Nhà khoa học khẳng định Việt Nam có tồn tại thiên thạch quý hiếm!
Kỳ 2: “Siêu bẫy” giăng ra để đánh bả đại gia mê mẩn thiên thạch Kỳ 1: Thiên thạch thật sự có thể làm vỡ kim loại, cô đặc thủy ngân? |
Giáo sư Phan Trường Thị, chuyên gia hàng đầu về đá |
Những cuộc săn lùng thiên thạch quý chưa bao giờ kết thúc
Quay lại với nhân vật Vinh “sẹo”, giảng viên Đại học Thủy lợi, người đã bỏ nhiều năm tìm hiểu cũng như sưu tầm thiên thạch quý. Mỗi khi nhắc đến đá trời, gương mặt hốc háo với vết sẹo lồi trên trán của thầy Vinh “sẹo” sáng rỡ lên, như thể nghĩ đến một niềm mơ ước vô cùng lớn.
Ông bày tỏ: “Là nhà khoa học, tôi không quan tâm đến những tính năng được thêu dệt của thiên thạch như làm đông thủy ngân, hay vỡ kính, hay năng lượng gì gì đó. Tuy nhiên, nếu sự thật một mảnh thiên thạch nhỏ mà có trọng lượng mấy kilogam, thì đó là một phát hiện vĩ đại đối với khoa học. Tức là, trong thiên thạch chứa một nguyên tố mới, khác hoàn toàn (đặc biệt nặng hơn rất nhiều lần) so với các nguyên tố đang tồn tại trên Trái Đất”.
Ông Vinh vẫn tiếc hùi hụi một dịp suýt nữa đã lấy được một viên thiên thạch nhỏ bằng ngón tay, nhưng đặt lên cân thì nặng đến 4,5 kg. Nó xuất hiện ngay tại Hà Nội, thuộc về sở hữu của hai cha con người Nam Định. Khi ông nghe tin và tìm đến nơi, thì hai cha con đã mang mảnh thiên thạch quý rời đi, vì bị xã hội đen quây lối, yêu cầu phải bán thiên thạch với giá 10 tỷ đồng. Sau lần ấy, ông Vinh tiếp tục đi săn lùng thiên thạch, dù tin tức về đá trời cực kỳ ít ỏi.
Nhà địa chất Vinh “sẹo” chia sẻ: “Ở Việt Nam, có ít nhất 3 hồ lớn được hình thành do va chạm thiên thạch. Đó là hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, hồ Lăk ở Buôn Ma Thuột và “Biển Hồ” ở Pleiku (Gia Lai). Như đã nói, thiên thạch rơi vào bầu khí quyển Trái đất là hiện tượng tương đối nhiều. Thiên thạch khi rơi với vận tốc lớn sẽ bốc cháy hết trong bầu khí quyển. Chỉ có những thiên thạch quá lớn, không cháy hết mới rơi xuống mặt đất”.
Những cuộc săn lùng thiên thạch chưa bao giờ kết thúc |
Ở Việt Nam trong quá khứ cũng đã từng có thiên thạch quý rơi xuống. Bằng chứng là đá tectit có thể tìm thấy ở Cao Bằng, Yên Bái… với kích thước và hình dạng khá phong phú. Đây chính là những mảnh vỡ của thiên thạch rơi xuống Việt Nam. Kích thước của những viên đá tectit rất nhỏ, hình dạng phổ biến là hình đĩa, hình cầu… Sở dĩ các viên đá có kích thước nhỏ, bởi các thiên thạch này khi bay vào tầng khí quyển Trái Đất, bốc cháy trước khi chạm mặt đất.
Chỉ những viên lớn không bị cháy hết, phần còn lại có thể bị nổ văng ra thành nhiều viên nhỏ, rơi xuống mặt đất. Tuy nhiên, thiên thạch rơi vào Việt Nam tại thời điểm cụ thể nào, tác động, thiệt hại ra sao… các nhà khoa học Việt Nam chưa thể tìm ra câu trả lời. Lý do vì khoa học nghiên cứu vũ trụ của nước ta chưa phát triển, chưa có các phương tiện máy móc cũng như nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này.
Từ rất nhiều năm về trước, các nhà khoa học Pháp, sau này là các nhà khoa học người Việt, đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu và sưu tầm các mảnh thiên thạch trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện tại, có khá nhiều mẫu vật thiên thạch được trưng bày tại Viện bảo tàng Địa chất Việt Nam. Theo tài liệu của viện này, 38 mẩu thiên thạch quý được bảo quản và trưng bày tại Bảo tàng Địa chất Việt Nam là những mẩu thiên thạch do người Pháp thu nhặt ở Việt Nam và để lại sau khi rời khỏi Đông Dương.
Trong 38 mẩu thiên thạch đó, 35 mẩu được trưng bày tại Hà Nội, 3 mẩu được trưng bày tại Phân viện phía Nam (TP HCM). Cụ thể, 3 mẩu trưng bày tại TP HCM gồm mẩu số 15/38, do người Pháp nhặt được ngày 18/7/1941 tại Thúc Bình, Hội An, Quảng Nam; mẩu số 16/38, do người Pháp nhặt ngày 30/6/1921, tại Vĩnh Lược, Rạch Giá, Kiên Giang; mẩu số 17/38, do người Pháp nhặt năm 1921, tại Tuấn Túc, Sóc Trăng.
GS-TSKH Phan Trường Thị – Viện trưởng Viện Đá quý, trang sức Việt Nam cho biết: Ở Việt Nam, vụ nổ thiên thạch lớn và gần nhất diễn ra cách đây đã 85 năm ở đồng bằng Nam Bộ. Những mẫu thiên thạch quý được gửi sang Moskva giám định và được xác định là “đá trời” – nặng hơn bất cứ một vật thể nào cùng kích thước trên Trái Đất của chúng ta.
Viên đá được xác định là phần lõi của một hành tinh trôi dạt. Mẫu thiên thạch này đang được lưu giữ tại Viện Bảo tàng địa chất Việt Nam (số 6 phố Phạm Ngũ Lão, Hà Nội). Theo GS Phan Trường Thị, đây là viên đá cực kỳ quý và rất hiếm, có thể gọi là “siêu thiên thạch”. Những mẫu vật này càng thêm khẳng định về sự tồn tại của thiên thạch trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời, cho thấy việc người ta đi săn lùng đá trời là có cơ sở, dù vận may hiếm có ít khi xảy ra.
Săn lùng thiên thạch trong các cuộc đấu giá quốc tế
Như đã nói, thiên thạch ở Việt Nam rất hiếm hoi và thường bị “phù phép” làm lệch lạc đi tính chân thực. Một trăm viên đá được gọi là thiên thạch, cũng chưa chắc có một viên là “hàng thật”. Chính vì thế, các đại gia Việt đã và đang có xu hướng nhòm ngó ra thị trường nước ngoài. Lý do vì thiên thạch trong giao dịch quốc tế được đảm bảo kỹ lưỡng về nguồn gốc, đồng thời, giá tiền cũng không quá cao.
Một mẫu vật thiên thạch được trưng bày tại bảo tàng Địa chất Việt Nam |
Vài năm trước, thông tin doanh nghiệp xây dựng tư nhân Xuân Trường ở Ninh Bình chi 600.000 USD (hơn 14 tỷ đồng) tại phiên đấu giá ở Boston, Mỹ để mua khối thiên thạch Mặt Trăng có trọng lượng 5,5kg được đặt tên là “The Moon Puzzle” (Câu đố mặt trăng) đưa về tạc tượng trưng bày tại chùa Tam Chúc, Hà Nam đã thu hút sự chú ý của dư luận. Được biết, đây là một mảnh thiên thạch Mặt Trăng rơi từ trong không gian vũ trụ xuống sa mạc Sahara từ hàng nghìn năm trước, được tìm thấy vào năm 2017.
Các chuyên gia về không gian vũ trụ dự đoán, có thể một khối thiên thạch khác đã va vào nó và khiến nó bật ra khỏi bề mặt mặt trăng, bắt đầu cuộc “du hành vũ trụ” tới trái đất. Các nhà khoa học đánh giá, đây là mảnh thiên thạch nguồn gốc mặt trăng có kích thước lớn nhất từ trước đến nay. Thiên thạch mặt trăng được rao bán đấu giá với mức khởi điểm là 500.000 USD (11,7 tỷ đồng). Khối đá gồm 6 phần gắn liền với nhau, phần lớn nhất có trọng lượng khoảng 2,7 kg.
Ngoài vụ mua bán ầm ĩ trên, giới mua bán thiên thạch cho hay, không ít viên đá trời nhỏ hơn cũng được mua về Việt Nam thông qua các cuộc đấu giá. Như vậy, thiên thạch ở Việt Nam không còn ít ỏi như người ta vẫn rỉ tai nhau. Nói cách khác, việc sở hữu một mảnh thiên thạch cũng không còn là điều quá xa vời hoặc ghê gớm. Do đó, chúng ta cần phải tỉnh táo khi tiếp cận với thông tin về đá trời, tránh bị đối tượng xấu mê hoặc bằng những lời lẽ, bẫy lừa đảo kẻo tiền mất, tật mang.
Không loại trừ đối tượng thôi miên để lừa bán thiên thạchTrên thực tế, những đồn thổi về công năng mà thiên thạch hầu hết là giả. Kinh nghiệm của giới “chơi đá trời” thì có một số tính năng đặc biệt như giới cò mồi đưa ra là có thật nhưng nó là tính năng của một kim loại quý khác. Chuyên gia tội phạm học phán đoán, nhiều người bị mê muội khi tìm mua thiên thạch nên có khả năng, các đối tượng cò mồi có thể dùng thêm thuật thôi miên. Các đối tượng lừa đảo thường hoạt động thành nhóm. Chúng nghiên cứu kỹ đối tượng sẽ tiến hành lừa bán thiên thạch. Thông thường, chúng sẽ tìm cách tiếp cận với những người có tiềm lực về tài chính, nhẹ dạ, cả tin, ít kiến thức về thiên thạch nhưng lại có ý định mua thiên thạch. Các đối tượng lừa đảo sẽ dần dần đưa các thông tin thổi phồng về thiên thạch đến “con mồi” và đưa ra giá cả cao ngất ngưởng. Đến khi người muốn mua mê muội vì những thông tin đã được “đánh bóng” thì chúng sẽ thực hiện các giao dịch. Đây thường là các giao dịch không thành vì chỉ cần lừa tiền đặt cọc thì mục tiêu lừa đảo đã thành công. |