Bài 3: Cần sự phối hợp ba bên để chợ thực phẩm trên mạng hết lộn xộn
Bài 2: Mua đồ qua mạng, người tiêu dùng dễ ăn "trái đắng" Siết chặt quản lý chợ thực phẩm online mùa dịch |
Siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm
Trên thực tế, bên cạnh các chợ thực phẩm online có đăng ký kinh doanh, đầy đủ giấy tờ chứng nhận, vẫn còn rất nhiều địa chỉ bán hàng online nhỏ lẻ theo kiểu gia đình không có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng tự cam kết nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất lớn.
Trước thực trạng chợ online nở rộ, chất lượng nông sản, thực phẩm không bảo đảm, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý thực phẩm “bẩn” ở mức cao nhất. Trong thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) liên tiếp phát hiện và ngăn chặn số lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đơn cử, đầu tháng 7 vừa qua, Cục QLTT Hà Nội thu giữ gần 3.000kg các loại thịt, sườn bò, trâu, lợn đông lạnh, chân gà, đùi gà đông lạnh, tôm đông lạnh... tại cơ sở kinh doanh ở làng Kim 1, xã Kim Quan, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chủ cơ sở chưa xuất trình được giấy tờ, hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Đây cũng là hồi chuông cảnh báo tới những người tiêu dùng có thói quen mua hàng online không để ý đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của hàng hóa, đồ ăn uống mình đặt mua.
Về vấn đề này, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở sẽ thanh, kiểm tra và giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, xử lý vi phạm. Cùng với đó, thành phố sẽ tập trung giáo dục, tuyên truyền đối với người sản xuất, kinh doanh từ khâu xác định nguồn nguyên liệu, sử dụng phụ gia, bảo quản trong quá trình lưu thông, đến công bố tiêu chuẩn chất lượng…
Ngày 2/7, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 4 triệu đồng đối với một nhà hàng Pizza (vừa bán hàng trực tiếp, vừa bán hàng online) trên địa bàn quận Đống Đa do khu vực bếp có côn trùng |
Bên cạnh đó, Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường ứng dụng công nghệ trong việc quản lý hoạt động quảng cáo, giao dịch điện tử, mua bán thực phẩm trên mạng... Sở yêu cầu các cửa hàng kinh doanh online phải công khai giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm để khách hàng biết. Các cửa hàng kinh doanh online hay kinh doanh bình thường đều phải được kiểm tra, thẩm định, đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì mới được kinh doanh. Cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
Vào lúc dịch bệnh có diễn biến phức tạp như hiện nay, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh online ngoài việc bảo đảm an toàn thực phẩm ở khâu lựa chọn nguyên liệu, chế biến thì cần bảo đảm người đi giao hàng có các trang thiết bị bảo hộ an toàn, đeo khẩu trang, găng tay và giữ khoảng cách ít nhất 2 mét khi tiếp xúc với khách hàng.
Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) lưu ý, theo quy định, thực phẩm phải có đầy đủ thông tin về tên, địa chỉ nhà sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng… Ngoài ra, sản phẩm phải được chế biến vệ sinh, bảo đảm không gây ngộ độc, nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Việc bán hàng thực phẩm tươi sống hay đồ ăn sẵn online thường mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu dựa trên lòng tin giữa người mua và người bán. Cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về vệ sinh an toàn thực phẩm để chọn lựa những thực phẩm bảo đảm sức khỏe của chính mình và người thân.
Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh chóng của hình thức kinh doanh trên thương mại điện tử nói chung và kinh doanh thực phẩm nói riêng, đã đến lúc cần nghiên cứu, bổ sung những quy định pháp lý phù hợp, tránh để những kẽ hở khiến một bộ phận cá nhân kinh doanh lợi dụng. Bởi lẽ, nếu quản lý tốt, hình thức kinh doanh thực phẩm online phát triển sẽ đảm bảo được các nguồn hàng hóa, nông sản, thực phẩm có uy tín đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, tiện lợi với số lượng nhiều hơn.
Đảm bảo an toàn thực phẩm
Để chợ kinh doanh thực phẩm online đi vào nề nếp và đảm bảo an toàn chất lượng, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm, người tiêu dùng cũng nên chú ý vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở khâu vận chuyển.
Thực tế cho thấy trong các thành phố lớn, hình thức giao hàng chủ yếu vận chuyển bằng xe máy, không đảm bảo được môi trường nhiệt độ cho thực phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người mua hàng thực phẩm qua hình thức online cần nắm rõ được điều kiện bảo quản thực phẩm (có ghi trên bao bì sản phẩm). Nếu nhà sản xuất quy định điều kiện bảo quản phù hợp với điều kiện vận chuyển hàng hóa thì mới nên mua hàng theo hình thức này.
Thực phẩm được gọi là an toàn khi có đầy đủ các thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, thông tin nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm phải bảo đảm giữ chất dinh dưỡng, không bị ô nhiễm từ các tác nhân sinh học, không bị nhiễm hóa chất, được chế biến bảo đảm vệ sinh, không nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần nắm được những thông tin này để khi mua thực phẩm online cần lựa chọn những cơ sở kinh doanh có uy tín, có đủ giấy tờ chứng minh.
Rõ ràng, với nhu cầu mua sắm thực phẩm online tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, người tiêu dùng nên mua hàng tại các webiste đã đăng ký với Bộ Công thương hoặc mua tại các gian hàng chính hãng, uy tín trên các sàn thương mại điện tử. Trong trường hợp mua hàng qua các mạng xã hội, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin người bán, chất lượng thực phẩm.
Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua thực phẩm online (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, để có một môi trường kinh doanh thực phẩm online lành mạnh, người bán hàng cần tuân thủ các quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP như: Có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ như giá cả, phương thức vận chuyển, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật... Bởi lẽ, muốn kinh doanh lâu dài, bền vững trước hết cần kinh doanh đúng quy định pháp luật và đảm bảo chất lượng sản phẩm như cam kết để người tiêu dùng tin yêu và trở thành khách hàng trung thành.
Với sự nỗ lực của ba bên: Nhà nước, người tiêu dùng, người kinh doanh, thời gian tới chợ thực phẩm kinh doanh online sẽ bớt “lộn xộn” và phát triển lành mạnh đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên.