Trồng mai, nuôi 4 con vào đại học
Ngắm mai vàng thương Tết phương Nam |
Sau ngày vợ mất, gia cảnh khó khăn nhưng cả 4 con của ông Trang đều bước chân vào đại học, hiện 2 con lớn đã tốt nghiệp ra trường.
Vất vả cảnh gà trống nuôi con
Cuối đường 12, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), qua khỏi dãy nhà lầu khang trang là con đường đất nhỏ. Mặc dù là phường có tốc độ đô thị hóa mạnh nhất của TP Thủ Đức nhưng khung cảnh ven con đường đất không khác gì những vùng sâu, vùng xa của các tỉnh miền Tây.
Ven đường là những khu đất chỉ có cây cỏ, ao nước, vào sâu bên trong mới có một khu xóm nhỏ với khoảng chục ngôi nhà cũ kỹ. Cuối con hẻm là nơi cư trú của gia đình ông Trần Minh Trang (53 tuổi). Nếu không có sự hướng dẫn của chị Đẹp - Chủ tịch Hội Nông dân phường Hiệp Bình Chánh, chúng tôi khó mà tìm ra được nơi cư ngụ của gia đình ông Trang.
Ông Trần Minh Trang trong vườn mai đang chăm sóc |
Sau nhiều lần lớn giọng gọi, từ phía sau nhà, một người đàn ông dáng người ốm, áo đẫm mồ hôi men vội bờ ao từ phía sau đi lên. “Đang làm cỏ ngoài vườn không nghe, kiếm tui có chuyện gì vậy?”, ông Trang mở đầu câu chuyện bằng nụ cười hiền trên gương mặt khắc khổ.
Căn nhà khoảng 50m2 chỉ có một mặt dựng phía trước được xây tường, 3 mặt còn lại được dựng bằng tole. Trước nhà có tấm biển “Chương trình sửa nhà tình thương” của Ủy ban MTTQ phường Hiệp Bình Chánh. Nguồn kinh phí được Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ, tiểu thương chợ Bình Triệu, người dân trong phường và các mạnh thường quân hỗ trợ.
Trong căn nhà tình thương chẳng có một vật dụng gì đáng giá. Đồ dùng tốt nhất có lẽ là chiếc bàn gỗ đã xiêu vẹo dùng làm góc học tập của những đứa con. “Năm 2016, hội đoàn trong phường vận động mới dựng được căn nhà, chứ tôi đâu có tiền mà dựng. Căn nhà cũ của tôi giờ đổ sập rồi, với lại cũng cấn nợ luôn rồi”, ông Trang chỉ căn nhà cũ đã sập một phần sát bên cười buồn.
Nếu tính theo chuẩn thì gia đình ông đã có thâm niên hộ nghèo hơn 20 năm. Là dân cố cựu địa phương, ngày lập gia đình, ông được cha mẹ chia cho một phần đất để trồng trọt. Có cái nghề trồng mai, ông dồn sức lấy công làm lời, cặm cụi quanh năm bên mảnh vườn. Thu nhập của cả nhà chỉ trông vào dịp bán mai cuối năm.
Năm nào “trời thương”, mưa thuận gió hòa thì đỡ phải vay mượn. Năm nào khí hậu nghịch, đồng nghĩa cả nhà phải vay mượn chi tiêu tằn tiện, tập trung chủ yếu cho việc học của các con.
Căn nhà sập xệ của ông Trang nuôi 4 người con học đại học |
“Nhiều năm thời tiết khắc nghiệt, không bán được mai nên nhà phải gánh thêm nợ. Mấy chục năm nay tôi cứ phải chụp đầu này trả đầu kia. Nghèo thiệt nhưng tôi hứa trả cho ai là bằng mọi giá phải trả, không để mình mất uy tín được”, ông Trang tâm sự.
Gia cảnh khó khăn, vợ ông xin đi làm công ty may, được thời gian thì phải nghỉ. Ở nhà có ai gọi gì bà làm nấy, hết phụ quán ăn đến làm phụ hồ, rồi đi dọn vệ sinh, giúp việc nhà kiếm thêm chi phí.
“Năm 2015, bả vẫn đang đi làm bình thường thì tự nhiên ngã bệnh, đưa vào bệnh viện được có một tuần thì mất. Lúc đó đứa lớn mới học lớp 10, đứa thứ 2 học lớp 9, còn 2 đứa nhỏ thì mới học lớp 6.
Lo cho bà xong, tôi chẳng còn thời gian để buồn nữa, phần thì nợ nần, phần lo tiền học cho đám nhỏ nên cứ quần quật cả ngày. Tôi chỉ dặn với các con cố gắng mà học, chuyện nhà để cha lo. Cũng may mấy đứa nhỏ nó chịu học nên tôi chỉ lo đi làm”, ông Trang kể.
Vợ mất, toàn bộ gánh nặng gia đình đè lên vai ông. Các con càng lớn, càng học lên thì chi phí càng nhiều. Thu nhập từ vườn mai không đủ, nên kiếm được bao nhiêu ông dồn vào tiền học cho các con.
Ngoài chăm mai, ông trồng thêm súng, kèo nèo, lâu lâu thu hoạch mang ra chợ bán cải thiện bữa ăn, thiếu hụt thì đi vay mượn. Không kịp có tiền trả theo hẹn, ông lại vay mượn chỗ mới đắp qua chỗ cũ. Nhờ có chữ tín nên dù nghèo, nhiều người vẫn tin tưởng cho ông vay.
“Anh em ai cũng nghèo, ai cũng vất vả nên mình cũng phải cố gắng thôi”, ông Trang bộc bạch.
Ngoài chăm mai, ông Trang trồng thêm súng, kèo nèo, lâu lâu thu hoạch mang ra chợ bán cải thiện bữa ăn |
Cái nghèo cứ vậy đeo bám gia đình ông mấy chục năm, cố gắng làm đến đâu cũng không đủ. Có miếng đất nông nghiệp nhiều lúc ông cũng nghĩ đến chuyện đem bán nhưng ngặt nó lại nằm trong quy hoạch treo đã 30 năm, nên bán chẳng ai dám mua. Cầm cố thì do đất quy hoạch nên cũng không được cấp sổ, ngặt nghèo quá thì cắt ra một khoanh, năn nỉ người ta cầm cố với giá rẻ mạt.
“Đất tôi giờ còn được khoảng 600m2, nhưng để vậy thôi chứ đâu làm được gì, giờ chờ xem có ai vào làm dự án thì mới có tiền đền bù. Mà cứ chờ thế này không biết đến lúc đó còn được gánh nổi không?”, ông Trang trăn trở.
Khi bàn tay nắm bàn tay và cái kết đẹp
“Có những lúc khó khăn, tưởng chừng đi qua không nổi. Cái nghề của tôi thì thu nhập theo năm, có năm làm được có năm trắng tay nên nhiều khi cố gắng cả năm nhưng rồi trắng tay là chuyện bình thường. Có đất đó nhưng không cất được nhà, không thể cầm cố để vay tiền trang trải, nhiều lúc bế tắc lắm…”, ông Trang chia sẻ.
Biến cố lớn nhất là sau khi vợ mất, 4 đứa con gái còn nhỏ, một mình quay cuồng giữa câu chuyện cơm áo, ông đau đáu chuyện làm sao để các con tiếp tục đến trường. Giữa lúc mệt mỏi, Hội Nông dân hiểu rõ hoàn cảnh đã tìm đến động viên hỗ trợ. Đầu tiên, Hội đã vận động nguồn lực giúp ông dựng cái nhà để an cư, rồi giúp ông tiếp cận với các nguồn vốn, nguồn quỹ xã hội để có thể có vốn làm ăn, đỡ các khoản vay nóng ngoài xã hội.
Không chỉ hội đoàn, nhiều người trong địa phương cũng tìm đến giúp đỡ ông vay những khoản tiền không lãi. Có người là cán bộ phường, có người là tiểu thương ngoài chợ.
“Bản thân cố gắng là một chuyện nhưng không có những sự giúp đỡ chân tình thì đúng là rất khó mà trụ được. Tụi nhỏ tiếp tục theo học được hết đại học cũng nhờ một phần quỹ học bổng hết chương trình đại học của Hội Nông dân. Trong cảnh khó mới thấy còn nhiều người tốt lắm”, ông Trang bộc bạch.
"Năm nào “trời thương”, mưa thuận gió hòa thì đỡ phải vay mượn...", ông Trang cho biết |
Trong câu chuyện nghĩa tình, ông nhắc đến nhiều người, như anh Phương hàng xóm - người cho ông vay vài chục triệu đồng không lấy tiền lời. Thậm chí nói ông lúc nào cần cứ ra nói anh cho mượn nhưng ngại mang tiếng lợi dụng nên ông không dám quay lại để hỏi thêm. Rồi một người làm ở phường đội, không chỉ cho mượn tiền không lãi mà còn giúp ông tiếp cận nhiều nguồn vốn chính thống để trang trải cuộc sống, kiếm thêm việc làm những lúc gian khó, thiên tai.
Nghĩa tình trong câu chuyện của người nông dân Sài Gòn nó mộc mạc, chân chất như chính cuộc đời ông. Cũng nhờ những nghĩa tình đó, giờ 2 người con gái lớn đã tốt nghiệp đại học ngành Thông tin và cũng đã tìm được việc làm ổn định. Còn 2 người con gái út cũng đang theo học năm 3 trường Đại học Sư phạm và Đại học Tài nguyên Môi trường, chuyên ngành Quản lý đất đai. Hôm ghé thăm nhà chỉ có cô con gái thứ 3 là Hương Tú ở nhà vì vừa kết thúc năm học.
Nghe Tú lên kế hoạch tìm việc làm hè và học thêm ngoại ngữ mới thấy nỗ lực vươn lên của em. “Cha vất vả nhiều rồi nên con muốn tìm việc làm thêm để trang trải chi phí đi học”, Tú nói.
Ngồi kế bên ông Trang cười, gương mặt không giấu được niềm hãnh diện: “Hai đứa lớn giờ đi làm cũng biết chia sẻ với tôi, tiền điện, sinh hoạt trong nhà tụi nó tự chi trả nên cũng đỡ phần nào.
Giờ tôi gắng làm để hai đứa nhỏ tốt nghiệp đại học tìm được việc làm nữa là yên tâm. Tụi nó có thể tự nuôi bản thân rồi, tôi chỉ còn lo làm trả xong nợ nữa thôi. Giờ còn nợ hơn trăm triệu, hy vọng cuối năm nay thời tiết ổn thì cũng đỡ”.
Gần trưa, chia tay ra về, ông Trang quay trở lại chăm vườn mai, ao súng. Ông nghèo nhưng giàu nghị lực. Ông không có tiền nhưng tài sản của ông lại là niềm mơ ước của nhiều người, đó là các con học hành đến nơi đến chốn. Ông không có bằng cấp, không có vị trí xã hội nhưng chính nghị lực bản thân là bài học lớn dạy con mình.