Cầu nối sáng tạo, đưa bạn trẻ đến gần với nghệ thuật chèo
Học sinh huyện Phúc Thọ (Hà Nội) được truyền dạy hát chèo |
Trải nghiệm thú vị
“Chèo nảy chèo nay” được đồng tổ chức bởi Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá Di sản văn hoá phi vật thể Việt Nam (VICH) và nhóm sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.
Theo bạn Lò Yến Nhi, trưởng dự án “Chèo nảy chèo nay”, chèo – một trong những loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của Việt Nam, là di sản văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc bộ. Với nét đẹp giản dị mà sâu sắc, chèo không chỉ là lời ca, tiếng hát giải trí mà còn chứa đựng những triết lý nhân văn và những câu chuyện đời đầy ý nghĩa.
Đến với “Chèo nảy Chèo nay” bạn trẻ được thưởng thức vở chèo "Thị Mầu xuyên không" - tác phẩm được làm mới từ vở chèo kinh điển "Quan Âm Thị Kính" |
Thế nhưng, giữa nhịp sống hiện đại, khi hát chèo không còn là hoạt động phổ biến, không ít người trẻ thiếu vắng cơ hội để tiếp cận và hiểu sâu hơn về môn nghệ thuật chèo. Vì thế, việc gìn giữ và phát huy giá trị nghệ thuật dân gian này gặp nhiều khó khăn hơn.
Với thông điệp "Chèo nảy nhịp xưa, nay hòa sắc mới", dự án “Chèo nảy chèo nay”, hướng đến việc khơi dậy sự "bật nảy" của một nét văn hóa truyền thống nay hòa cùng hơi thở mới của thời đại. Để đáp ứng nhu cầu và tâm lý của bạn trẻ, dự án mang đến nhiều hoạt động thú vị như triển lãm nghệ thuật và trải nghiệm nghệ thuật chèo. Trong đó, triển lãm bao gồm các hoạt động kết nối, trải nghiệm, tương tác thực tế nhằm đưa giới trẻ tiếp cận chèo, tiếp tục giữ chèo không chỉ sống, mà còn trở thành niềm tự hào chung của những người con đất Việt, phát triển và lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, khách tham quan được tự tay làm các sản phẩm liên quan đến nghệ thuật hát chèo truyền thống, thưởng thức vở chèo "Thị Mầu xuyên không" - tác phẩm được làm mới từ vở chèo kinh điển "Quan Âm Thị Kính" do các nghệ sĩ Nhà hát chèo Việt Nam biểu diễn.
Yêu nghệ thuật truyền thống hơn
“Thông qua các hoạt động kết nối, tương tác thực tế ảo, trải nghiệm và thưởng thức những vở chèo lâu đời đã được làm mới, chúng mình hy vọng lan tỏa cảm hứng và tình yêu đối với môn nghệ thuật này đến với công chúng, đặc biệt là những người trẻ. Để từ tình yêu ấy, họ sẽ là trở thành thể hệ gìn giữ chèo không chỉ như một biểu tượng của tinh hoa văn hóa mà được tiếp tục phát triển trong dòng chảy nghệ thuật đương đại, trở thành niềm tự hào chung của những người con đất Việt trong mọi thời đại”, Yến Nhi chia sẻ.
Bạn Đặng Thanh Hoa, sinh viên trường Đại học Văn hóa cho biết, qua các dự án như “Chèo nảy, chèo nay” khiến cô gái trẻ có nhìn khác về nghệ thuật truyền thống nói chung, chèo nói riêng. Càng tìm hiểu, Hoa càng cảm thấy thú vị.
“Qua dự án, người trẻ như mình được tìm hiểu những nét đẹp riêng biệt của chèo cũng như những câu chuyện đặc sắc phía sau sân khấu. Khác với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc với sự kết hợp của các yếu tố hát, múa, nhạc, kịch vô cùng độc đáo. Giai điệu của các làn điệu hát chèo rất phù hợp với giọng tự nhiên và ngôn ngữ của người Việt”, Hoa chia sẻ.
Hoa cho biết thêm, khi xem chèo, người ta không chỉ được tận hưởng những phút giây thư giãn đầy tiếng cười, mà còn có cơ hội trải nghiệm và suy ngẫm về sự đời. Nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ, có tính văn học cao. Vì thế, người trẻ cũng được học hỏi rất nhiều áp dụng vào cuộc sống.
Bạn Nguyễn Thành, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, với sự đổi thay chóng mặt của công nghệ, thế hệ trẻ có nhiều lựa chọn trong việc giải trí nhưng cũng không tránh khỏi bị anh hưởng của văn hóa ngoại lai. Vì thế, làm thế nào để thế hệ trẻ biết tới và trân trọng chất liệu văn hóa truyền thống dân tộc rất quan trọng.
“Chính những dự án như “Chèo nảy, chèo nay” giúp người trẻ như mình có cơ hội tìm, trải nghiệm nghệ thuật truyền thống. Mình tin, từ những hoạt động như này, những giá trị văn hóa truyền thống và tài sản di sản văn hóa sẽ được nhiều bạn trẻ tái hiện dưới góc nhìn hiện đại và độc đáo. Việc này sẽ giúp các giá trị văn hóa được duy trì và vươn xa hơn”, Thành cho biết.
Với chủ đề "Giao lộ sáng tạo", Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9/11đến ngày 17/11/2024, tại các không gian di sản văn hóa, làng nghề truyền thống trên địa bàn quận, huyện, thị xã; hoạt động của Mạng lưới các không gian sáng tạo thuộc đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Nhiều hoạt động sáng tạo được tổ chức tại khu vực sẽ trở thành cuộc đối thoại giữa các công trình lịch sử với những ý tưởng sáng tạo hiện đại. Từ đó, tìm kiếm vai trò của thế hệ trẻ trong việc tiếp nối, phát huy các giá trị của dân tộc xuyên suốt quá trình xây dựng ngành công nghiệp sáng tạo. Đây là tiền đề để thúc đẩy Thủ đô phát triển thành trung tâm sáng tạo của cả nước. |