Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: Người con gái Hà Nội kiên cường, bất khuất
Chị Hoài Tâm, thuyết minh viên thuộc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa và Thể thao thị xã Đức Phổ giới thiệu tiểu sử liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm (Ảnh: V.Q) |
Có một khu bệnh xá thật “đặc biệt” bước ra từ cuốn nhật ký nổi tiếng của một nữ liệt sĩ - bác sĩ với tấm lòng nhân ái, đó là Khu bệnh xá Đặng Thùy Trâm.
Theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt, người con gái Hà Nội ấy đã xung phong vào miền Nam chiến đấu, lặng lẽ cống hiến và hy sinh tuổi xuân cho đất nước.
Tuổi xanh dâng cho Tổ quốc
Được xây dựng theo ước muốn của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, khu bệnh xá nằm ở thôn Nga Mân (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) là khu khám bệnh có mô hình đặc biệt.
Bởi lần đầu tiên trong hệ thống khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng trên toàn quốc, ngoài việc thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân trong vùng, bệnh xá còn là địa chỉ thu hút hàng chục nghìn lượt du khách đến tham quan mỗi năm.
Đoàn công tác báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có dịp ghé thăm Khu di tích lịch sử Bệnh xá Đặng Thùy Trâm và không khỏi bồi hồi, xúc động khi thắp những nén hương thơm tưởng nhớ vong linh những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc.
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm với diện tích 3.900m², kiến trúc theo kiểu nhà Rông - Tây Nguyên để du khách cảm nhận được sự gần gũi và thân thiện. Những hàng cọ dọc lối đi và trước hiên nhà khiến khu bệnh xá giống một khu nghỉ dưỡng có sân vườn.
Đoàn công tác báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có dịp ghé thăm Khu di tích lịch sử Bệnh xá Đặng Thùy Trâm tại tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: V.Q) |
Nổi bật trong khuôn viên chính là tượng đài của Anh hùng, liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm với tay cầm nón che đầu, chân sải bước, như đang tất tả vượt rừng trong những lần làm nhiệm vụ, đi tìm địa điểm mới an toàn hơn để dựng bệnh xá cứu chữa thương binh, tránh những trận càn của địch.
Ngoài khu chữa bệnh, bệnh xá còn có riêng một khu trưng bày giới thiệu những hiện vật, hình ảnh liên quan đến Anh hùng, liệt sĩ - bác sĩ Đặng Thùy Trâm nói riêng và truyền thống đấu tranh cách mạng của Nhân dân Đức Phổ (Quảng Ngãi) và Khu 5 nói chung.
Tại buổi tham quan, đoàn công tác đã được chị Hoài Tâm, thuyết minh viên thuộc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa và Thể thao thị xã Đức Phổ giới thiệu tiểu sử liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm và quá trình chị xung phong từ Hà Nội vào phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ cứu chữa thương, bệnh binh.
Trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, bị địch phục kích, chị đã chiến đấu và hy sinh tại khe Nước Lạnh, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) khi chưa đầy 28 tuổi đời.
Hình ảnh cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm được chụp lại tại viện lưu trữ Lucbock, Taxas, Mỹ (Ảnh: V.Q) |
Chị Đặng Thùy Trâm sinh năm 1943 tại Hà Nội, là con gái đầu của một gia đình trí thức. Bố chị là bác sĩ người gốc Huế, còn mẹ là dược sĩ gốc Quảng Nam. Tốt nghiệp hạng ưu Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966, chị tình nguyện vượt Trường Sơn vào công tác tại chiến trường Quảng Ngãi.
Suốt thời gian ấy, chị Trâm cùng đồng nghiệp đã cứu chữa cho hàng nghìn thương binh và Nhân dân Đức Phổ. Sau 3 tháng hành quân, tháng 3/1967, chị vào đến Quảng Ngãi và đã sống, chiến đấu cùng vùng đất này cho đến ngày hy sinh 22/6/1970.
Hà Nội trong trái tim
Với lý tưởng sống đã chọn, chị Đặng Thùy Trâm đã lao vào công việc với một nghị lực phi thường. Là người phụ trách bệnh xá huyện Đức Phổ - thực chất là một bệnh xá tiền phương, chị đã lăn xả vào cứu chữa, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác cơ sở.
Giữa vùng đất ngập trời bom đạn và hằn dấu giày của những tên lính xâm lược, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm.
Niềm cảm xúc dạt dào trên trang giấy hằng đêm của chị nơi chiến trường khốc liệt ấy đã chạm tới hàng triệu trái tim người đọc: “Mưa vẫn cứ rơi hoài. Mưa càng thêm buồn thấm thía và mưa lạnh làm cho người ta thèm khát vô cùng một cảnh sum họp của gia đình.
Ước gì có cánh bay về căn nhà xinh đẹp ở phố Lò Đúc để cùng ba mẹ và các em ăn một bữa rau muống và nằm trong tấm chăn bông ấm áp ngủ một giấc ngon lành”.
Tượng bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm bên trong khuôn viên Bệnh xá (Ảnh: V.Q) |
Biết bao đêm chị mơ thấy hòa bình, được trở về Hà Nội, “trở về với vòng tay êm ấm của ba mẹ, trong tiếng cười trong trẻo của các em và trong ánh sáng chan hòa của Hà Nội”.
Chị xúc động trước tình cảm yêu thương, đùm bọc của bạn bè, người dân Đức Phổ bao nhiêu thì lại càng khôn nguôi nhớ về Hà Nội, nhớ gia đình bấy nhiêu. Có lẽ vì thế mà trong cuốn nhật ký, Đặng Thùy Trâm đã gọi mình là “cô gái Hà Nội của quê hương Đức Phổ”…
Càng tìm hiểu về chị qua từng trang “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bao nhiêu, chúng ta càng mến phục chị bấy nhiêu. Thế hệ trẻ hôm nay luôn tự hào và vô cùng biết ơn đối với sự hy sinh thầm lặng của các thế hệ cha anh đi trước, trong đó có liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Chị là hình ảnh của một chiến sĩ, bác sĩ quyên mình xông pha nơi chiến trường khói lửa; là tấm gương sáng để các thầy thuốc trẻ học tập và noi theo.