Hiện thực hóa khát vọng phát triển Thủ đô: Đổi thay từ trong "mạch máu"
Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số Nông thôn Thủ đô đổi thay sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính |
LTS: Từ ngày 1/8/2008, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội. Đây là lần mở rộng địa giới hành chính có quy mô lớn nhất trong lịch sử phát triển của Hà Nội.
Cùng với sự thay đổi về “lượng”, Hà Nội cũng “thu” về mình những tiềm năng để tạo nên các giá trị mới, phát triển xứng đáng với tầm vóc mới. Về phần mình, các địa phương sau khi sáp nhập vào Hà Nội và được tạo điều kiện quan tâm, đầu tư cũng đã không ngừng vươn lên, mạnh mẽ thể hiện mình trên nhiều phương diện...
Bài 1: Tầm vóc mới, thành tựu mới
Thủ đô Hà Nội thời điểm được hợp nhất (tháng 8/2008) có diện tích 3.328,89km2 với dân số hơn 6,2 triệu người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Qua 15 năm phát triển (từ 2008-2023), dân số đến nay (ước tháng 6/2023) là 8.564,5 nghìn người (gấp 1,37 lần so với thời điểm mới hợp nhất); TP có 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.
Việc mở rộng địa giới hành chính đã gia tăng nguồn lực để phát triển về kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo tiền đề để Thủ đô Hà Nội phát triển đồng bộ.
Hà Nội mang tầm vóc mới |
Nhiều kết quả vượt trội
Trong 15 năm qua, kinh tế Thủ đô giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. So với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội lần lượt chỉ bằng 21,2% và 1% về diện tích; 41,7% và 8,1% về dân số nhưng đóng góp 47,46% và 12,59% về GRDP; 52,48% và 17,07% về thu ngân sách Nhà nước; 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2008 - 2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011 - 2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm. Trong đó, dịch vụ tăng 6,77%; Công nghiệp - xây dựng tăng 8,19%; Nông nghiệp tăng 2,87%.
Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2022, GRDP tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện, năng suất lao động năm 2022 đạt 291,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 2,34 lần năm 2011 (124,5 triệu đồng/lao động) và gấp 1,6 lần bình quân cả nước (181,1 triệu đồng/lao động); Tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2012 - 2022 đạt 5,24%.
Du lịch được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt (bằng 21,4% mục tiêu năm 2025). Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đạt 12,33 triệu lượt (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 42%); Dự kiến cả năm 2023 thu hút 22 triệu lượt khách du lịch.
Bộ mặt vùng nông thôn đổi thay rõ rệt |
Lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển lành mạnh. Hệ thống các tổ chức tín dụng của thành phố tiếp tục được sắp xếp, cơ cấu lại. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 58 tỷ USD (gấp 1,93 lần so với năm 2008). Lạm phát được kiểm soát tốt; Hà Nội thực hiện quản lý, điều hành hiệu quả giá cả theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; Chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 còn 3,4% năm 2022, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước. Ngành công nghiệp được tích cực cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao.
Giai đoạn 2011 - 2022, công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm (cao hơn bình quân chung 6,67%). Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá. Hiện, thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó 313 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao. Giai đoạn 2008 - 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 11,04%. TP triển khai nhiều giải pháp, đã thu hút mới trên 4,5 nghìn dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội…
TP đặc biệt quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả bước đầu quan trọng, diện mạo nông thôn đổi mới một cách rõ rệt. Đến nay, đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn Nông thôn mới); 382/382 (100%) xã đạt chuẩn Nông thôn mới; Đã có 111 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ và phát huy.
Nhiều mô hình kinh tế mới đem lại thu nhập cho người dân các huyện ngoại thành |
Cùng với đó, Hà Nội nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có đóng góp quan trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; TP đã phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, trong đó nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu khu vực...
Vươn lên bứt phá
Sự phát triển vượt bậc của Hà Nội trong 15 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong dòng chảy của sự phát triển ấy, còn có sự bứt phá từ chính các địa phương sau khi sáp nhập về Hà Nội, để 15 năm qua, những "mạch máu" mới căng tràn đã không ngừng bồi đắp cho sự phát triển của Thủ đô.
Là địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc khi sáp nhập về Hà Nội, Mê Linh đã trở thành vùng kinh tế phát triển với tốc độ tương đối cao. Sau khi sáp nhập, huyện Mê Linh có 18 xã, diện tích tự nhiên hơn 14 nghìn ha với hơn 19 vạn dân.
Ngay từ ngày đầu về Thủ đô, huyện đã phối hợp với các Sở, ngành của TP triển khai nghiên cứu, xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Mê Linh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Quy hoạch chung xây dựng huyện Mê Linh; Quy hoạch xây dựng Nông thôn mới...
Tốc độ phát triển kinh tế trong 15 năm của huyện đạt mức tăng bình quân 9,8%/năm. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn bình quân hàng năm ước đạt 693,5 tỷ đồng, trong đó thu từ tiền sử dụng đất bình quân hàng năm đạt 310,6 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn được cải thiện rõ rệt, năm 2022 đạt 60 triệu đồng/người, gấp 5,4 lần so với năm 2008.
Trung tâm hành chính huyện Mê Linh |
Đáng kể, quy mô ngành công nghiệp của huyện Mê Linh tăng 3,98 lần so với năm 2008, chủ yếu nhờ vào Khu công nghiệp Quang Minh I và II. Hai khu công nghiệp này đóng góp khoảng 900 tỷ ngân sách mỗi năm và giải quyết việc làm cho 38.000 lao động.
Nông nghiệp tiếp tục là điểm sáng với các cánh đồng chuyên canh lớn và nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn. Hiện tại, Mê Linh là địa phương sản xuất rau lớn nhất thành phố Hà Nội; Đồng thời, cũng trở thành thủ phủ hoa tươi của Thủ đô.
Trước khi sáp nhập vào Hà Nội, Ba Vì là một huyện thuộc vùng bán sơn địa, nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hà Tây. Sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, kinh tế, xã hội của huyện có nhiều chỉ tiêu tăng gấp nhiều lần so với thời điểm trước khi sát nhập.
Điển hình như, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29 triệu đồng năm 2008 lên 55,6 triệu đồng/người năm 2022. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực, bền vững. Thu ngân sách năm 2022 của huyện đạt 511.700 triệu đồng, bằng 155,4% kế hoạch thành phố giao, 104,6% kế hoạch huyện giao, bằng 145,65% so năm 2021.
Văn hóa được giữ gìn, bảo tồn và phát huy; Đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định.
Các tiềm năng của Ba Vì được khai thác và đạt kết quả tích cực như: Phát triển du lịch trải nghiệm, nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh với các địa điểm nổi bật như: Cụm đền Trung - Thượng - Hạ; Các khu du lịch Khoang Xanh, Ao vua, Thiên Sơn Suối Ngà... Hiện nay, Ba Vì đã có hộ dân đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Nhiều hộ chăn nuôi quy mô trang trại; Phát triển cây dược liệu (trên núi cao), trồng cây ăn quả (dưới chân núi)...
(Còn nữa)