Kon Tum: Hiểm họa từ những “quả bom” nổ chậm
Nhiều công trình nhà nuôi yến xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp Kon Tum: Nhà yến xây trái phép cho tồn tại vì "công trình nhỏ" UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo xác minh công trình nhà yến "khủng" |
Người dân thôn Pêng Sal Pêng cảm thấy bất an khi sinh sống bên những "quả bom" nổ chậm (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Sống bất an bên những quả đồi cao, con suối sâu
Huyện Đăk Glei là một địa phương nằm ở phía Bắc của tỉnh Kon Tum và có địa thế vô cùng phức tạp. Sau lưng các khu dân cư là các triền đồi cao, dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá khi mưa lớn kéo dài.
Những trận mưa to, kéo dài cả ngày lẫn đêm luôn là nỗi bất an của người dân sinh sống dưới chân đồi và suốt nhiều năm qua, chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay xử lý.
Những quả đồi phía sau nhà có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Thôn Pêng Sal Pêng, xã Đăk Pek (huyện Đăk Glei) là nơi định cư lâu đời của người đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Tuy nhiên, các hộ dân sinh sống tại đây luôn cảm thấy lo lắng, bất an khi phải sống bên cạnh những “quả bom” nổ chậm.
Anh A Doen (50 tuổi) trú tại thôn Pêng Sal Pêng, cho biết: “Sau lưng khu dân cư thôn Pêng Sal Pêng chủ yếu là đồi cao, nằm sát nhà dân. Mỗi khi trời mưa cả gia đình mình không ai dám ngủ cả, lỡ quả đồi đổ ập xuống thì chạy không kịp.
Nhìn về những quả đồi cao phía sau nhà, anh A Doen vẫn chưa thể quên được ký ức kinh hoàng của mấy năm về trước. Anh A Doen, nhớ lại: “Hôm đó trời mưa to, vợ con mình đang ngồi phía trước thì bất ngờ một phần của quả đồi phía sau nhà đổ ập xuống khiến một phần nhà bếp bị san phẳng. May mắn lúc đó mọi người chạy kịp nên không ai bị thương”.
Nằm cách đó không xa, hộ anh A Mốt, thôn Pêng Sal Pêng cũng luôn phải sống trong tình cảnh nơm nớp mỗi khi mùa mưa đến. Anh A Mốt, trần tình: “Địa hình ở đây rất phức tạp, một bên là đồi núi cao, một bên là khe suối sâu, mỗi khi mùa mưa đến là đất đai sạt trượt xuống nhà của các hộ dân. Hôm nào mưa to là cả nhà thức trắng đêm”.
Đất đai sạt lở nghiêm trọng khiến người dân vô cùng lo lắng (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Trái ngược với hộ A Doen, A Mốt, các hộ dân nằm phía đối diện đang ngày đêm lo lắng bởi đất đai, cây cối cứ theo con suối trôi đi mỗi đi có mưa lớn. Những năm trước, hộ anh A Moang (51 tuổi) trú tại thôn Pêng Sal Pêng còn trồng cây ăn quả phía sau nhà. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, đất đai sạt lở nghiêm trọng, trồng được cây mít, nhãn, mãng cầu...rồi cũng cũng trôi theo con sông, con suối.
Chỉ tay về căn bếp vừa mới tháo dỡ không lâu, anh A Moang, kể: “Trước kia, con sông nằm cách nhà gần 100m, những năm gần đây, đất đai, hoa màu cứ trôi theo con sông và càng ngày càng lấn sâu vào nhà cửa của các hộ dân. Để đảm bảo an toàn cho cả gia đình, gia đình mình phải tháo dỡ căn nhà bếp và chuyển tới một vị trí khác. Với tình hình như thế này, một vài năm nữa, con sông sẽ lấn sâu vào căn nhà chính đang ở”.
Nằm sát bên cạnh, hộ anh A Phiếu (31 tuổi) cũng nằm trong tình cảnh tương tự. A Phiếu, chia sẻ: “Con suối ngày một ăn sâu vào nhà của các hộ dân đang ở, cứ mỗi khi mùa mưa đến người lớn phải ra bờ suối sau nhà để canh, nếu sạt lở thì hô hoán mọi người chạy thật nhanh”.
Người dân tại khu tái định cư thôn Chung Năng luôn cảm thấy bất an, lo sợ khi phải sống bên những quả đồi cao, có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào (Ảnh: Trần Nghĩa) |
“Quả bom” nổ chậm sau khu tái định cư
Năm 2018, UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Glei.
Dự án được UBND tỉnh giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQLDA ĐTXD) huyện Đăk Glei làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 145 tỷ đồng.
Dự án được thực hiện từ năm 2019 với các hạng mục như: Công trình dân dụng, công trình giao thông, công trình nước sinh hoạt, điện sinh hoạt... Bên cạnh đó, mỗi hộ dân sẽ được hỗ trợ 20 triệu đồng để ổn định cuộc sống.
Khu tái định cư thôn Chung Năng, thuộc thị trấn Đăk Glei (huyện Đăk Glei) là một phần thuộc dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Glei.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, khu tái định cư thôn Chung Năng được bố trí trên một quả đồi cao. Trước đó, chủ đầu tư là BQLDA ĐTXD huyện Đăk Glei đã cho san ủi mặt bằng để có quỹ đất thực hiện dự án.
Dự án được thiết kế theo hình “bậc tam cấp”, khi dự án hoàn thành, đã có nhiều hộ dân về dự án xây dựng nhà, lưng “tựa” vào chân núi. Đây lại chính là “cái bẫy” mỗi khi có mưa lớn, bởi huyện Đăk Glei được đánh giá là địa phương có nguy cơ sạt lở rất cao vào mùa mưa bão.
Những hộ dân sống tại khu tái định cư thôn Chung Năng có thể bị quả đồi lớn "nuốt chửng" mỗi khi vào mùa mưa (Ảnh: Trần Nghĩa) |
Nhìn về những quả đồi cao vời vợi cách ngôi nhà chỉ vài bước chân, chị Y Lé lắc đầu ngao ngán: “Từ ngày về sống tại khu tái định cư thôn Chung Năng, không lúc nào chúng tôi cảm thấy yên tâm. Mỗi khi mưa lớn, cả gia đình phải dọn ra chòi rẫy để ở. Nếu quả đồi đổ xuống, căn nhà coi như sẽ bị san phẳng”.
Chị Y Lé cho biết thêm: "Mới đây, một phần quả đồi phía sau nhà cũng đã đổ xuống nhưng rất may vị trí đó các hộ dân chưa xây dựng nhà để ở vì quá nguy hiểm. Chúng tôi sống hôm nay cũng không biết ngày mai thế nào nữa".
Cùng cảnh ngộ, chị Y Thuốc cho hay: “Khi khu tái định cư Chung Năng mới hoàn thành, chúng tôi cũng không muốn về đây ở vì nhận thấy nhiều nguy hiểm tại khu tái định cư này. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các hộ dân đành phải về đây ở, vì nơi ở cũ cũng nguy hiểm không kém.
Khu tái định cư thôn Chung Năng được xây dựng trên một ngọn đồi cao nên mỗi khi vào mùa khô gió rất mạnh, một số hộ dân đều bị gió cuốn bay mái tôn. Còn khi vào mùa mưa, quả đồi cao phía sau nhà không khác nào “quả bom” nổ chậm và có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Tính mạng người dân như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Ông Trần Cường Thịnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Đăk Glei, cho biết: "Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại khu vực nguy cơ bị sạt lở mỗi khi mùa mưa đến, chúng tôi cũng đã tuyên truyền, vận động các hộ dân chuyển đến những nơi an toàn. Về lâu dài, thị trấn cũng đã rà soát, báo cáo huyện để có phương án xử lý những điểm có nguy cơ sạt lở cao".