Những đôi tay "tiếp lửa" nghề gốm Bát Tràng
Làng gốm Bát Tràng chuyển mình ứng phó với dịch bệnh Công nhận sản phẩm OCOP góp phần quảng bá thương hiệu gốm Bát Tràng Sản phẩm OCOP gốm sứ Bát Tràng sẵn sàng “vươn mình” ra thế giới |
Làng gốm Bát Tràng hội tụ nhiều nghệ nhân ở mọi độ tuổi khác nhau, mỗi người lại có cảm nhận khác biệt về chuyện nghề. Trong số nhiều nghệ nhân tại đây, nghệ nhân Hà Văn Long đã có hơn 40 năm trong nghề gốm nhưng vẫn ngày đêm miệt mài phát triển tinh hoa của bùn đất. Còn nghệ nhân Tú Trần lại đại diện cho lớp nghệ nhân trẻ, có góc nhìn nhận và nghiên cứu về gốm thiên hướng “trẻ hóa” truyền thống, kết hợp học tập tài liệu quốc tế, trau dồi bản thân với truyền thông đa phương tiện.
Hai nghệ nhân đều có khát vọng mở lối cho sự sáng tạo của Làng gốm Bát Tràng, để gốm sứ tiếp tục phát triển, phù hợp với xu thế thị trường ngày một phát triển.
Hai thế hệ - hai cách tiếp cận nghề gốm
Nghệ nhân Hà Văn Long và nghệ nhân Tú Trần từ nhỏ đã được sống cùng dòng chảy của gốm sứ, cả hai đều tiếp nối truyền thống gia đình nhưng bằng hai con đường khác biệt.
Nghệ nhân Hà Văn Long |
Nghệ nhân Hà Văn Long theo chân gốm sứ từ khi chập chững 5 - 10 tuổi, có sản phẩm đầu tay từ thời niên thiếu. Đến năm 20 tuổi, anh được gia đình tin tưởng giao “đứng lò” - một công đoạn quan trọng để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh. Sau đó, anh làm công nhân của Xí nghiệp sứ Bát Tràng một thời gian để tích lũy kinh nghiêm, đến khi “đủ lông đủ cánh” thì quyết định mở cửa làm lò và phát triển đến nay.
Nghệ nhân Hà Văn Long cùng sản phẩm tâm đắc |
Trong khi nghệ nhân Long dành trọn cuộc đời hơn 40 năm cho gốm sứ thì nghệ nhân trẻ Trần Anh Tú (Tú Trần, 26 tuổi) lại từng có thời điểm theo học ngành khác rồi mới trở về làng. Từng nghĩ rằng làm gốm là một nghề rất vất vả, tiếp xúc với bùn đất là điều rất nặng nề, đó là lý do mà Trần Anh Tú theo học đại học ngành kinh tế. Tuy nhiên, khi có những trải nghiệm sâu hơn về nhiều lĩnh vực, Tú tự cảm nhận được rằng: “Cái tình yêu nghề gốm của mình mãnh liệt lắm, nó “ngấm” trong máu mình lúc nào không hay”.
Nghệ nhân Tú Trần say sưa bên sản phẩm của mình |
Cuối cùng, Tú Trần quyết định thôi học để thi lại vào Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành gốm. Là nghệ nhân trẻ, Tú Trần có cách học tập và nhìn nhận khác biệt so với thế hệ đi trước. Trong quá trình rèn dũa tay nghề, rào cản lớn nhất đối với anh là tại Việt Nam không có tài liệu chuyên sâu, công khai để nói về chuyên ngành gốm. Bởi lẽ đó mà nghề truyền thống Việt Nam trở nên đặc biệt, vì mỗi một người sẽ có một cách làm riêng, gọi là “bí quyết”.
“Nếu thực sự muốn thì người ta sẽ tìm cách, còn nếu không muốn thì người ta sẽ tìm lý do". Tú Trần thuộc vào “vế một”, anh chàng đã sử dụng vốn tiếng Anh “kha khá” của mình, bắt tay vào tìm kiếm những tài liệu về gốm sứ trên mạng. Tú Trần cảm thấy rất may mắn vì hiện nay mạng xã hội phát triển, anh không chỉ được tiếp thu kiến thức từ kinh nghiệm thực tế gia đình truyền lại mà còn được nghiên cứu bài học về chuyên ngành, chuyên sâu từ nghệ nhân quốc tế.
Khi bộc bạch về gốm sứ, ánh mắt của nghệ nhân trẻ ánh lên sự tự hào và niềm đam mê cháy bỏng. Anh chia sẻ dù đã làm hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm nhưng cứ mỗi lần mở cánh cửa lò nung là một lần hồi hộp, nóng lòng. Đó là cảm xúc độc nhất, chỉ có thể kiếm tìm khi làm gốm.
Trăn trở về truyền thống và giới trẻ
Chuyện gìn giữ tinh hoa làng nghề luôn khiến nhiều người đau đáu, nhưng đối với nghệ nhân Hà Văn Long, anh nhận định: “Mất những dòng máu của nghề đi không đáng sợ. Thực tế, không có quá nhiều người rời bỏ làng nghề vì đây là truyền thống gia đình, họ cũng được sinh ra trong “gốm sứ” nên họ hiểu được trách nhiệm phát huy truyền thống”.
Tại Làng gốm Bát Tràng, có những người thời trẻ rời quê đi nơi khác lập nghiệp nhưng cũng không ít người trở về với gốm sứ. “Sinh ra ở làng nghề là đã có một “cái nghề”, thế nên dù có đi đâu làm gì, sau một thời gian về làng, vẫn có thể xây dựng và cống hiến. Nhìn chung, nghề này không dễ bị mai một”, nghệ nhân Hà Văn Long chia sẻ.
con trai nghệ nhân Hà Văn Long và sản phẩm đầu tay tặng ông bà |
Anh Long luôn mong muốn truyền thống gia đình tiếp tục được lưu truyền, để ngọn lửa trong lò nung và ngọn lửa tình yêu nghề luôn cháy mãi. Vậy nên, anh luôn dành thời gian để dạy các con những bước đầu làm gốm. Trên mạng xã hội, nghệ nhân Hà Văn Long thường xuyên chia sẻ hình ảnh, video chỉ bảo con trai đang học lớp 9 làm ra sản phẩm đầu tay.
Bên cạnh đó, về đối tượng khách hàng, Tú Trần đại diện cho lớp nghệ nhân với những khát vọng đưa giá trị làng nghề truyền thống đến gần hơn với giới trẻ. Anh bộc bạch: “Gốm trong tiềm thức mọi người là một cái gì đấy thiên về truyền thống, mà truyền thống để giới trẻ tiếp cận được là một điều rất “trăn trở”.
Tú Trần giúp gốm sứ tiếp cận với giới trẻ qua việc đầu tư vào truyền thông trên mạng xã hội |
Đối với giới trẻ nói chung, Tú Trần nghĩ cái thiếu chính là những trải nghiệm về gốm, mang tính chuyên nghiệp. Anh nói thêm: “Bây giờ khách du lịch đến làm gốm nhưng thực chất chỉ là nghịch một cục đất xong trả tiền. Tôi nghĩ Bát Tràng nói riêng và các làng nghề gốm nói chung đang thiếu một phương thức thúc đẩy du lịch bài bản, để mọi người hiểu thật sâu về ngành gốm”.
Hiện nay, Tú không chỉ tích cực sáng tạo sản phẩm gốm hiện đại với những nét nghệ thuật chấm phá mới lạ mà còn sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm. Nói về dự định tương lai, nghệ nhân trẻ cho biết: “Chắc chắn tôi sẽ đầu tư vào thương mại điện tử để có thể tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng. Đồng thời, giới thiệu đến khán giả về tinh hoa nghệ thuật gốm truyền thống, kết hợp với nghệ thuật gốm sáng tạo mang hơi thở thời đại”.
Thành công với đam mê trọn đời
Hai nghệ nhân - hai thế hệ khác biệt nhưng cùng chung niềm yêu trọn đời với gốm sứ. Cả hai đều đạt được những thành công trong sự nghiệp tại làng nghề Bát Tràng. Nghệ nhân Hà Văn Long hiện là chủ doanh nghiệp Gốm sứ Long Loan với hơn 20 năm xây dựng và phát triển, thương hiệu Gốm sứ Long Loan đến nay đã có chỗ đứng trong lĩnh vực sản xuất đồ thờ, đồ tâm linh gốm sứ Bát Tràng.
Tác phẩm nghệ thuật của nghệ nhân Tú Trần |
Về Tú Trần, sau gần một thập kỷ gắn bó với nghề, Tú Trần ngày càng được biết đến nhiều. Không phải với danh nghĩa là con trai Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Tân mà chính bằng năng lực của mình.
Tác phẩm “Uyên ương” của anh được hội đồng nghệ thuật thuộc Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá cao và được trưng bày trong triển lãm Gốm nghệ thuật 2021 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, vinh dự đứng cạnh các tác phẩm của những tên tuổi lớn như nghệ nhân - họa sĩ Phan Thanh Sơn, Nguyễn Bảo Toàn và chính bố của anh - Nghệ nhân Ưu tú Trần Đức Tân.