Công nhận sản phẩm OCOP góp phần quảng bá thương hiệu gốm Bát Tràng
Làng gốm Bát Tràng thuộc xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội có lịch sử tồn tại hơn 1.000 năm. Nơi đây có hiện có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh hàng gốm sứ. Xã hiện có 140 nghệ nhân và nhiều thợ giỏi. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được đông đảo khách hàng tại nhiều quốc gia quan tâm, ưa chuộng và hiện đã có mặt ở các thị trường lớn trên thế giới như: Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga…
Tại buổi làm việc sáng nay, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng đã đi kiểm tra tại 4 cơ sở sản xuất, trưng bày, giới thiệu sản phẩm gốm của các nghệ nhân: Vương Cường, Tô Thanh Sơn, Đức Tân và Phạm Đạt.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm cơ sở trưng bày gốm của Nghệ nhân Đức Tân (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) |
Trò chuyện với lãnh đạo địa phương và các nghệ nhân, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy bày tỏ vui mừng khi thấy làng nghề Bát Tràng tiếp tục phát triển, diện mạo đổi thay rõ nét. Với hơn 1.000 hộ sản xuất đã tạo việc làm cho hơn 11.000 lao động có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Ngoài việc phát triển các sản phẩm thương mại, nhiều nghệ nhân tại làng nghề Bát Tràng đã phục chế thành công những tác phẩm gốm sứ cổ. Những sản phẩm của làng nghề không chỉ được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng mà còn thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan để chiêm ngưỡng, trải nghiệm quy trình chế tác, sản xuất đồ gốm, sứ.
Những năm gần đây, lượng khách đến Bát Tràng tham quan, mua bán ước khoảng 200.000 lượt/năm. Đặc biệt, vào mùa cao điểm, có ngày làng nghề đón gần 10.000 lượt khách.
Ghi nhận, đánh giá cao sự đổi mới trong công nghệ sản xuất gốm cũng như sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm, đáp ứng ngày càng cao hơn nhu cầu, thị hiếu của khách hàng; Từng bước khẳng định Bát Tràng là trung tâm lớn về gốm của cả nước, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cũng nhấn mạnh với số lượng, mẫu mã sản phẩm của làng nghề rất phong phú, đa dạng, chất lượng cao nhưng hiện nay Bát Tràng mới có 6 sản phẩm OCOP là ít và chưa tương xứng với tiềm năng.
Do đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị huyện Gia Lâm, xã Bát Tràng và các nghệ nhân, cơ sở sản xuất cần quan tâm hơn đến vấn đề này, để từ đó, có thêm nhiều sản phẩm OCOP được công nhận, góp phần đạt mục tiêu toàn Thành phố có 1.000 sản phẩm OCOP cuối năm nay.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm cơ sở trưng bày gốm của nghệ nhân Tô Thanh Sơn (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) |
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, việc công nhận sản phẩm OCOP sẽ giúp xây dựng, quảng bá thương hiệu gốm Bát Tràng vững chắc hơn, đồng thời, giúp bảo vệ sản phẩm gốm Bát Tràng không bị làm giả.
Ngoài ra, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng đánh giá cao định hướng của xã Bát Tràng, đó là hoàn thành Nông thôn mới nâng cao và tiến tới xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý, trong quá trình phát triển, xã cần đặc biệt quan tâm và thực hiện tốt, đồng bộ ngay từ khâu quy hoạch. “Phát triển lên phường, lên quận nhưng vẫn phải giữ được hồn cốt của làng nghề, để thương hiệu gốm Bát Tràng được gìn giữ, phát huy đến muôn đời sau”, đồng chí nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng mong muốn Hội nghệ nhân Bát Tràng tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động để thực sự là điểm tựa, là ngôi nhà chung cho những người làm nghề. Đồng chí tin tưởng với bề dày truyền thống, lịch sử và thương hiệu, gốm Bát Tràng sẽ tiếp tục phát triển, vươn ra mạnh mẽ tại thị trường trong và ngoài nước.
Vừa qua UBND thành phố Hà Nội đã công nhận các sản phẩm gốm của hai cơ sở sản xuất tại xã Bát Tràng là sản phẩm OCOP 4 sao và sắp tới xét duyệt các tiêu chí, định hướng, nâng cấp lên 5 sao.