Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em
Đoàn đại biểu “Quốc hội trẻ em” vào Lăng viếng Bác Khai mạc Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II Đại biểu "Quốc hội trẻ em" trải nghiệm tham quan bảo tàng Quốc hội |
Chiều 28/9, căn cứ chương trình làm việc của phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, các đoàn đại biểu thảo luận theo tổ được phân công theo ban đầu.
Toàn cảnh buổi thảo luận |
Với hai chủ đề của phiên họp là “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”, các đại biểu “Quốc hội trẻ em” tập trung thảo luận, nhằm chuẩn bị các nội dung đưa vào Nghị quyết một cách sát với thực hiện và đạt hiệu quả cao nhất.
Trong chương trình làm việc tại tổ, các ý kiến thực hiện thảo luận lần lượt được đưa ra với từng chủ đề. Các đại biểu trẻ em sẽ tiến hành đăng ký phát biểu, đề xuất tại tổ theo hình thức giơ tay. Mỗi lần phát biểu không quá 3 phút, không phát biểu trùng ý kiến với nhau.
Các đại biểu "Quốc hội trẻ em" tại buổi thảo luận |
Tại tổ thảo luận số 4, 34 “đại biểu nhí” đã lần lượt đưa ra 16 ý kiến về phòng, chống bạo lực học đường và 12 ý kiến có liên quan đến việc sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện ở trẻ em.
Tăng cường kiến thức kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường
Theo em Nguyễn Khánh Ngọc (đoàn đại biểu Thiếu nhi tỉnh Bạc Liêu), bạo lực học đường đã và đang trở thành vấn đề nhức nhối cho xã hội, nhà trường và gia đình, là thách thức ngày càng nghiêm trọng trong môi trường học đường. Bạo lực học đường không dừng lại ở những tác động vật lý lên cơ thể người khác, nó bao gồm các hành vi bạo hành cả về tâm lý, tinh thần.
Các em tập trung lắng nghe ý kiến tại buổi thảo luận |
Cũng theo Khánh Ngọc, bạo lực học đường còn diễn ra ở cả trên mạng Internet với những thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu bạn bè. Để phòng chống bạo lực học đường, mỗi học sinh nên tích cực rèn luyện kiến thức, kỹ năng thực hành, kỹ năng sống cho bản thân. Các em nên học cách kiềm chế cảm xúc, hòa đồng với bạn bè, ngoan ngoãn và lễ phép với người lớn; tích cực tham gia vào các phong trào, hoạt động tình nguyện do lớp học và nhà trường tổ chức, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy của lớp và trường.
Hai bạn nhỏ chủ trì buổi thảo luận |
Mỗi bạn cũng cần nhận thức rõ hành vi bạo lực về biểu hiện, nguyên nhân, hậu quả, tránh xa và nói không với bạo lực đường. Khi nhận thấy có hành vi bạo lực xảy ra, các bạn cần phải kịp thời thông báo cho gia đình, thầy cô giáo, nhà trường hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp, xử lý.
Với em Lô Thị Cẩm Tú (đoàn đại biểu Thiếu nhi tỉnh Nghệ An) thì bạo lực học đường xuất phát từ chính sự ghen ghét, đố kỵ; do lứa tuổi của các bạn còn nhỏ nên có suy nghĩ, hành động bồng bột, muốn thể hiện mình; ảnh hưởng của môi trường xung quanh bị tác động bởi môi trường tiêu cực. Em cũng chia sẻ để phòng chống bạo lực học đường, nhà trường cần tổ chức các buổi trò chuyện mang tính chất giáo dục tập thể, lắng nghe ý kiến của các em học sinh; xây dựng các hòm thư góp ý, phòng tham vấn tâm lý; thường xuyên thăm hỏi, quan tâm, động viên các bạn học sinh trong học tập. Đặc biệt nhà trường cần có những biện pháp ngăn chặn, giáo dục kịp thời những trường hợp có nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường.
Em Lô Thị Cẩm Tú (đoàn đại biểu Thiếu nhi tỉnh Nghệ An) trình bày ý kiến của mình |
Đối với những trường hợp học sinh gây ra bạo lực giáo viên, nhà trường cần có hình thức giáo dục nghiêm khắc, đối với nạn nhân cần có biện pháp hỗ trợ kịp thời; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể để phòng chống hiệu quả bạo lực học đường.
Phòng, ngừa sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện ở trẻ em
Em Lưu Thuỳ Dương (đoàn đại biểu Thiếu nhi tỉnh Ninh Thuận) cho biết hiện nay, tình trạng sử dụng chất kích thích ở môi trường học đường đang trở nên phổ biến và gia tăng với mức độ nghiêm trọng. Theo em để giảm thiếu vấn nạn sử dụng chất kích thích tại trường học, mỗi cái nhân cần sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền cho trẻ biết về các tác hại của thuốc lá điện tử. Đồng thời cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, nội quy của nhà trường về việc nghiêm cấm mua bán, sử dụng các sản phẩm thuốc lá đối với học sinh. Rèn luyện các kỹ năng sống cho trẻ như kỹ năng chăm sóc sức khỏe, tránh xa những chất độc hại, không có lợi cho sức khỏe; kỹ năng từ chối trước những cám dỗ; kỹ năng chia sẻ;....
Em Lưu Thuỳ Dương (đoàn đại biểu Thiếu nhi tỉnh Ninh Thuận) |
“Đại biểu nhí” Dùng Thị Yến Nhi (đoàn đại biểu Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ rằng thuốc lá điện tử hiện len lỏi vào đời sống học đường, hấp dẫn học sinh bằng nhiều sản phẩm với hình thức đa dạng; trẻ em chỉ cần 1 giờ trong phòng hút thuốc có người sử dụng hút thuốc lá đã có hút thuốc. Khi đến với phần thảo luận, Yến Nhi đã đưa ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả để góp phần chung tay giải quyết những vấn đề nóng liên quan đến thuốc lá và chất kích thích. Yến Nhi nhấn mạnh, các tổ chức có liên quan cần thiết lập đường dây nóng để trẻ em có thể trực tiếp tố giác các hành vi liên quan sử dụng các chất kích thích.
Em Dùng Thị Yến Nhi (đoàn đại biểu Thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh) |
Nhà trường cần kết hợp gia đình để tăng cường các giải pháp tuyên truyền sinh động, cụ thể, trực quan để giúp học sinh nhận biết tác hại của thuốc lá và các chất kích thích; đồng thời, tạo môi trường lành mạnh thu hút học sinh tham gia, để các em không có “cơ hội” tiếp xúc với môi trường nhiều cạm bẫy, nguy cơ.
Kết thúc phần thảo luận, đại diện các bạn điều hành tổ thảo luận đã đưa phát biểu kết luận, tiếp thu những vấn đề phù hợp tổng hợp trình bày tại phiên họp chính thức và giải trình, làm rõ những giải pháp còn lại.
Các ý kiến thảo luận tại tổ sẽ được các tổ trưởng tổ thảo luận tổng hợp và trình bày trong phiên họp giả định toàn thể diễn ra tại Hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội vào sáng ngày 29/9.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II, năm 2024 do Trung ương Đoàn chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 27 – 29/9/2024 tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham gia của 306 đại biểu là các em đội viên, thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. |