Hà Nội: Phát hiện hơn 1.400 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm trong năm 2022
Xử phạt gần 24.8 tỷ đông vi phạm an toàn thực phẩm trong năm 2022
Trong năm 2022, Hà Nội đã thành lập khoảng 1.000 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, trong đó tăng cường kiểm soát thực phẩm lưu thông trên thị trường; kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, nhà hàng, khách sạn, cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, cơ sở thực phẩm trong chợ, cơ sở sản xuất rau an toàn, kinh doanh trái cây...
Kết quả, các đoàn thanh tra, kiểm tra đã tiến hành kiểm tra được 57.653 lượt cơ sở, trong đó có 46.765 lượt cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm 81,1%). Ngoài ra, có hơn 10.000 cơ sở vi phạm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.403 cơ sở với số tiền gần 24,8 tỷ đồng và chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.
Ảnh minh hoạ |
Một số vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc giấy chứng nhận hết hạn; không tiến hành khám sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho người lao động; không bố trí sản xuất theo nguyên tắc một chiều; kinh doanh hàng hóa là lương thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm an toàn thực phẩm...
Còn lại hơn 8.000 cơ sở bị nhắc nhở tại chỗ với những lỗi tồn tại như đeo khẩu trang trong suốt quá trình tiếp xúc với thực phẩm chưa đúng, không cắt móng tay, đeo đồ trang sức... khi tham gia chế biến thực phẩm.
Để đảm bảo một cái Tết an toàn, khoẻ mạnh, tươi vui cho người dân, thời điểm này, Hà Nội sẽ triển khai những giải pháp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc và các bệnh truyền qua thực phẩm dịp Tết sắp tới.
Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm cấp thành phố phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân 2023
Ngoài ra, cấp quận, huyện cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và lễ hội Xuân năm 2023 tại các xã, phường, thị trấn.
Đồng thời, kiểm tra lễ hội, các cơ sở, dịch vụ, cơ sở sản xuất hộ gia đình, đại lý kinh doanh thực phẩm... đã được phân cấp trên địa bàn quận, huyện quản lý; phúc tra, giám sát các cơ sở do xã, phường kiểm tra.
Cấp xã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm kiểm tra tại các lễ hội, cơ sở phục vụ, dịch vụ, cơ sở bán lẻ, chợ và thức ăn đường phố trên địa bàn xã, phường, theo phân cấp. Thời gian cao điểm của đợt kiểm tra này diễn ra từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 12/3/2023
Tăng cường kiểm tra, xử lý những vi phạm về an toàn thực phẩm trước dịp Tết Dương lịch, Tết Âm lịch
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho Tết Dương lịch, Tết Âm lịch và lễ hội đầu xuân.
Chúng tôi đi kiểm tra 30 quận, huyện, nếu phát hiện các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phậm sai phạm sẽ đề nghị xử lý nghiêm theo quy định, để đảm bảo thực phẩm cung cấp trong dịp này phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng từ khâu nuôi trồng, đánh bắt đến vận chuyển, lưu thông và đưa vào chế biến.
Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi nhận thấy các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm về cơ bản đã chấp hành nghiêm các quy định về Luật An toàn thực phẩm và các quy định về quá trình tham gia chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng phát hiện ra những cơ sở chưa thực hiện nghiêm các nguyên tắc vệ sinh an toàn thực phẩm và yêu cầu xử lý vi phạm, có những cơ sở chấp hành không đầy đủ như người chế biến thực phẩm không đeo khẩu trang, vẫn đeo đồ trang sức. Bên cạnh đó, có những cơ sở có người chế biến thực phẩm không kiểm tra sức khỏe định kỳ, chúng tôi đề nghị phải dừng tham gia chế biến và phải thực hiện đúng các quy định".
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. |
Ông Đặng Thanh Phong cũng khuyến cáo người tiêu dùng, khi lựa chọn thực phẩm nên mua thực phẩm ở những khu vực, cửa hàng có uy tín trên địa bàn. Người dân không nên dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, có thể lựa chọn thực phẩm bằng kinh nghiệm và thực tế mua bán, bằng mắt chúng ta có thể biết được thực phẩm tươi hay không tươi.
Với những thực phẩm được bán ở những cửa hàng cố định sẽ có chất lượng tốt hơn nên người dân cần mua thực phẩm ở những nơi uy tín.