“Quốc hội trẻ em” chất vấn về bạo lực học đường, chất kích thích
Đại biểu “Quốc hội trẻ em” hiến kế phòng, chống bạo lực học đường |
Xây dựng trường học hạnh phúc
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” Lê Gia Vinh cho biết: Ngay từ đầu tháng 3/2024, để có cơ sở lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Tổng Thư ký “Quốc hội trẻ em” đã có văn bản đề nghị các đoàn đại biểu “Quốc hội trẻ em” đề xuất nội dung.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên chất vấn "Quốc hội trẻ em" |
Căn cứ vào đề xuất của các đoàn đại biểu “Quốc hội trẻ em”, ý kiến, kiến nghị của cử tri trẻ em, Tổng Thư ký “Quốc hội trẻ em” đã tổng hợp 6 nhóm vấn đề gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của “Quốc hội trẻ em”. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trẻ em quyết định lựa chọn 2 nhóm vấn đề là: “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” Lê Gia Vinh phát biểu khai mạc phiên chất vấn |
Trách nhiệm chính trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trẻ em; Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ em. Tham gia trả lời còn có các Bộ trưởng liên quan như Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ trưởng Bộ Công an; Bộ trưởng Bộ Công Thương trẻ em.
Quan tâm đến vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường”, đại biểu Trần Thị Tuyết My ( đoàn đại biểu “Quốc hội trẻ em” tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đặt câu hỏi: Tình trạng bạo lực học đường đã diễn ra từ nhiều năm nay tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được triệt để. Gần đây, có một số vụ việc có tính chất nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh, phụ huynh và xã hội. Xin Bộ trưởng cho biết nhận định của Bộ trưởng về thực trạng nêu trên, nếu đúng như vậy xin Bộ trưởng phân tích và làm rõ nguyên nhân của tình trạng trên?
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo “Quốc hội trẻ em” Trần Bình Minh trả lời chất vấn của đại biểu |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trẻ em Trần Bình Minh cho biết: Đây là vấn đề đang rất bức xúc và và cần được ngành giáo dục cần tập trung giải quyết triệt để. Nguyên nhân của bạo lực học đường được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo “Quốc hội trẻ em” đưa ra gồm: Dù đại bộ phận trường học đều rất quan tâm đến việc thực hiện chủ trương phát triển giáo dục toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, vẫn có những trường học đội ngũ quản lý hay giáo viên chưa thực sự quan tâm đến vấn đề xây dựng môi trường văn hóa đọc đường; chưa thực sự sâu sát tới học sinh, chưa giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong trường học.
Phát biểu tại phiên chất vấn “Quốc hội trẻ em”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Những nội dung chất vấn trong phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” đều là những vấn đề thật, được dư luận rất quan tâm. Trong đó quan điểm thống nhất và được khẳng định, trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực học đường và các chất kích thích. Để xây dựng môi trường học đường lành mạnh, ngoài trách nhiệm của người lớn, mỗi thiếu nhi cũng phải rèn luyện, sống có hoài bão, lỹ tưởng biết yêu thương, sẻ chia và có kỹ năng để giúp đỡ bạn, ngăn chặn bạo lực học đường. |
Do điều kiện xã hội hiện nay, vì cuộc sống mưu sinh, cũng có trường hợp sự chăm sóc các em trong gia đình chưa thực sự quan tâm đúng mức. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới hành vi bạo lực của một số học sinh. Bên cạnh đó, hiện nay môi trường mạng đang rất phát triển mang lại nhiều lợi ích cho xã hội nhưng mặt trái có nhiều tác động tiêu cực tới các em học sinh. Việc tiếp cận sớm với những hình ảnh bạo lực trên không gian mạng khiến cho trẻ em kiểm soát hành vi khó khăn. Nếu không có biện pháp ngăn ngừa các em tiếp cận với các sản phẩm độc hại, không trang bị cho các em năng lực “đề kháng” trước những sản phẩm độc hại thì sẽ tạo nguy cơ rất lớn dẫn đến hành vi bạo lực của các em.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trẻ em cho rằng, các cấp, ngành cần phải phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để giải quyết tốt vấn đề này. Ngành Giáo dục sẽ ủng hộ, tạo điều kiện hết sức để tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường thực hiện tốt chức năng của mình. Đồng thời, chúng tôi sẽ tăng cường giao cho tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường triển khai các hoạt động kỹ năng cho học sinh gắn với chương giáo dục phổ thông mới.
Đại biểu đặt câu hỏi tại phiên chất vấn |
Trường học là nơi không có chỗ cho chất kích thích
Vấn đề “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” nhận được 130 ý kiến đăng ký phát biểu của đại biểu “Quốc hội trẻ em”. Trong đó, đại biểu Nguyễn Hà Bá Tân (tỉnh Nghệ An) và Sùng Lan Phương (tỉnh Lai Châu) đề nghị Bộ trưởng Bộ y tế “Quốc hội trẻ em” nêu rõ thực trạng, phân tích nguyên nhân và biện pháp giải quyết.
Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ em Nguyễn Ngọc Mai An cho biết: Trước tiên, phải khẳng định thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nói riêng và thuốc lá nói chung hoàn toàn không có lợi cho sức khỏe con người, đặc biệt là với trẻ em. Cho nên việc sử dụng thuốc lá điện tử phổ biến trong học sinh là xu hướng không tốt, cần phải có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu. “Để làm việc này, chúng tôi cho rằng trước tiên cần phải có hành lang pháp lý chặt chẽ để tăng cường quản lý và điều chỉnh hành vi sử dụng của học sinh. Trong đó Bộ Y tế cũng đã đề xuất cần phải cấm các sản phẩm này tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ em cho biết.
Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ em Nguyễn Ngọc Mai An trả lời chất vấn |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế trẻ em đề xuất các biện pháp ngăn chặn thuốc lá điện tử xâm nhập vào trong trường học như: Phối hợp với ngành Giáo dục, các cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc lá điện tử trong trường học, nhất là các thầy cô giáo, nhân viên nhà trường, kể cả các bác bảo vệ, các cô lao công, thư viện trong nhà trường cũng cần được thông tin, phối hợp quản lý học sinh sử dụng thuôc lá điện tử.
Gia đình có sự quan tâm sát sao tới con em mình, nhất là quản lý tiền bạc và thời gian rảnh rỗi của trẻ em trong độ tuổi học sinh. Các cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, kinh doanh trái phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong đó có việc kinh doanh các mặt hàng này ở cổng các trường phổ thông. Ngành công an xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về nhập lậu, buôn bán cho trẻ em sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Các đại biểu tham dự Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ II, năm 2024. |
Mặt khác, các đơn vị cần tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin về tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng cho trẻ em và cộng đồng xã hội. Việc thông tin cho trẻ em phải bằng các phương thức thích hợp với độ tuổi như clip hoạt hình, tranh vẽ hay qua mạng xã hội có thể đạt hiệu quả cao hơn.