Mắt thấy – tim không đau: Các bạn trẻ giao sức khoẻ cho thực phẩm bẩn vỉa hè
Hà Nội: Thu giữ nhiều tấn nầm lợn, trứng non, lườn vịt "bẩn" chuẩn bị lên bàn nhậu Cùng thanh niên Thủ đô bàn thảo về vệ sinh an toàn thực phẩm Thực phẩm "bẩn" tàn phá cơ thể ra sao? |
Chắc chắn là bẩn
Dạo quanh một khu chợ hay vài khu vực vỉa hè ở Hà Nội, không khó để phóng viên bắt gặp hình ảnh các quán ăn bụi theo nghĩa đen, đặt cạnh miệng cống, thùng rác hoặc thanh thiên bạch nhật giữa vô vàn làn xe chạy nườm nượp.
Chị Dung – chủ một quán ăn vỉa hè khu vực Mai Động (quận Hoàng Mai) – vô tư nói: Đường toàn xe to, xe buýt nên bụi lắm, Nhưng khách lại thích ngồi vỉa hè để ăn hơn. Chúng tôi cũng lắp nhiều đèn ánh sáng trắng để đỡ cảm giác bụi bặm. Nói xong, chị lại nhanh tay chuẩn bị các món ăn vặt mà khách vừa vào gọi.
Không chỉ ở Hoàng Mai, tình trạng bán thức ăn ngay trước cửa nhà vệ sinh công cộng, bàn ăn bày ngay miệng cống, sát hố ga, thức ăn nhanh “trần trụi”, không một dụng cụ che đậy... là những hình ảnh đã trở nên quá quen thuộc với cả người dân Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác.
Trên các đường phố Hà Nội, chưa bao giờ vỉa hè lại được tận dụng tối đa như hiện nay. Chỉ vài ba chiếc ghế nhựa thành quán trà đá, cái bếp nhỏ thành quán ăn khoái khẩu của sinh viên, người lao động nghèo với đủ đồ chiên rán… Đa số những quán ăn này tập trung ở gần các trường đại học, khu công nghiệp, quanh bệnh viện hoặc ngoài chợ.
Một quán nướng 99k - khu vực rửa bát đũa ngay trên vỉa hè, cạnh thực khách |
Khi khảo sát một vài quán lẩu nướng 99k ở khu vực vỉa hè phường Trung Hoà (Cầu Giấy), chợ khu vực Ngã Tư Sở (Đống Đa)… điều dễ nhận thấy nhất là các bạn trẻ vô tư bên những nồi lẩu nướng với đủ món rau, thịt ba chỉ bò, ba chỉ lợn, nội tạng lợn… Những đĩa đồ nướng được chủ quán tẩm ướp từ trước, song nhiều phần thịt bê lên bàn vẫn còn nguyên độ lạnh. Vì bày bán trên vỉa hè, nên khu vực chế biến và dọn rửa bát đũa “phụ thuộc” hết vào 2 – 3 xô nước cho hàng chục thực khách. Cốc trà đá cũng chỉ được đổ đi vội vàng hoặc “chạy qua làn nước” để phục vụ các khách hàng tiếp theo.
Đồ nướng đang là món ăn được ưa thích của tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài việc không đảm bảo vệ độ sạch thì nguồn gốc của các loại thịt được lấy từ đâu mà lại có mức giá rẻ hút khách như vậy lại chẳng mấy ai quan tâm.
Băn khoăn về giá siêu rẻ và chất lượng của những đĩa đồ nướng vỉa hè, phóng viên đã tìm đến các khu chợ để thu thập lại những thông tin khiến không ít các tín đồ nướng phải rùng mình. Những tiểu thương tại đây không ngần ngại mà “chỉ thẳng”, thịt bò tươi, lợn tươi… mà bán giá 99k như thế thì lên tivi mà mua thôi. Còn thịt đó chủ quán đã “phù phép” để trông thịt như mới và không còn mùi ôi thiu rồi…
“Chắc chắn là bẩn” - Câu khẳng định của bạn Lam Phương, sinh viên năm thứ nhất một trường đại học ở Hà Nội nói khi vừa chân ướt chân ráo xuống Hà Nội học và được mời ra thẩm định quán ăn vỉa hè. “Ban đầu mới từ nhà xuống, em thấy khá lo lắng khi vào những quán ăn vỉa hè như thế này. Song sau vài tháng học tập, thấy các bạn ăn, thì mình cũng không thể “sang mồm” hơn được nên dần dần em cũng quen. Nhiều lần ăn xong về đau bụng... uống thuốc lại hết đau nên giờ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm em không quan tâm như trước nữa” – Phương trần tình.
Biết bẩn vẫn ăn, tại sao?
Câu hỏi này nhiều bạn trẻ sẵn sàng liệt kê ra hàng loạt những lý do “biện minh”.
Bạn Diệu Hà ở Ngã Tư Sở chốt gọn: “Chân gà nướng, bánh tráng trộn, đồ nướng… rất ngon. Nhất là khi vừa đi làm hay đi học về, liếc qua cái vỉa hè bắt mắt, cộng thêm mùi thơm quện khói bay nghi ngút là đủ làm siêu lòng người qua đường. Túm lại, đồ ăn này rất ngon”.
Nhiều bạn trẻ chưa cần biết ngon hay có hợp khẩu vị với mình hay không, nhưng rẻ đã là yếu tố tiên quyết để cả nhóm kéo nhau vào một quán ăn vỉa hè rồi.
Chỉ cần 10 nghìn đồng hay 20 nghìn đồng thôi là bạn trẻ sẽ có ngay một phần ăn vặt ngon miệng. Với những học sinh - sinh viên còn phụ thuộc vào việc tài chính của bố mẹ thì giá này thật sự rất rẻ.
Thường những quán ăn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao sẽ án ngữ ở vỉa hè, trước cổng trường, những con hẻm ở trung tâm thành phố. Đúng là không gian hơi nhỏ và bất lợi nhưng giới trẻ hiện nay rất thích như vậy vì không gian gần gũi, mộc mạc. Điều này khiến quán ăn vỉa hè rất khác so với những quán ăn nhà hàng sang trọng, đẹp mắt.
“Nhà hàng sang trọng thì chúng ta phải nên đi nhẹ, nói khẽ để tránh làm phiền với lại mọi người xung quanh. Nhưng đối với quán ăn vỉa hè bạn có thể cười đùa, trò chuyện thả ga với những đứa bạn của mình” – bạn Hoàng Long ở Hoàng Mai chia sẻ.
Ông chủ quán nướng vỉa hè cặm cụi chuẩn bị đồ ăn cho khách không hề có găng tay hay trang phục bảo hộ |
Vì được giới trẻ bất chấp nguy cơ mà đặc biệt ưa thích nên các quán ăn vỉa hè cũng bất chấp quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm để phục vụ thực khách.
Liên quan đến việc xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP), ngày 4/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP. Vi phạm hành chính về ATTP quy định tại Nghị định này.
Theo Nghị định, mức phạt đối với các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm thấp nhất là 500 nghìn đồng, cao nhất là 3 triệu đồng. Ngoài mức phạt tiền nêu trên, người vi phạm có hành vi sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn còn bị buộc tiêu hủy đối với thực phẩm đó.
Như vậy, hành lang pháp lý đã có, các cơ quan chức năng cần rà soát, kiểm tra cũng như xử phạt nếu các cơ sở kinh doanh đồ nướng không đáp ứng được các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt nêu trên chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận, vì thế nhiều người sẵn sàng vi phạm.
Trong hoàn cảnh đó, mỗi người dân, nhất là các bạn trẻ hãy là người tiêu dùng thông thái, đừng vì giá rẻ mà bỏ qua sức khỏe để bảo vệ bản thân và gia đình.