Thêm yêu thương sau mỗi chuyến đi
Nặng lòng với những vườn cây ăn trái bị chết do hạn mặn...
Nhớ lại chuyến công tác dài ngày tại các tỉnh miền Tây ra tới đất mũi Cà Mau hồi cuối tháng 2 năm 2020, đến tận bây giờ tôi vẫn không thể quên những hình ảnh bà con Nhân dân các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Kiên Giang, Tiền Giang, Cà Mau, Long An... phải đi hàng chục cây số, mua từng bình nước ngọt về để sử dụng. Rồi những vườn chôm chôm, sầu riêng, bưởi... của người dân cũng dần chuyển từ màu xanh sang màu vàng, màu đỏ; Những cánh đồng lúa nứt nẻ, cháy khô... và cả những giọt nước mắt của bà con nơi đây.
Phóng viên Trần Thanh Hậu tác nghiệp tại tỉnh Bến Tre trong đợt hạn mặn năm 2021 |
Nếu như đợt xâm nhập mặn năm 2016 được xem là đợt mặn gay gắt, 100 năm mới lặp lại thì mùa khô năm 2020 đã phá vỡ mọi kỷ lục được xác lập trước đó. Để chống chọi với hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm, bà con Nhân dân các tỉnh miền Tây đã phải mua thùng phuy, xây bể chứa nước ngọt từ nhiều tháng trước.
Trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương đã phải đào ao, hồ để chứa nước ngọt phục vụ sản xuất. Song, hạn mặn năm 2020 đến sớm hơn với mọi năm một tháng lại kéo dài hơn mọi năm nên cuộc sống của bà con Nhân dân đã bị đảo lộn hoàn toàn, sản lượng nông sản bị sụt giảm, thu nhập bị ảnh hưởng khiến cho bà con càng rơi vào cảnh khó khăn, khắp nơi chỉ còn tiếng thở dài, buồn bã vì một năm thất thu.
Tác giả Thanh Hậu (ở giữa) trong một lần tác nghiệp |
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh cứ mỗi buổi chiều tối, tại một con ngõ nhỏ ở xóm ven biển Tiền Giang, người dân lại tấp nập xếp hàng chờ hứng từng xô nước ngọt để phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người dân chia sẻ với tôi rằng, “Không gì khổ bằng thiếu nước, người ta có thể nhịn ăn cả ngày nhưng không ai nhịn uống được. Gia đình nào có người già, trẻ nhỏ còn khổ hơn nữa vì phải sử dụng nước nhiều hơn”.
Mỗi chuyến đi đều để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với phóng viên |
Hay những câu chuyện kể vội của một người dân ở Ba Tri (Bến Tre) càng khiến tôi thêm băn khoăn, day dứt: “Nhà tôi có hơn 1 công đất vườn để trồng sầu riêng, đây là loại trái cây đặc sản của vùng đất này, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nên rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, năm nay (năm 2020) vườn sầu riêng nhà tôi có nguy cơ mất trắng vì hạn mặn đến sớm, lại kéo dài khiến cho cây không có khả năng sinh trưởng và phát triển. Nhìn vườn sầu mà lòng tôi cũng sầu thêm vì không biết lấy tiền đâu cho ba đứa con ăn học, rồi cả tiền để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày”.
Phóng viên tác nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long |
Tận mắt chứng kiến những vườn cây ngả vàng, héo úa của người dân vì bị ngấm mặn khiến tôi không khỏi đau xót. Đối với người dân, đó chính là cả gia tài, tất cả chi phí sinh hoạt, nuôi con cái ăn học đều nhờ vào những vườn cây ăn trái đó, vậy mà đợt hạn mặn năm ấy đã đem theo biết bao dự định, ước mơ của người dân miền Tây, rồi để lại cho họ những nỗi buồn, nợ nần và cả nước mắt.
...Đến sự an toàn của người dân trước những điểm sạt, lở
Lần ấy, chuyến công tác của tôi kéo dài ra tận mũi Cà Mau - điểm cực Nam của Tổ quốc.
Càng đi càng thấy hậu quả của hạn hán và xâm nhập mặn năm 2020 thật là khủng khiếp. Nó không chỉ tàn phá nền nông nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân mà nó còn gây sụt lún nhiều tuyến đường, đê biển, làm thụt lùi sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những hình ảnh mắt thấy tai nghe khiến tôi nhói lòng, xót xa cho những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu.
Trong một buổi khảo sát thực địa tại tuyến đê biển Tây, khu vực từ Vàm Đá Bạc đến Kinh Mới thuộc huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), hàng chục điểm sạt lở ở chân đê khiến tôi lo lắng về sự an toàn của bà con Nhân dân sinh sống trong khu vực phía trong đê. Trước sức mạnh đúng là “long trời lở đất” của thiên nhiên, tôi cứ nghĩ mãi tại sao con người lại nhỏ bé như vậy, mong manh mà cũng kiên cường đến vậy. Dù trong bất kì hoàn cảnh nào họ cũng tìm mọi cách để sống, sinh cơ lập nghiệp và từng bước cải tạo không gian, môi trường, cảnh quan nơi sinh sống của mình, để chế ngự thiên nhiên nhưng cũng hòa vào tự nhiên, cải tạo, hài hòa với đất đai, làng mạc.
Tác giả Thanh Hậu phỏng vấn người dân |
Để cho tôi tận mắt chứng kiến những điểm sạt lở trên dọc tuyến đê, đích thân đồng chí Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau đã chở tôi đi bằng xe máy. Tại mỗi điểm sạt lở, đồng chí lại dừng xe, phân tích cho tôi nghe về nguyên nhân và tình trạng của các điểm sụt lún đó.
Tác giả Thanh Hậu (ngoài cùng bên phải) trong chuyến tác nghiệp tại tỉnh Cà Mau |
Cũng trong chuyến công tác này, đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau đã sử dụng ca nô vượt biển đưa tôi ra tới tận công trình kè chống sạt lở ở bờ biển Tây Cà Mau để chứng kiến công trình kè li tâm của cán bộ và Nhân dân Cà Mau nhằm ngăn chặn sự sạt lở bờ biển. Đây cũng chính là niềm tự hào của bà con Nhân dân vì hiệu quả của công trình này đem lại rất lớn, giúp cho Cà Mau hình thành thêm những bãi bồi ven biển, góp phần ổn định cuộc sống, mang lại sự an toàn giúp họ làm ăn sinh sống, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Chuyến đi đầy nắng và gió đó đã khiến cho làn da của tôi bị cháy nắng, đen sạm đi, nám, tàn nhang mọc lên nhiều hơn khiến mọi người không còn nhận ra và phải mất đến hai năm sau tôi mới điều trị khỏi. Dù vậy, những bài viết về công tác phòng chống hạn mặn, khắc phục thiên tai của tôi đăng lên khiến tôi rất vui vì kịp thời phản ánh được tình hình thực tế của các địa phương.
Vì thế, đối với những phóng viên như chúng tôi, mỗi chuyến công tác không chỉ là thực hiện nhiệm vụ mà đó còn là cơ hội để tìm hiểu, học hỏi, thêm yêu thương và trân quý những vùng đất, con người nơi tôi đã đi qua.