|
|
|
Nối tiếp thành công phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I, năm 2024, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan tổ chức Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II. Diễn ra từ ngày 27 - 29/9, tại Thủ đô Hà Nội, phiên họp có với sự tham dự của 306 đại biểu là các em đội viên thiếu nhi tiêu biểu đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đại biểu trẻ em năm nay không chỉ là những đại diện tiêu biểu, xuất sắc trong học tập, rèn luyện mà còn có sự tham gia của các em đại diện cho nhóm trẻ em còn khó khăn, yếu thế, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Điều này thể hiện sự mở rộng quy mô lớn so với phiên họp đầu tiên, đảm bảo sự đa dạng về vùng miền và tiếng nói đại diện cho trẻ em cả nước.
Ngay từ đầu tháng 3/2024, để có cơ sở lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Tổng Thư ký “Quốc hội trẻ em” đã có văn bản đề nghị các Đoàn đại biểu “Quốc hội trẻ em” đề xuất nội dung. Căn cứ vào đề xuất của các đoàn đại biểu “Quốc trẻ em”, ý kiến, kiến nghị của cử tri trẻ em, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trẻ em quyết định lựa chọn 2 nhóm vấn đề là “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”. Đây là nội dung rất mới so với kỳ họp trước và cũng là 2 vấn đề rất thiết thực, có tính thời sự đang nhận được sự quan tâm của đông đảo trẻ em và cộng đồng xã hội thời gian qua, thể hiện đúng và trúng nhất các ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.
|
Trước khi diễn ra phiên họp, các em được tập huấn trang bị kỹ năng, kiến thức về Quốc hội, vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; giới thiệu các văn bản, chính sách pháp luật liên quan tới 2 chủ đề phiên họp; kỹ năng tiếp xúc với “cử tri trẻ em”; tổng hợp ý kiến, trình bày phát biểu tại phiên họp; kỹ năng phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí…
Bên cạnh đó, ban cố vấn của phiên họp cũng đồng hành, hỗ trợ để các em thực hiện tốt nhất vai trò cử tri đại diện tiếng nói của hơn 25 triệu trẻ em trên cả nước.
|
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: Dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Bắc Sơn; vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; gặp mặt nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, Ban Bí thư Trung ương Đoàn, Thường trực Hội đồng Đội Trung ương; tham quan bảo tàng Quốc hội; trải nghiệm “Tinh hoa đạo học” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Sáng 28/9, 306 đại biểu Quốc hội trẻ em đã dâng hương tại Đài tưởng niệm Bắc Sơn, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong không khí trang nghiêm, các em đã thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với vị lãnh tụ kính yêu - Anh hùng giải phóng dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Ngay trong ngày khai mạc Phiên họp giả định, tại Toà nhà Quốc hội, các đại biểu trẻ em đã được tham quan bảo tàng dưới tầng hầm Nhà Quốc hội trong không gian trưng bày các cổ vật thời kỳ trước và sau khi xây dựng Hoàng Thành Thăng Long.
|
Các đại biểu trẻ em cũng được tham quan và giới thiệu về một số hạng mục công trình đặc biệt khác tại đây như: phòng Tân Trào, phòng họp báo, hội trường Diên Hồng - nơi sẽ diễn ra phiên toàn thể Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2, năm 2024 vào sáng cùng ngày.
Chuyến tham quan Bảo tàng Quốc hội và Tòa nhà Quốc hội đã giúp các thanh thiếu nhi tiêu biểu hiểu biết thêm về lịch sử phát triển cũng như thực tiễn hoạt động của Quốc hội Việt Nam - cơ quan quyền lực cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.
|
Chiều cùng ngày 28/9, các đại biểu tham gia thảo luận tại 12 tổ tại tòa nhà Quốc hội với 2 chủ đề: “Phòng chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Trong chương trình làm việc tại tổ, các ý kiến thực hiện thảo luận lần lượt được đưa ra với từng chủ đề. Các đại biểu trẻ em sẽ tiến hành đăng ký phát biểu, đề xuất tại tổ theo hình thức giơ tay. Mỗi lần phát biểu không quá 3 phút, không phát biểu trùng ý kiến với nhau.
Nhiều giải pháp được đại biểu đề xuất nhằm xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh cho trẻ em. Qua đó, các em cùng nhau chia sẻ các sáng kiến, giải pháp trẻ em cả nước đã tham gia thực hiện để cùng với nhà trường, gia đình, cộng đồng, chính quyền các cấp tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh cho chính các em; đưa ra các thông điệp, kiến nghị về các chủ đề để người lớn có thể trở thành điểm tựa vững chắc cho các em.
Kết thúc phần thảo luận, đại diện các bạn điều hành tổ thảo luận đã đưa phát biểu kết luận, tiếp thu những vấn đề phù hợp tổng hợp trình bày tại phiên họp chính thức và giải trình, làm rõ những giải pháp còn lại.
Các ý kiến thảo luận tại tổ sẽ được các tổ trưởng tổ thảo luận tổng hợp và trình bày trong phiên họp giả định toàn thể diễn ra tại Hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội vào sáng ngày 29/9.
|
Sáng 29/9, tại Hội trường Diên Hồng (tòa nhà Quốc hội), Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các bộ, ban ngành liên quan tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024.
Trước khi bắt đầu phiên họp, các đại biểu và các em thiếu nhi đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ đồng bào, chiến sĩ và trẻ em bị thiệt mạng do bão, lũ.
Dự phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II - năm 2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu Quốc hội bày tỏ còn nhiều trăn trở khi trẻ em ở một số nơi vẫn còn gặp khó khăn trong tiếp cận những dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng; trẻ em bị bạo lực, bạo hành, xâm hại, tai nạn, thương tích còn xảy ra.
|
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ nhiều trọng tâm để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong thời gian tới: Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; thứ hai, các bậc phụ huynh học sinh cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với trẻ em nhiều hơn, để trẻ em thực sự hạnh phúc, an vui trong chính ngôi nhà của mình; thứ ba, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương và các cấp Đoàn, Đội, cần tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều chương trình, hoạt động chăm lo, hỗ trợ trẻ em và phát huy quyền tham gia của trẻ em trong đời sống xã hội.
Tình trạng bạo lực học đường, các loại thuốc lá thế hệ mới và các chất kích thích đã và đang tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em. Vì vậy, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai đã lựa chọn 2 chủ đề là “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” là rất thiết thực, được dư luận xã hội quan tâm.
Tại phiên họp, 11 đại biểu tham gia chất vấn và 4 đại biểu đã tranh luận với các Bộ trưởng trẻ em giả định, nêu lên những mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em tại địa phương với 2 vấn đề: “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”; đồng thời làm rõ các vấn đề được “cử tri trẻ em” cả nước quan tâm.
Phát biểu tại chương trình, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương, Trưởng Ban Tổ chức phiên họp Nguyễn Phạm Duy Trang nhấn mạnh: Hai chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” là những vấn đề mang tính thời sự, đã và đang được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, trăn trở tìm các biện pháp giải quyết.
Đây cũng là những vấn đề được xã hội và trẻ em đặc biệt quan tâm, từ đó làm sao để các em học tập, vui chơi trong môi trường an toàn và lành mạnh. Phiên họp lần này được thiết kế để các em thiếu nhi được trải nghiệm hoạt động thực tế, từ đó tạo môi trường để các “đại biểu nhí” được học tập, tìm hiểu những kiến thức về hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước và đặc biệt hoạt động lập hiến, lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.
Có thể nói, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” đã trở thành diễn đàn để trẻ em thể hiện tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của mình; đồng thời tập dượt sinh hoạt chính trị nhằm hun đúc ước mơ, xây hoài bão lớn cho thiếu nhi, chủ nhân tương lai của đất nước; thể hiện sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và toàn xã hội đối với trẻ em và công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng.
|
Thực hiện: Nhóm PV |