"Đòn bẩy" giúp thanh niên khuyết tật Thủ đô tự tin toả sáng
Thanh niên khuyết tật tiêu biểu rất lành lặn về tâm hồn, tư duy 38 thanh niên khuyết tật cùng “Hành trình toả sáng ước mơ” |
Nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật
Được thành lập ngày 3/12/2010, trực thuộc Hội LHTN TP Hà Nội, qua 14 năm hoạt động, Hội Thanh niên khuyết tật đã làm tốt vai trò là cầu nối giữa các câu lạc bộ khuyết tật trong cả nước với nhau nhằm kết nối cộng đồng thanh niên khuyết tật với những cơ quan, tổ chức hoạt động xã hội chung tay xây dựng mái nhà chung của thanh niên khuyết tật.
Từ số thành viên ít ỏi ban đầu, đến nay, hội đã có hơn 3.000 hội viên hoạt động sôi nổi, sinh hoạt tại 23 câu lạc bộ các quận, huyện thị xã và 3 câu lạc bộ theo sở thích, dạng khuyết tật. Nét chung ở họ là sức trẻ, sự tự tin và nhiệt huyết.
Các thành viên Hội Thanh niên Khuyết tật Hà Nội hoạt động sôi nổi |
Chia sẻ về các hoạt động nổi bật của Hội, anh Phạm Quang Khoát - Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Hà Nội chia sẻ: “Từ khi thành lập đến nay, Hội luôn xây dựng các hoạt động nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cho hội viên để giúp Hội viên tự tin vươn lên trong cuộc sống; Kết nối tạo việc làm, tham gia thể thao cho thanh niên khuyết tật; Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các vấn đề liên quan đến thanh niên khuyết tật. Bên cạnh đó, Hội hỗ trợ, kết nối, giới thiệu các tấm gương để lan tỏa đến cộng đồng với các giá trị tích cực”.
Theo anh Khoát, hoạt động đang thu hút được nhiều thanh niên tham gia là các hoạt động liên quan về thể thao dành cho người khuyết tật; hoạt động kết nối đào tạo và giới thiệu việc làm cho thanh niên khuyết tật thu hút hàng nghìn hội viên tham gia.
Tấm gương truyền cảm hứng
Dù không may mắn khi bị khiếm khuyết một phần cơ thể nhưng rất nhiều hội viên của Hội Thanh niên Khuyết tật Hà Nội có ý chí và nghị lực vươn lên, không chỉ khẳng định bản thân mà còn giúp đỡ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người khác. Trong số đó có thể kể đến bạn Nguyễn Quỳnh Trang bị dạng tật thấp, gù ở Thanh Oai. Chị mở 3 spa tại Hà Nội. Hay bạn Đoàn Ngọc Chiến là người khuyết tật nặng ngồi xe lăn tự mở cửa hàng kinh doanh riêng, lan toả những giá trị sống tích cực đến cộng đồng.
Tiêu biểu hơn, chị Trần Thị Thuần (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn) mở hợp tác xã Tâm Ngọc hỗ trợ gần 40 người khuyết tật có việc làm. Nhớ lại hành trình khởi nghiệp đầy gian khó, chị nhớ đến tuổi thơ đầy gian truân của mình. Không được may mắn như bạn bè đồng trang lứa, chị Thuần bị khiếm khuyết ở chân trái từ khi mới 10 tháng tuổi sau một trận sốt cao.
Chị Trần Thị Thuần (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn) là tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu vươn lên làm chủ cuộc sống, tích cực đóng góp cho cộng đồng |
Ngoài nỗi bất hạnh, trong suốt những năm tháng tuổi thơ, chị Thuần còn chịu nhiều thiệt thòi bởi gia cảnh nghèo khó. Nhà nghèo, chị chỉ được đi học đến hết lớp 9. Tuy nhiên, nỗi bất hạnh vẫn chưa buông tha cho cô gái có dáng người nhỏ bé. Khi trưởng thành, lập gia đình và có hai con nhỏ, chị lại bị tai nạn, gãy chân trái, phải nẹp đinh vít và không thể di chuyển. Đúng lúc ấy, chồng chị bỏ đi. Một mình chị phải mưu sinh trong nghèo khó
Ẩn nấp bên trong dáng hình nhỏ bé, yếu đuối của chị Trần Thị Thuần là một tinh thần “thép”. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ, chị đã không đầu hàng số phận. Vì nghèo khó, bố mẹ yêu cầu nghỉ học để đi lao động kiếm sống nhưng chị Thuần không chịu. Chị đi mò cua, bắt ốc bán lấy tiền đóng học phí. Dù chỉ được học hết lớp 9 nhưng thành tích của chị luôn dẫn đầu trong phong trào thi đua của lớp.
Mang ý chí và nghị lực ấy, đến khi trưởng thành, thay vì buông xuôi trước những khó khăn và bất hạnh, chị Thuần còn biến điều đó trở thành động lực. Với ý chí và nghị lực, chị cải tạo đất hoang thành những vườn thảo dược.
Năm 2019, nhận thấy nhiều ruộng đất tại địa phương bị bỏ hoang, chị Thuần bàn với một số người khuyết tật trong xã thuê lại để trồng dược liệu như hoa nhài, rau má, lá đề, đinh lăng, lạc tiên, sâm, diệp hạ châu.... Để hiện thực hóa, chị và 6 thành viên đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Tâm Ngọc.
Bằng sự sáng tạo, kiên trì, bền bỉ, các sản phẩm của HTX Tâm Ngọc từng bước được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng. Đến nay, HTX do chị làm giám đốc có tới ba sản phẩm được UBND TP Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao là Cà gai leo trà, Liên hoa trà và Như hoa trà. Không chỉ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các sản phẩm này còn đem đến cho chị Thuần nguồn thu đáng kể.
Từ một người từng phải lang thang bán tăm, kiếm sống qua ngày, nay chị Thuần trở thành giám đốc một HTX với quy mô 41 lao động. Hơn thế, nơi đây còn là “điểm tựa” tiếp thêm nghị lực sống cho 36 người khuyết tật.
Chị Thuần được tôn vinh là một trong 50 thanh niên tiêu biểu trong chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” do Hội LHTN Việt Nam tổ chức.
Đó là những thành tích rất đáng tự hào. Song với chị, kết quả cũng như niềm vui lớn nhất là sự đổi thay trong suy nghĩ của những người khuyết tật đã và đang làm việc tại HTX. “Nhìn lại quá trình khởi nghiệp của bản thân, em hài lòng nhất là sự tự tin của các bạn khuyết tật khi đến với HTX Tâm Ngọc. Trước khi vào đây, các bạn đều mặc cảm về khiếm khuyết của mình, còn nay thì ai nấy đều tự tin. Các bạn có với tâm thế có thể sống bất kể nơi đâu bằng chính sức lao động của mình. Em muốn nhắn nhủ với những người cùng cảnh ngộ với em rằng sức mạnh không đến từ thể chất mà từ ý chí bất khuất của chúng ta”, chị Thuần chia sẻ.
Thanh niên khuyết tật nhận được sự quan tâm lớn Anh Phạm Quang Khoát - Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Hà Nội: Hiện nay, người khuyết tật nói chung và thanh niên khuyết tật nói riêng đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ Trung ương đến địa phương. Đối với TP Hà Nội, UBND TP ban hành quyết định số 5384/QĐ-UBND ngày 30/12/2022 của UBND TP về chương trình phát triển thanh niên thành phố giai đoạn 2021 - 2030. Sở Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch số 2594/KH-SLĐTBXH ngày 19/7/2024 về triển khai thực hiện chương trình phát triển thanh niên thành phố giai đoạn 2021 - 2030, đều có những điều khoản rất quan trọng, quan tâm và hỗ trợ cho thanh niên khuyết tật về cả vật chất cũng như tinh thần. Ngân hành chính sách đã có những gói vay ưu đãi dành cho thanh niên khuyết tật khởi nghiệp. Từ các chính sách đó, thanh niên khuyết tật Thủ đô tự tin dấn thân lập nghiệp, nâng cao trình độ để tham gia thị trường lao động, tự tin tham gia các hoạt động xã hội. |