Bài 2: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc
Liên tiếp các ca cấp cứu vì tuỳ tiện sử dụng rượu thuốc
Các bệnh viện đã ghi nhận nhiều ca bị ngộ độc, dị ứng, sốc phản vệ sau khi sử dụng rượu ngâm như thuốc chữa bệnh. Thậm chí, nhiều trường hợp nếu không vào viện cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Mẫu rượu ngâm rễ cây rừng mà bệnh nhân Trương Văn Đ đã sử dụng |
Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận một bệnh nhân nam dùng rượu ngâm với rễ cây theo lời mách của một “bà dân tộc” dẫn đến tổn thương não và hiện vẫn trong tình trạng hôn mê.
Bệnh nhân dùng rượu thuốc ngâm rễ cây để chữa bệnh xương khớp nhưng sau 10 ngày sử dụng sản phẩm rượu ngâm, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, huyết áp tăng cao.
Bệnh nhân được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu nhưng tình trạng càng tăng nặng, xuất hiện cơn co quắp chân tay khoảng 30 phút nên bệnh nhân đã được chuyển lên tuyến cao hơn và tiếp tục được chuyển đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.
Một bệnh nhân nam khác cũng bị ngộ độc do uống rượu ngâm rễ cây rừng đang điều trị tại Trung tâm Chống độc với tiền sử uống rượu thường xuyên, khoảng 500ml/ngày.
Bệnh nhân làm nghề đi biển uống rượu ngâm rễ cây rừng để chữa bệnh xương khớp, khoảng 150ml/ngày. Sau khi uống được 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện chóng mặt, đau bụng thượng vị, buồn nôn nên được đưa đi cấp cứu và chuyển đến Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết: "Ngay trong tháng 5 năm nay, Trung tâm Chống độc đã điều trị cho hai bệnh nhân nam giới 50 tuổi và 60 tuổi nhập viện do bị ngộ độc sau khi uống một loại rượu ngâm với rễ cây tự đào trên rừng về để chữa đau lưng, đau khớp gối.
Sau khi uống được 5 ngày, các bệnh nhân đều có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, ù tai, khó thở, thở nhanh và đến viện trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, hôn mê, có tổn thương não.
Xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân mang đến và xét nghiệm máu của bệnh nhân phát hiện Salicylate có nguồn gốc từ rễ cây.
Đây là một loại thuốc giảm đau có trong nhiều loại cây cỏ tự nhiên, có thể được dùng để chữa giảm đau, tuy nhiên nó có độc tính nhất định nếu việc kiểm soát không đảm bảo về liều lượng, cách dùng. Do đó nếu chúng ta uống các loại rượu ngâm một cách “thoải mái” như thế này thì rất dễ bị ngộ độc".
Hai trường hợp trên dễ phát hiện, có thể xử lý được, tuy nhiên sẽ có nhiều trường hợp phức tạp khác bởi trong tự nhiên có quá nhiều hợp chất, các chất khác nhau mà chúng ta không biết.
Ngộ độc Salicylate có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, có tổn thương não và tổn thương thận, rất dễ bị tử vong.
Rước bệnh vì tin lời đồn "truyền miệng"
Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%; rượu ngâm cây "thuốc" chiếm khoảng 36%; rượu ngâm động vật và phủ tạng, như: Ong đất, tắc kè, mật động vật các loại là khoảng 10%. Đây là một lời cảnh báo cho những người có sở thích uống rượu ngâm không rõ nguồn gốc.
Rượu thuốc khi sử dụng cần phải đảm bảo các tiêu chí để tránh gây độc cho người sử dụng. |
Hiện có nhiều kiểu ngâm rượu khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là sự truyền miệng, ngâm theo kinh nghiệm dân gian, chứ không theo phương pháp khoa học nào, chưa được kiểm chứng.
Ngoài một số loại rễ, thân, lá được cho là vị thuốc trong y học cổ truyền, người dân còn ngâm rượu với côn trùng, bò sát hay ngâm rượu với cả tay gấu, bào thai động vật... và thậm chí một số con vật được ngâm nguyên cả lông và nội tạng.
Người sử dụng cũng giữ thói quen chỉ ngâm những loại động vật hoặc thực vật được những người từng ngâm trước đó "truyền miệng" nên dễ gặp những rủi ro làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Thậm chí, nhiều người lại thiếu kiến thức cho rằng cứ ngâm nhiều loại "thập toàn đại bộ" thì rượu thuốc sẽ càng phát huy công dụng tốt hơn.
Đây là điều hết sức sai lầm vì trong số những loại dùng ngâm rượu chung đó có thể có một số loại kỵ nhau nên khi ngâm chung sẽ sản sinh ra độc tố, gây hại đến sức khỏe.
Trên thực tế, hiều người do nghe đồn thổi nên đã tự ý ngâm các loại củ, rễ cây rừng không rõ nguồn gốc, đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ ngộ độc dẫn đến chết người.
Ngoài việc dùng để uống, việc ngâm rượu để xoa bóp tại nhà rất phổ biến, để đảm bảo an toàn khi sử dụng, bác sĩ khuyến cáo dù là thảo dược nhưng đó cũng là thuốc bởi trong đó có nhiều hoạt chất khác nhau mà chúng ta không biết hết được.
Do đó việc ngâm hàm lượng bao nhiêu, sử dụng như thế nào cũng cần có sự tư vấn của bác sỹ. Nếu chúng ta sử dụng một cách vô tư, thoải mái như hiện nay thì rất dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chính mình và người thân.