Động lực trẻ trong khát vọng phát triển công nghiệp văn hóa
Mong được đóng góp nhiều hơn cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô |
Chiều 14/10, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội (quận Nam Từ Liêm - Hà Nội), trong khuôn khổ Đại hội VIII Hội LHTN Việt Nam TP Hà Nội, đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gặp mặt và đối thoại với thanh niên Thủ đô.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đối thoại với thanh niên Thủ đô |
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu được nghe báo cáo kết quả thực hiện kết luận của Chủ tịch UBND thành phố đối thoại với thanh niên năm 2023; định hướng nội dung đối thoại năm 2024. Các đại biểu đại diện đoàn viên, thanh niên Thủ đô phát biểu, tham gia đóng góp ý kiến theo các nhóm chủ đề của hội nghị.
Trong đó, nhóm vấn đề về văn hóa, văn hiến nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Đồng thời, lãnh đạo thành phố và trưởng các sở ngành cũng dành thời gian trao đổi kỹ lưỡng với thế hệ trẻ về vấn đề này.
Ca sỹ Nguyễn Trần Trung Quân, đại biểu cho văn nghệ sỹ trẻ Thủ đô đặt câu hỏi về công nghiệp văn hóa |
Ca sỹ Nguyễn Trần Trung Quân, đại biểu cho văn nghệ sỹ trẻ Thủ đô, cho rằng, văn hóa là niềm tự hào của người dân kinh kỳ. Cho rằng truyền thống văn hiến hàng nghìn năm của Thủ đô là nguồn nội lực quý báu, đại biểu Nguyễn Trần Trung Quân mong muốn Hà Nội có giải pháp để các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng công nghiệp văn hóa, góp phần đưa văn hóa trở thành động lực phát triển mạnh mẽ.
Cùng tâm tư như trên, đại biểu Đinh Ngọc Thanh, Bí thư Quận đoàn Tây Hồ, cho biết: Trải qua nhiều thế kỷ, Tây Hồ được bồi đắp bởi bề dày trầm tích văn hóa phong phú với nhiều di tích lịch sử mang dấu ấn đậm nét của Kinh thành Thăng Long xưa như: Chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đền Đồng Cổ... Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, hiện nay trên đại bàn hiện có 71 di tích gồm 18 chùa, 20 đình, 33 đền, miếu, am… Đại biểu Đinh Ngọc Thanh bày tỏ khát vọng của giới trẻ quận Tây Hồ trong việc đưa các di tích, trầm tích văn hóa này trở thành tài nguyên để phát triển bền vững.
Giám đốc Sở Văn hóa thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng trao đổi với thanh niên |
Trả lời những vấn đề nêu trên, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng vui mừng cho biết, Luật Thủ đô sửa đổi mới được thông qua là cơ sở pháp lý quan trọng để khối doanh nghiệp tham gia xây dựng công nghiệp văn hóa Thủ đô. Luật Thủ đô sửa đổi, tại điều 41, cho phép sử dụng cái tài sản công, các thiết chế văn hóa để liên kết, tổ chức các sự kiện, từ đó, thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân tâm huyết để cùng phát huy giá trị văn hóa Thủ đô.
Các đại biểu hài lòng với ý kiến trao đổi |
Đối với địa bàn quận Tây Hồ, đồng chí Đỗ Đình Hồng nhấn mạnh tầm quan trọng của Hồ Tây, hệ thống di tích vật thể và truyền thống phi vật thể liên kết với Hồ Tây. "Mới đây, tại ngày hội văn hóa vì hòa bình, hình ảnh của Hồ Tây cũng xuất hiện đậm nét", đồng chí Đỗ Đình Hồng chia sẻ.
Tựu chung, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao Hà Nội gửi gắm kỳ vọng vào giới trẻ để xây dựng công nghiệp văn hóa, để Hà Nội không chỉ là Thủ đô anh hùng, mà còn là thành phố của sáng tạo.