Đại biểu “Quốc hội trẻ em” hiến kế phòng, chống bạo lực học đường
Tuyên truyền ứng phó bạo lực học đường cho gần 2.000 học sinh |
Xây dựng phòng tham vấn tâm lý học đường
Theo đại biểu Đặng Minh Hoàng (học sinh lớp 7A3 trường THCS Trọng Điểm, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), bạo lực học đường đang gia tăng đáng báo động. Hoàng lấy dẫn chứng, vào năm 2020, trong giờ ra chơi, một nữ sinh ở Đông Triều (Quảng Ninh) bị bạn lột quần áo trong lớp, đồng thời bị quay clip tung lên mạng xã hội gây xôn xao dư luận khiến nhiều phụ huynh bức xúc.
Đoàn điều hành tổ thảo luận số 5 |
Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ bạo lực học đường gây bức xúc trong xã hội. Qua tìm hiểu, nghiên cứu, Hoàng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường có cả chủ quan và khách quan. Trong đó, cuộc sống gia đình thời đại công nghệ dần trở nên tẻ nhạt khi các thành viên ít tương tác với nhau. Mỗi người chìm trong thế giới riêng trên mạng xã hội, các gia đình dần thiếu sự kết nối, chia sẻ. Một số gia đình gặp vấn đề như ly hôn…, thậm chí có bố mẹ bạo hành khiến trẻ em tổn thương tâm lý, trở nên tự ti, hung hãn, dẫn đến bạo lực học đường.
“Gia đình đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành tính cách và hành vi của trẻ em. Vì vậy, bố mẹ cần quan tâm, chăm sóc con cái, dành nhiều thời gian trò chuyện, lắng nghe chia sẻ để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của con”, Hoàng đề xuất.
Đại biểu nhí của đoàn Quảng Ninh cũng cho rằng cần phải thành lập “Tổ hòa giải” tại các trường học. "Tổ hòa giải" nhằm giải quyết mâu thuẫn trên tinh thần xây dựng, thành viên sẽ gồm giáo viên, phụ hunh và học sinh. Các "Tổ hòa giải" sẽ thông qua đối thoại cởi mở giúp các phụ huynh lắng nghe và nhìn con họ một cách công tâm hơn.
Đại biểu Đặng Minh Hoàng (đoàn Quảng Ninh) |
Đặc biệt, mỗi trường cần có “Phòng tham vấn tâm lý học đường” nhằm giải quyết các vấn đề trong tâm lý, sức khỏe của học sinh nhất là nạn bạo lực học đường. Các bạn học sinh sẽ có một không gian rộng được trang trí thân thiện, có thầy cô phụ trách tâm lý tôn trọng, yêu thương và giữ bí mật những câu chuyện các bạn chia sẻ lại.
Đại biểu Đậu Trần Hàn My, đoàn Hà Tĩnh đề xuất, nhà trường cần tổ chức các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tập trung vào lòng nhân ái, tinh thần hợp tác, kỹ năng giải quyết xung đột và tôn trọng sự khác biệt. Bên cạnh đó, việc giáo dục về cảm xúc, giúp trẻ học cách kiểm soát bản thân trước các tình huống căng thẳng, tránh việc dùng bạo lực để giải quyết vấn đề rất quan trọng.
Cha mẹ phải là tấm gương cho con
Không chỉ nhà trường mà gia đình cũng đóng vai trò rất quan trọng trong đẩy lùi nạn bạo lực học đường. Đại biểu Đậu Trần Hàn My cho rằng, phụ huynh nên nhận thức vai trò của mình không chỉ trong việc giáo dục mà còn hỗ trợ nhà trường trong giám sát và ngăn chặn hành vi bạo lực, đặc biệt quan tâm đến các bạn thiệt thòi. Nội dung này có thể được lồng ghép trong các buổi họp phụ huynh để nâng cao nhận thức.
Bên cạnh đó, mỗi học sinh phải biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu rằng mỗi hành vi dù là nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến họ.
Đại biểu thảo luận tại tổ |
Thảo luận về chủ đề “Phòng chống bạo lực học đường”, đại biểu Biện Nguyễn Khôi Nguyên (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, qua thống kê, từ năm học 2017 - 20218 đến 2021- 2022 đã có 2.624 vụ bạo lực học đường với 7.209 đối tượng liên quan. Nguyên nhân được xác nhận có thể do sự phát triển tâm sinh lý chưa được đầy đủ, chưa nhận thức rõ hành vi mình gây ra; do những mâu thuẫn cá nhân giữa bạn bè như tiền bạc, học tập… Bên cạnh đó, nhà trường chưa giải quyết tốt xung đột, không giám sát hành vi học sinh kĩ; gia đình bỏ bê, không chăm sóc con cái …
Đại biểu tại thảo luận tổ |
Đại biểu Biện Nguyễn Khôi Nguyên đề xuất: Cần ban hành luật và chính sách quốc gia về phòng, chống bạo lực học đường, dựa trên việc rà soát lại các văn bản hiện hành của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan; Tăng cường giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường, tích hợp vào chương trình chính khóa cho học sinh và sinh viên; xây dựng hệ thống hỗ trợ tâm lý và tư vấn học đường.
Đặc biệt gia đình phải tạo môi trường đầm ấm, gần gũi; cha mẹ luôn nêu gương và quan tâm con cái tạo bệ phóng tinh thần để các con phát triển toàn diện.