm ăn chân chính thì dịch vụ kinh doanh thực phẩm trên mạng xã hội đang “trăm hoa đua nở” mà không cần biết đến các thủ tục đăng ký kinh doanh và những giấy phép đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng phần vì ham rẻ, phần chưa nhận thức đầy đủ về tính minh bạch của các sản phẩm liên quan đến nhu cầu ăn uống thường ngày nên vô tình tạo điều kiện cho thực phẩm kém chất lượng lên bàn ăn của chính gia đình mình.
Trước thực tế việc kinh doanh hàng hóa nói chung và kinh doanh thực phẩm đang bùng nổ trên mạng xã hội hiện nay, các cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo: Thực phẩm là nhóm hàng hóa được sản xuất, kinh doanh có điều kiện phải được sự quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh những nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh thực phẩm đang diễn biến hết sức phức tạp,q đặc biệt là việc kinh doanh qua mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng.
Các sản phẩm bán qua mạng thường không kèm theo chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và hợp pháp theo quy định pháp luật hiện hành. Việc mua bán diễn ra theo hình thức thỏa thuận giữa các bên nên rất khó cho công tác quản lý.
Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc và chất lượng các loại thực phẩm được bán online trên các trang mạng xã hội |
Bên cạnh đó, những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc giả mạo nguồn gốc xuất xứ có thể tiềm ẩn nguy cơ chứa chất cấm, tồn dư kháng sinh, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… gây bệnh cho người sử dụng.
Đặc biệt, người bán hàng online thường là cá nhân và không đăng ký kinh doanh do không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Do đó, người bán có thể tự do thay đổi thông tin, địa điểm kinh doanh mà người tiêu dùng không thể lường trước được. Vì vậy, thông tin liên lạc cùng danh tính của người bán chưa thực sự rõ ràng và xác thực khiến người tiêu dùng rất khó kiểm tra chất lượng do sản phẩm được đơn vị giao nhận gửi đến và bao gói rất cẩn thận.
Từ những thực tế nêu trên, các cơ quan chức năng khuyến cáo khi mua các loại thực phẩm qua mạng người tiêu dùng cần lưu ý tìm hiểu kỹ các thông tin về chủng loại sản phẩm (thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế hay thực phẩm đã chế biến); thành phần cấu thành nên sản phẩm, giá trị dinh dưỡng (bằng chứng khoa học về khả năng mang lại giá trị cho người sử dụng); yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo quy định, thời điểm sản xuất, hướng dẫn sử dụng đối với từng loại sản phẩm và điều kiện bảo quản.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng thực phẩm trên mạng xã hội qua thông tin về địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ cư trú của thương nhân, điện thoại, email… và có thể kiểm chứng được thông tin.
Đặc biệt, người tiêu dùng chỉ nên chọn sản phẩm thực phẩm từ các sơ sản sản xuất, kinh doanh có bề dày hoạt động trên thị trường, có uy tín với thương hiệu và chất lượng sản phẩm được kiểm chứng cùng nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp pháp. Tránh tiêu dùng những sản phẩm thực phẩm được quảng cáo bắt mắt, công dụng thiếu thực tế và chứng cứ khoa học, mập mờ về nhãn mác cùng xuất xứ không rõ ràng.