Kỳ 1: Thiên thạch thật sự có thể làm vỡ kim loại, cô đặc thủy ngân?
Tảng thiên thạch được tìm thấy ở Nga sau vụ va chạm năm 2013 |
BMW dùng thiên thạch để chế tác một chiếc M850i độc nhất vô nhị Nasa thông báo thiên thạch khổng lồ sắp hủy diệt Trái Đất, 25/2 là ngày tận thế?! |
Rất nhiều lời đồn đại xung quanh sức mạnh bí ẩn và khủng khiếp của thiên thạch, ví dụ như hủy kim loại, làm vỡ kính... và quan trọng hơn hết là chứa nguồn năng lượng phong thủy dồi dào, mang lại tài lộc cho người sở hữu. Chính vì thế, trên thị trường chợ đen, thiên thạch đôi khi được giao dịch với giá vài chục tỷ đồng mỗi kilogam. PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thâm nhập vào giới buôn thiên thạch và biết đến những "thương vụ" đáng kinh ngạc, cũng như những chiêu trò để thổi giá, lừa đảo...
Nhà nghiên cứu địa chất Vinh “sẹo”
Hầu hết mọi người đã từng nghe đến thiên thạch, cũng như nghe nói đến những vụ giao dịch tiền tỷ liên quan đến thiên thạch. Tuy nhiên, số lượng người trực tiếp được nhìn thấy, chạm vào thiên thạch có lẽ không nhiều. Đặc biệt, chẳng ai từng có cơ hội chứng kiến những công năng đặc dị của thiên thạch như lời đồn đại. Thế giới của những người “chơi” thiên thạch và mua bán loại đá trời này cực kỳ bí mật. Chúng tôi vô tình gặp nhà nghiên cứu địa chất Vinh “sẹo” và được "dẫn lối" để tìm hiểu về thị trường thiên thạch.
Nếu không được giới thiệu, ít ai có can đảm đoán Vinh “sẹo” là thầy giáo, nói đúng hơn là giảng viên Trường Đại học Thủy lợi. Khuôn mặt góc cạnh do những tháng năm lăn lộn ở miền núi để nghiên cứu địa chất, kết hợp với vết sẹo lồi khá dữ tợn chạy từ giữa trán chéo xuống hốc mắt bên trái khiến ngoại hình của thầy giáo Vinh hơi... nguy hiểm. Được cái, thầy Vinh hiền khô, nói chuyện cực kỳ từ tốn chừng mực. Ông cười lành lẽ: “Cậu cứ gọi tớ là Vinh “sẹo” – tên ấy gắn với tớ từ hồi bé. Vết sẹo ấy là do tớ can ngăn một đám đánh nhau giữa mấy đứa bạn, loạng quạng thế nào lại xơi cả viên gạch vào mặt. Để như vậy mấy chục năm rồi, nhiều lần vợ tớ cũng khuyên đi “xử lý”, nhưng tớ lười. Với lại, tớ đi triền miên, hầu như cả năm chỉ dành vài tháng ở Hà Nội, còn lại tớ đánh bạn với những vỉa địa chất”.
Công việc thăm dò địa chất của Vinh “sẹo” rất đa dạng. Từ làm móng các công trình trọng điểm ở vùng cao, đến nghiên cứu xây dựng thủy điện... đều có bàn tay của các kỹ sư địa chất. Những năm tháng đi đi lại lại dọc mảnh đất hình chữ S, Vinh “sẹo” không mang về ngôi nhà tập thể ở Đại học Thủy lợi được thứ gì quý giá, ngoài mấy mẫu đá lạ lùng – gồm đá núi lửa, gỗ hóa thạch và cả thiên thạch. “Tớ rất thích nghiên cứu thiên thạch” - Vinh “sẹo” từ tốn nhả chữ - “Số người hiểu biết về thiên thạch thực sự không nhiều. Họ cứ thấy đá nào lạ lạ, đen đen, nặng nặng thì coi là đá trời. Thực sự không phải như vậy, thiên thạch quý giá và đặc biệt hơn thế rất nhiều”.
Nói đến thiên thạch, gương mặt hơi hốc hác của Vinh “sẹo” sáng hẳn lên. Ông Vinh cung cấp: “Thiên thạch rơi xuống trái đất có thể còn được gọi là vân thạch. Hiện tượng thiên thạch rơi xuống trái đất được xác định bởi nhiều nguyên nhân như từ các vụ va chạm trong vũ trụ, các vụ nổ, các hành tinh chết… Nó được cấu tạo chủ yếu là silic. Trên thực tế, thiên thạch không hiếm như mọi người vẫn nghĩ. Giới khoa học ước tính có khoảng 100 tấn thiên thạch lao về phía trái đất mỗi ngày, phần lớn bị đốt cháy thành tro bụi lúc đi qua bầu khí quyển, chỉ có một số mảnh rơi xuống.
Theo Hội Khoa học thiên thạch và hành tinh quốc tế, thế giới từng ghi nhận 1.161 vụ thiên thạch va chạm với trái đất và có hơn 56.600 mảnh thiên thạch từng được tìm thấy tại nhiều nơi trên thế giới. Do kết cấu tinh thể đặc biệt chứa các nguyên tố hiếm, thiên thạch luôn được giới khoa học và sưu tập săn lùng”.
Mới đây nhất, vào năm 2018, một vệt sáng chói lóa bất ngờ xuất hiện khiến cả một khu vực rộng lớn tại bang Michigan (Mỹ) được soi rõ như ban ngày, đồng thời gây ra vụ nổ làm rung chuyển nhiều nhà cửa. Vụ nổ được xác định là do thiên thạch va vào trái đất và ngay sáng hôm sau, từng tốp “thợ săn” thiên thạch chuyên nghiệp xuất hiện - tương tự như trong vụ thiên thạch rơi xuống TP.Chelyabinsk ở Nga vào năm 2013. Mục tiêu của họ là tìm kiếm mảnh vỡ để bán lại cho giới sưu tầm hoặc các nhà đấu giá.
Trên thế giới, thiên thạch cũng được săn lùng ghê gớm. Thiên thạch nhỏ, trọng lượng khoảng vài ký, lại có giá trị hơn các tảng lớn và thường được bán qua tay giới sưu tập trong các giao dịch ngầm hoặc thông qua đấu giá. Mảnh thiên thạch Nakhla nặng 10kg được tìm thấy tại Ai Cập năm 1911 có giá lên đến 3.000 USD/gr, đắt gấp 70 lần giá vàng.
Ông Vinh cho hay: “Không phải thiên thạch nào cũng đắt giá. Thiên thạch thường có hai loại cơ bản: loại thứ nhất là thiên thạch đá hay còn gọi là đá tectite (giới chuyên môn hay gọi là cứt sao) là những mảnh vụn văng ra từ đuôi các sao chổi trong quá trình quét qua trái đất. Những mảnh vụn này khi lao vào trái đất, cọ xát với tầng khí quyển bốc cháy, thường khi xuống đến mặt đất chỉ còn lại kích thước rất bé, to lắm cũng chỉ bằng nắm tay người. Tuy nhiên, thành phần vật chất của thiên thạch loại này gồm: sắt và magiê, cũng khá tầm thường chứ không có gì ghê gớm như vẫn đồn thổi.
Loại thiên thạch này nhặt được rất nhiều ở các vùng núi và có giá khoảng 200 - 300 ngàn đồng/bao tải - tức là cao hơn... đá cuội một tý. Loại đá vũ trụ thứ hai là những mẩu đá vốn là lõi của các hành tinh, loại này hiếm có hơn và chính là đối tượng săn lùng của giới buôn thiên thạch. Đây chính là thứ hàng đắt đỏ và lạ kỳ mà giới buôn bán thiên thạch thổi giá lên đến hàng tỷ đồng, thậm chí vài chục tỷ đồng”.
Tại sao thiên thạch đắt khủng khiếp?
Nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu về đá trời, ông Vinh “sẹo” đã từng chứng kiến những trao đổi đắt đỏ. Trong nhiều thương vụ mua bán thiên thạch, giới “cò” thường đưa ra rất nhiều tính năng đặc biệt của loại đá có xuất xứ từ vũ trụ này. Thiên thạch thường được thổi phồng như đốt không nóng (nghĩa là khi dùng bất kỳ nguồn nhiệt thông thường nào để đốt thiên thạch đều không hấp thụ nhiệt và không nóng), làm thủy ngân co lại thành thể rắn (đặt nhiệt kế còn nguyên trong vỏ nhựa gần thiên thạch trong thời gian khoảng 3 - 5 phút thì thủy ngân trong nhiệt kế sẽ bị cô đặc lại thành thể rắn và đốt không nóng). Hay sẽ làm hủy kim loại (dùng lò xo - loại lò xo có trong các quẹt gas - hoặc cây kim đặt gần thiên thạch trong thời gian khoảng 3 - 5 phút thì lò xo sẽ bị hủy, bóp sẽ nát) hoặc hủy đá lửa (đặt đá lửa gần thiên thạch trong thời gian khoảng 3 - 5 phút, đá lửa sẽ bị hủy, bóp bị nát)...
Theo ông Vinh, để khơi gợi lòng tin của người u mê vì thiên thạch, các đối tượng này còn đưa ra những yếu tố có vẻ huyền bí như thiên thạch còn phải có tính năng như thả vào nước không chìm sát đáy, theo dõi sẽ thấy thiên thạch “di chuyển” chứ không nằm yên tại chỗ. Rồi áp gương soi ba phút vào thiên thạch, mặt trước của gương sẽ tự rạn vỡ ra như mạng nhện, còn mặt sau của gương, lớp sơn phủ phía sau vẫn giữ nguyên sắc thái, không biến dạng. Kèm với việc chào bán, các đối tượng này thường có cách ăn mặc, nói năng bí hiểm kiểu như “người vũ trụ” khiến nhiều người nhẹ dạ cả tin bị mê hoặc.
Ông Vinh nhấn mạnh: “Nhiều người cho rằng, thiên thạch cũng như đá rubi, đá đỏ, thích thì người ta mua, có gì đáng phải bàn. Kể cũng đúng vì rubi có hòn quý được xem như quốc bảo (hai khối rubi Việt Nam 1 và Việt Nam 2), nhưng cũng có những loại rubi chỉ đáng thả vào... bể cá cho đẹp hoặc rải ngoài vườn thay sỏi để buổi sáng đi dạo cho... mát chân. Thiên thạch cũng vậy thôi, có những viên cực quý người ta sẵn sàng bỏ ra một đống tiền mua về để phục vụ nghiên cứu khoa học nhưng cũng có viên quăng đi chả ai thèm nhặt. Trên thực tế, các thông tin trên hoàn toàn là những đồn thổi về công năng mà thiên thạch không có được. Kinh nghiệm của giới “chơi đá trời” thì có một số tính năng đặc biệt như giới cò mồi đưa ra như trên là có thật nhưng nó là tính năng của một kim loại quý khác.
Chơi thiên thạch, sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu như nó không bùng lên thành phong trào: người ta biếu tặng nhau, xem nó như một món quà giá trị cực lớn, còn hơn cả ngọc, vàng. Rồi người ta còn quảng cáo, "vu" cho nó những công năng siêu phàm mà... bản thân nó không hề có.
(Còn nữa)