Lấy gia đình làm nền tảng để phát huy văn hóa truyền thống
Tái hiện nét đẹp văn hoá gia đình của người Hà Nội Lan tỏa văn hóa đọc từ mỗi gia đình Hà Nội Đẩy mạnh phát triển BHYT theo hộ gia đình |
Đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước
Thực hiện Chỉ thị số 06 của Trung ương đảng về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, từng bước nâng cao chất lượng phong trào xây dựng Gia đình văn hóa. Hội nghị “Tuyên dương gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu năm 2024” chính là một trong những hoạt động thiết thực ấy.
Đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội và đồng chí Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tuyên dương các gia đình văn hóa tiêu biểu |
Hội nghị có chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp trong việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về vai trò, tầm quan trọng của gia đình; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, gia đình và từng cá nhân tham gia vào công tác xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, gắn với thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em và người cao tuổi.
Bên cạnh đó, hội nghị tuyên dương còn hướng tới xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội; tạo cơ hội cho các gia đình được giao lưu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm về kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.
Hội nghị tuyên dương Gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu năm 2024 do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã trang trọng tổ chức không chỉ là hoạt động thiết thực trong không khí thi đua kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô mà còn một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình với văn hóa của Thăng Long - Hà Nội.
Các đồng chí Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Nguyễn Đức Tiến - Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội đến tham dự và tuyên dương những gia đình văn hóa tiêu biểu cho thấy lãnh đạo các cấp, ngành của Thủ đô quan tâm đặc biệt đến "tế bào của xã hội".
Chính vì thế, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng đã nhấn mạnh quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò quan trọng của gia đình. Người từng khẳng định: "Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình". Đồng thời, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng điểm lại những thành tựu quan trọng trong công tác xây dựng gia đình văn hóa của Thủ đô thời gian qua.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng báo cáo về kết quả thực hiện công tác gia đình tại Thủ đô |
Quán triệt sâu sắc quan điểm của Bác Hồ, của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong những năm qua Thành phố đã luôn quan tâm đến mục tiêu xây dựng người Hà Nội, trong đó coi công tác gia đình là một trong nội dung quan trọng trong liên tục 5 Chương trình toàn khóa của Thành ủy. Trước đó, Thành uỷ Hà Nội đã có Chương trình số 05 ngày 6/3/1997 hướng tới kỷ niệm 990 năm và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Sau khi có Nghị quyết TW 5 khoá VIII, Thành uỷ đã có các Chương trình 08 ngày 4/8/2006 (khóa 14), Chương trình 04 (khóa 15-16); Chương trình số 06 ngày 30/7/2021 (khoá 17) về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”), Kế hoạch số 57 ngày 30/12/2021 của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong thình hình mới, kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn thành phố… nhằm chỉ đạo thống nhất mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng Người Hà Nội từ thành phố tới cơ sở.
Xây dựng gia đình văn hóa là vấn đề được lãnh đạo các cấp của thành phố Hà Nội hết sức quan tâm |
Nhiệm vụ nặng nề trên đòi hỏi người Hà Nội vừa phải giữ gìn phát huy truyền thống tốt đẹp các giá trị của ngàn năm văn hiến, vừa phải phát triển bản thân mình về mọi mặt, trở thành con người thanh lịch, văn minh, đáp ứng yêu cầu đỏi hỏi của nhiệm vụ cách mạng mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Hun đúc những giá trị văn hóa ngàn đời
Sở Văn hóa và Thể thao với vai trò là cơ quan thường trực về công tác gia đình, đã tập trung triển khai những nội dung chính như: Xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình; thu thập lưu trữ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống; triển khai bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình…; đặc biệt xác định xây dựng Gia đình Văn hóa là nội dung tiền đề quan trọng để xây dựng những mẫu hình văn hóa, gắn kết chặt chẽ trong triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Thành quả đáng ghi nhận là 100% các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã hội từ thành phố đến cơ sở đã triển khai hiệu quả công tác gia đình thông qua nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Kết quả cụ thể là đã có 1.758.788 trong tổng số 2.009.986 hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 88%.
Các gia đình văn hóa tiêu biểu được tuyên dương |
Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nhận thức sâu sắc điều đó, việc triển khai xây dựng các danh hiệu văn hóa nói chung và gia đình văn hóa nói riêng được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm với những bước đi, cách làm phù hợp với bản sắc, phong tục, tập quán của Nhân dân.
Phong trào phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, khơi dậy niềm tin, thi đua sáng tạo trong từng cộng đồng dân cư, thôn, làng, tổ dân phố; phát huy vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của mỗi người dân, đặc biệt là tinh thần tương thân tương ái. Từ gia đình văn hóa, những giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống được duy trì, phát huy; các giá trị đạo đức được hun đúc; những nề nếp, gia phong như con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, vợ chồng chung thủy, anh em đoàn kết thuận hòa... được kết tinh, lan tỏa. Phần giao lưu với đại diện các gia đình văn hóa tại Hội nghị đã góp phần lan tỏa, chia sẻ những kinh nghiệm trong xây dựng “Gia đình văn hóa” ở các địa phương.
Những kinh nghiệm duy trì lối ứng xử đẹp, xây đắp hạnh phúc được các gia đình chia sẻ |
Điểm nhấn của hội nghị là việc tuyên dương 87 gia đình tiêu biểu được thành phố tặng danh hiệu Gia đình văn hóa Thủ đô tiêu biểu năm 2024. Mỗi gia đình là một câu chuyện đẹp, một tấm gương sáng về xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng kêu gọi các gia đình tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhân ái, hiếu nghĩa của dân tộc và của Thăng Long nghìn năm văn hiến. Đồng thời các tổ ấm của người Hà Nội cũng khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, anh hùng, hữu nghị, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên, góp phần xây dựng Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại" theo tinh thần Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.