Bài 2: Mổ bụng bày tỏ lòng son
Bài 1: “Hãy nhìn đi, đây là thân thể bị tàn phá của chúng tôi...” |
Biểu diễn “tự mổ bụng”
Tại bảo tàng chứng tích chiến tranh (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) trưng bày nhiều bức tượng mô tả sinh động những tội ác tại nhà tù Phú Quốc, cũng như các hành động anh dũng của chiến sĩ trong cảnh “địa ngục trần gian”. Có những lồng chật hẹp đan bằng dây thép gai chuyên dùng để nhốt tù nhân và phơi nắng lại có thùng phi đục lỗ nhằm “nướng” tù nhân, và cũng rất nhiều những bức tượng tạc khắc các chiến sĩ đứng lên chống lại sự đàn áp man rợ của kẻ thù.
Ông Phùng Xuân Nghị kể về chuyện dùng dao tự mổ bụng |
Trong những bức tượng ấy, đặc biệt đáng chú ý là tượng một người tù binh đứng hiên ngang, tay phải dơ lên cao biểu thị sự quyết tâm đấu tranh, tay trái cầm con dao rạch thẳng vào bụng, vết máu loang lổ, đỏ ối song ánh mắt của người tù gầy gò không một chút chập chờn giao động, chỉ có kiên nghị và trung trinh.
Đấy là hình ảnh mô tả ông Phùng Xuân Nghị (SN 1949, hiện trú tại thôn An Thuận, xã Hữu Văn, Chương Mỹ, Hà Nội). Giám đốc bảo tàng chiến tranh, ông Lâm Văn Bảng, cảm khái: “Nếu như không có sự đoàn kết đấu tranh đến cùng, không có hành động tự rạch bụng đấu tranh của ông Nghị, có lẽ sẽ còn rất nhiều tù binh, thương binh không thể trở về”.
Di chứng ác liệt của chiến tranh và tuổi già khiến ông Nghị hiện tại không còn khỏe mạnh. Tuy nhiên, mỗi năm vài lượt, nhằm các dịp ý nghĩa với cựu chiến binh như ngày 30/4, ngày 27/7, ngày 22/12, ông Nghị vẫn lặn lội từ huyện Chương Mỹ tới bảo tàng để “biểu diễn mổ bụng” - theo cách nói vui của ông Nghị và các cựu chiến binh.
Mô phỏng "chuồng cop" tại nhà tù Phú Quốc |
Những dịp như thế, khách tham quan bảo tàng, trong đó có đông đảo bạn trẻ chỉ biết đến lịch sử qua sách vở hay các hình ảnh chưa trọn vẹn, lại được tận mắt, tận tai chứng kiến, lắng nghe nhân chứng miêu tả rành rọt những gì đã trải qua.
Hàng ngàn câu chữ cũng không thể hiện được cảm giác máu huyết sôi trào khi chứng kiến ông Nghị mô tả cảnh kề dao vào bụng, cổ tay gầy gò nổi lên gân xanh, siết mạnh vào bụng mình. Phải có ý chí kiên cường, quyết tâm sắt đá và tinh thần cách mạng bất khuất đến mức độ nào ông mới dám làm một việc như vậy!
Xung phong chọn cái chết
Trên thân thể nhỏ bé của ông Phùng Xuân Nghị vằn vện hàng loạt vết thương ở bụng, ở vai. Ông Nghị cười ngạo nghễ: “Đây là “chứng chỉ” của tôi sau những ngày trải qua “địa ngục trần gian”.
Năm 1966, ông Nghị nhập ngũ khi mới 17 tuổi, thuộc Đại đội 50, Tiểu đoàn 46, trực thuộc Quân khu 5, tham gia trận đánh đêm Giao thừa Mậu Thân năm 1968 ở Quảng Ngãi. Trong trận đánh cam go đó, ông Nghị bị đạn xuyên qua phổi, nằm gục trên chiến trường rồi bị bắt.
Ông Nghị kể: "Bọn giặc giở đủ các kiểu tra tấn đối với tôi nhưng không khai thác được gì. Vì thế, bọn chúng chuyển tôi về Đà Nẵng, chuyển qua Biên Hòa, rồi đày ra nhà tù Phú Quốc. Lúc bấy giờ, tôi đã rất yếu ớt, sức tàn lực kiệt".
Ông Phùng Xuân Nghị với vết thương do hậu quả của việc tự mổ bụng để phản đối cai ngục |
Theo lời ông Phùng Xuân Nghị, ông cùng với mấy trăm anh em thương binh nặng bị lính Ngụy đày sang khu vực thuộc phân khu 9. Khu đó, từ trước không có ai ở, cỏ mọc lút gối, cái sạp nằm cũng chẳng có, nước uống không, ruồi muỗi bay nhặng xị. Tên cai ngục còn lớn tiếng: “Tao sẽ để cho chúng mày sinh bệnh mà chết dần chết mòn”.
Trong mấy anh em thương binh, có một số người còn khỏe, tức thì chúng bắt đi lấy củi, nhổ cỏ, đắp công sự, làm hàng rào thép gai… Ai chống cự liền bị đánh đập dã man. Khẩu phần ăn cũng bị cắt xén một cách không thương tiếc.
Tin tức trong trại cũng như trong đất liền được cập nhật liên tục, nhờ những người được ra ngoài lấy củi nghe ngóng, chuyển tài liệu và những phương thức khác. Ở trại, thương binh còn đỡ nhưng ở trại tù binh khác trong “địa ngục trần gian” Phú Quốc thì hàng trăm câu chuyện bọn cai ngục tra tấn tàn bạo các chiến sĩ, hàng loạt những tấm gương kiên trung bất khuất… liên tục được truyền về.
“Chúng tôi quyết định biểu tình, đưa yêu sách bắt địch phải thực hiện đối với toàn bộ tù nhân ở trên đảo là không được đánh đập tù binh, phân phát đủ chăn màn, quần áo, nước uống, đồ ăn… và biện pháp đầu tiên là anh em tiến hành tuyệt thực”, ông Nghị cho biết.
Ở trại toàn thương binh, sức yếu, tuyệt thực đến ngày thứ 7 thì một số người có dấu hiệu kiệt sức trong khi bọn cai ngục cứ làm ngơ.
Các học sinh nghe kể về cuộc đấu tranh của cựu tù Phú Quốc |
Nếu tiếp tục đấu tranh theo hình thức này chưa chắc hiệu quả mà có thể anh em sẽ hy sinh vô ích. Chi bộ nhà lao họp khẩn cấp, đặt ra phương án một đồng chí sẽ tình nguyện "rạch bụng" tố cáo tội ác của giặc, buộc kẻ địch phải chấp nhận các yêu sách của tù nhân.
Trong trí nhớ của ông Nghị, có rất nhiều người xung phong chọn cái chết nhưng nhờ thái độ quyết tâm, nhiệt tình của tuổi trẻ, ông đã được lựa chọn.
Một sáng đầu năm 1972, toàn bộ thương binh tập trung đứng hết trước cửa trại, tuyên bố tội ác và đồng thanh hô vang “Đả đảo bọn Ngụy quyền làm tay sai cho Mỹ, đàn áp anh em tù binh trong tay không tấc sắt”. Liền sau đó, một chàng trai gốc Bắc cao chừng 1,6m, nặng chưa đến 40kg đã chạy ra giữa sân, tay cầm chắc con dao mài từ cốc nước và không nao núng rạch một đường sắc lẹm vào bụng mình khiến bọn cai ngục và hàng trăm tù binh nín thở.
Bức tượng thể hiện cảnh ông Nghị tự mổ bụng đặt tại bảo tàng chứng tích chiến tranh |
Ông Nghị gục xuống, anh em liền bế vào trong trại, lấy chỉ ra khâu. Chừng một giờ đồng hồ sau, có xe của trại trưởng chạy đến, bắc loa thông báo đưa người mổ bụng ra để đi cứu chữa nhưng các tù binh không mắc mưu, kiên quyết im lặng bảo vệ ông. Sau cả tuần tuyệt thực, cộng thêm vết thương cũ tái phát, sự sống của ông Nghị khi ấy chỉ còn thoi thóp.
Đến chiều tối, bọn cai ngục lắc đầu chịu thua, lo sợ cuộc đấu tranh của anh em thương binh sẽ lan ra toàn đảo và cả miền Nam, cố vấn Mỹ và Đảo trưởng Phú Quốc mời đại diện tù binh ra để giải quyết và những yêu sách đưa ra được đáp ứng toàn bộ.
Nhờ tình yêu thương, đùm bọc của đồng đội, ông hồi phục nhanh không ngờ. Chỉ sau nửa tháng vết thương trên bụng đã lên da non. Cho đến lúc tự bước chân ra được khoảng trời đầy nắng ở sân trại, ông Nghị biết mình được sống lại là nhờ những đồng đội thương yêu và ông lại tiếp tục lao vào cuộc đấu tranh bảo vệ lý tưởng cách mạng nơi địa “ngục trần gian” Phú Quốc.
(Còn nữa)