Người lớn đừng làm thay con trẻ trong phong trào “Kế hoạch nhỏ”
Kế hoạch nhỏ - ý nghĩa lớn |
Giáo dục thiếu nhi ý thức tiết kiệm
PV: Thưa đồng chí, đâu là mục tiêu lớn nhất mà phong trào “Kế hoạch nhỏ” hướng đến hiện nay?
Đồng chí Lê Anh Quân: Kế thừa những giá trị tốt đẹp, hiện nay, mục tiêu của phong trào “Kế hoạch nhỏ” tập trung hướng dẫn thiếu nhi tham gia với tinh thần chủ động, giúp các em hiểu và nhận thức đúng về ý nghĩa và giá trị của phong trào. Từ đó, các em sẽ được nâng cao ý thức tiết kiệm, yêu quý lao động, bảo vệ môi trường, biết giúp đỡ và chia sẻ với bạn bè có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời vận dụng linh hoạt các phương thức, giải pháp cho phù hợp, tạo sự đồng thuận của gia đình, nhà trường và xã hội trong triển khai phong trào.
PV: Như vậy, nội dung của phong trào “Kế hoạch nhỏ” hiện nay có gì khác so với các giai đoạn trước?
Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Lê Anh Quân |
Đồng chí Lê Anh Quân: Trước đây, phong trào tập trung vào công tác thu nhặt phế liệu, phế phẩm. Đến nay, nội dung của phong trào đã có nhiều thay đổi để bảo đảm phù hợp mọi đối tượng đội viên, thiếu nhi và bảo đảm hiệu quả, tính dễ thực hiện, hướng tới mục tiêu giáo dục, rèn luyện đội viên, thiếu niên và nhi đồng.
Điểm mới và khác đáng chú ý của phong trào “Kế hoạch nhỏ” hiện nay là hướng dẫn các em thực hành tiết kiệm thông qua các hoạt động hằng ngày, thường xuyên tại trường, lớp cũng như trong gia đình; định hướng để các em hiểu, tự nguyện tham gia quyên góp các sản phẩm phế liệu hoặc lao động tạo nguồn kinh phí xây dựng, thực hiện các "công trình măng non", bổ sung trang thiết bị hoạt động Đội tại cơ sở hỗ trợ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.
PV: Đồng chí có thể cho biết quan điểm chỉ đạo của Hội đồng Đội Trung ương trong triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ” đến Hội đồng Đội các cấp trên cả nước?
Đồng chí Lê Anh Quân: Nhằm bảo đảm mục tiêu, tôn chỉ của phong trào, Hội đồng Đội các cấp và các cơ sở Đội cần quán triệt nghiêm tục một số lưu ý sau:
Thứ nhất, chỉ vận động, khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để thiếu nhi tham gia phong trào với hình thức phù hợp với điều kiện của bản thân, gia đình. Các đơn vị không bắt buộc thiếu nhi đóng góp nếu các em không có điều kiện tham gia. Bên cạnh đó, các đơn vị tuyệt đối không dựa vào số lượng đóng góp để tuyên dương và đánh giá thi đua đối với cá nhân đội viên, thiếu nhi và các tập thể Đội.
Thứ hai, tuyệt đối không yêu cầu thiếu nhi nộp tiền mặt thay cho phế liệu (trừ hình thức nuôi heo đất); không áp đặt chỉ tiêu đóng góp của thiếu nhi; không để thiếu nhi mua giấy vụn, phế liệu bên ngoài, hoặc nộp những sản phẩm không phải phế liệu (giấy trắng, đồ uống chưa sử dụng...).
Thứ ba, tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể vận động thiếu nhi đang sinh hoạt trong các nhà thiếu nhi hoặc trên địa bàn dân cư tham gia phong trào. Tổ chức các hoạt động lao động phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, hình thức và quy mô của hoạt động lao động phải phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.
Tuyệt đối không yêu cầu nộp tiền mặt thay cho phế liệu
Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Long Biên, thành phố Hà Nội) tham gia phong trào "Kế hoạch nhỏ" |
PV: Xin đồng chí cho biết thêm về chỉ tiêu tham gia phong trào “Kế hoạch nhỏ” đối với mỗi đội viên, thiếu nhi và việc nộp tiền mặt thay cho phế liệu?
Đồng chí Lê Anh Quân: Hội đồng Đội Trung ương đã quy định rất rõ, các cơ sở Đội không được áp đặt chỉ tiêu đóng góp của thiếu nhi, không bắt buộc thiếu nhi tham gia phong trào "Kế hoạch nhỏ" nếu các em không có điều kiện. Thay vào đó, các đơn vị chỉ được phép vận động, khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để thiếu nhi tham gia phong trào với hình thức phù hợp với điều kiện bản thân và gia đình; Tuyệt đối không yêu cầu thiếu nhi nộp tiền mặt thay cho phế liệu.
PV: Vừa qua, ở một trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai (thành phố Hà Nội), đã xảy ra một vụ việc liên quan đến việc triển khai phong trào “Kế hoạch nhỏ”, gây bức xúc cho phụ huynh, học sinh. Hội đồng Đội Trung ương đánh giá thế nào về việc này?
Đồng chí Lê Anh Quân: Đây là trường hợp hi hữu xảy ra ở cấp cơ sở. Hội đồng Đội Trung ương hoàn toàn chia sẻ, đồng cảm với những bức xúc của phụ huynh bởi cách thức triển khai phong trào đó rõ ràng không đúng với mục tiêu và quan điểm chỉ đạo của Hội đồng Đội cấp trên, làm xấu đi hình ảnh của một phong trào có truyền thống rất lâu đời của các thế hệ thiếu nhi Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ những bức xúc này hướng đến cách thức triển khai phong trào chưa phù hợp từ phía cô giáo chủ nhiệm lớp, chứ không phải bức xúc với phong trào “Kế hoạch nhỏ”.
Sau sự việc kể trên, Hội đồng Đội Trung ương đã lập tức chỉ đạo Hội đồng Đội thành phố Hà Nội quán triệt tới các đơn vị cơ sở trên địa bàn Thủ đô nghiêm túc triển khai phong trào theo đúng tinh thần chỉ đạo của Hội đồng Đội cấp trên, tuyệt đối không để tái diễn. Đồng thời, Hội đồng Đội các cấp tích cực tuyên truyền để phụ huynh hiểu và đồng hành cùng với tổ chức Đội trong giáo dục, rèn luyện cho đội viên, thiếu nhi những thói quen có ích từ khi còn nhỏ.
PV: Có ý kiến phụ huynh cho rằng, phong trào “Kế hoạch nhỏ” hiện nay đang tạo áp lực lớn cho phụ huynh. Quan điểm của Hội đồng Đội Trung ương về ý kiến này ra sao?
Đồng chí Lê Anh Quân: Phong trào “Kế hoạch nhỏ” là một phong trào có giá trị và ý nghĩa rất lớn đối với các em đội viên, thiếu nhi và được khẳng định, chứng minh trong suốt lịch sử 66 năm triển khai. Hội đồng Đội Trung ương nhận thấy không có áp lực nào đối với phụ huynh khi con em tham gia phong trào. Nếu có, thì đó là do cách thức triển khai có nơi, có lúc chưa phù hợp nhưng cũng không hề phổ biến.
Xin được khẳng định lại rằng, số lượng đóng góp của mỗi đội viên, thiếu nhi hay kết quả tham gia phong trào “Kế hoạch nhỏ” của mỗi cơ sở Đội không phải là tiêu chí để đánh giá thi đua đối với mỗi cá nhân đội viên, thiếu nhi hay đối với các tập thể Đội. Các em cũng không bắt buộc phải tham gia đóng góp nếu không có điều kiện.
Hội đồng Đội Trung ương mong muốn các gia đình và phụ huynh tạo điều kiện tốt nhất để các em được tham gia phong trào, không làm thay các em. Dựa trên tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, chúng ta hãy đồng hành để các em có những trải nghiệm tốt, bài học quý khi tham gia phong trào. Từ đó, việc làm của các em hôm nay sẽ hình thành những giá trị nhân cách tốt đẹp trong tương lai.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Phong trào "Kế hoạch nhỏ" ra đời năm 1958, theo sáng kiến của thiếu nhi tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội) và Hải Phòng, để xây dựng Nhà máy nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Các hoạt động chủ yếu là thu gom giấy, phế liệu, trồng cây, nuôi gia cầm... Phong trào sau đó được mở rộng ra cả nước, nhằm giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, tiết kiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong thiếu nhi.Nhiều công trình như: Khách sạn Khăn quàng đỏ, tượng đài Khu di tích Kim Đồng, Nhà tưởng niệm anh hùng Võ Thị Sáu... được xây dựng từ phong trào này. |