Nỗi lo thực phẩm "bẩn" từ các chợ dân sinh
Khuất mắt trông coi
Chợ truyền thống là nơi bày bán đa dạng nhiều thực phẩm thiết yếu phụ vụ cho bữa ăn của các gia đình hiện nay như: Cá, rau thịt, hải sản tươi sống, thức ăn chín....
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 454 chợ, gồm 15 chợ hạng 1; 65 chợ hạng 2; 311 chợ hạng 3 và 63 chợ chưa phân hạng.
Ngoài ra, thành phố còn có 2 chợ đầu mối (chợ đầu mối phía Nam ở quận Hoàng Mai và chợ đầu mối Minh Khai ở quận Bắc Từ Liêm); 4 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối (chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ cá Yên Sở, chợ đêm Văn Quán).
Gia súc, gia cầm được bày bán bên cạnh thực phẩm rau quả tại một chợ ở Hà Nội |
Trên thực tế dễ nhận thấy, tại một số chợ vẫn có tình trạng thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, thức ăn nấu chín không được che đậy hoặc bày bán mà không có biện pháp bảo đảm vệ sinh.
Bên cạnh các ki-ốt bán đồ ăn tại chỗ hoặc mang đi phục vụ khách hàng như bún, phở, cháo, chè,... là một loạt các lồng đựng hàng chục gia cầm sống trên các vũng nước bẩn, kế tiếp đó là các thau bán cá lênh láng nước khiến cho mặt đất luôn ẩm thấp, bẩn thỉu, bốc mùi khó chịu.
Theo ghi nhận của phóng viên tại chợ Phùng Khoang (phường Văn Quán, quận Nam Từ Liêm) các hàng thịt đều được đặt trên bàn cao hơn so với nền chợ, còn các mặt hàng khác như rau củ, hoa quả, hải sản đều được để ngay dưới nền đất dính nước, chỉ cần có xe đi qua là nước bẩn bắn vào hàng hoá. Ngoài ra hàng chục lồng chim, gà, vịt, các chậu tôn đựng cá, thủy sản được để ngay trên lắp cống. Mùi hôi tanh của nước thải do giết mổ bốc lên nồng nặc cả một góc chợ.
Không chỉ bày bán thực phẩm không đúng quy định, mất vệ sinh, tình trạng nước, rác thải tồn động sau khi kết thúc một trận mưa đang là một vấn đề khá phổ biến tại các chợ hiện nay gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Lượng nước tồn đọng sau cơn mưa gây mất vệ sinh môi trường |
Tương tự, tại chợ Ðồng Xa (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy), tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng xảy ra ở khu vực bán thủy sản, ngay trên lối đi cạnh cổng chợ chính.
Chị Thu Minh người dân (phường Mai Dịch) cho biết: "Nhiều hàng bán thủy sản được bố trí thành dãy dài trong cùng một khu vực. Với những chậu tôn cỡ lớn đựng đầy nước và sản phẩm thủy sản. Đặc biệt là cá chỉ cần quẫy là cả đoạn đường luôn ngập ngụa, lênh láng nước rất mất vệ sinh và mỹ quan.
Tình trạng nêu trên cũng diễn ra ở nhiều khu chợ dân sinh khác trong khu vực nội thành như chợ Nghĩa Tân, chợ Thành Công, chợ Phùng Khoang, chợ tự phát dọc phố Nguyễn Thị Thập (giáp ranh giữa quận Thanh Xuân và quận Cầu Giấy)...
Người dân không dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm
Ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại chợ truyền thống cũng là điều được quan tâm. Các mặt hàng như nấm hương, măng khô, gia vị,... được đóng gói trong túi nilon không nhãn mác, tên công ty, địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng, người mua chỉ biết đến nguồn gốc, xuất xứ qua lời giới thiệu của người bán.
Các loại hoa quả, rau củ được bày ngay trên mặt đất gây nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm |
Bên cạnh đó, nhiều người dân có thói quen sử dụng thức ăn đã chế biến sẵn tại các chợ bởi sự tiện lợi, giá cả hợp lý và nhanh chóng, như vịt, gà nướng, thịt quay, nem, chạo, dưa, cà muối… Các mặt hàng này thường được chế biến và bày bán ở khu vực không bảo vệ sinh thực phẩm như vỉa hè, mặt đường, thu hút đông thực khách.
Không ít người dân chủ quan: “Chợ bán đa dạng sản phẩm, giá cả thì phải chăng. Gia đình tôi sử dụng bao nhiêu năm rồi nhưng chưa thấy xảy ra vấn đề gì cả. Quan trọng là khi mua mình phải lựa chọn sản phẩm tươi, không có dấu hiệu ôi thiu, hỏng’’, anh Tuấn Anh, người dân ở phường Trung Tự, quận Đống Đa cho biết.
Vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống là việc hết sức quan trọng và cần có giải pháp nhằm đảm báo sức khỏe cho người tiêu dùng. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm vi phạm, nâng cao kiến thức cho người tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân.
Cơ quan chức năng cũng cần nâng cao trách nhiệm, sự hiểu biết của các chủ hộ kinh hoanh về thực phẩm trôi nổi trên trị trường, hàng kém chất lượng. Đồng thời, mỗi người dân cần nhận thức về các mối hiểm nguy từ việc sử dụng thực phẩm kém chất lượng sẽ dẫn đến hệ lụy gây ảnh hưởng tính mạng để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.