Bài 1: “Hãy nhìn đi, đây là thân thể bị tàn phá của chúng tôi...”
Lời mở đầu: Mỗi người sẽ có những cách đối xử khác nhau khi thân thể bị thương tật, khuyết thiếu. Có người lựa chọn che giấu và phủ đậy các vết thương. Người khác tự ti mặc cảm với vẻ ngoài không hoàn hảo. Ngược lại, những cựu binh bị tù đày tại Nhà tù Phú Quốc lại đưa những nỗi đau thể xác bày ra trước mắt hàng nghìn, hàng vạn người. Họ tự biến mình trở thành ví dụ trực quan sinh động nhằm tuyên truyền, giáo dục về lịch sử cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đó không đơn thuần là hành động dũng cảm, mà đó là sự vĩ đại!
Chương trình nghệ thuật của những cựu tù Phú Quốc
Ngày 18/6, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) tổ chức lễ công bố, đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020. Đây được cho là thành tựu rất đáng ghi nhận của hệ thống chính trị huyện Phú Xuyên, đồng thời, cũng là niềm vui sướng to lớn của người dân vùng đất phía Nam Thủ đô.
Bảo tàng chứng tích chiến tranh - biểu tượng của tinh thần bất khuất từ những người cựu tù Phú Quốc |
Ngay trong buổi tối nô nức hôm đó, người dân Phú Xuyên đã được thưởng thức một chương trình nghệ thuật có một không hai, được cho là “đặc sản” vô cùng độc đáo tại địa phương: Chương trình nghệ thuật của những cựu tù Phú Quốc.
Dưới sự dẫn dắt nhẹ nhàng, duyên dáng của ông lão 81 tuổi tóc bạc trắng Lâm Văn Bảng, khán giả lần lượt thưởng thức các tiết mục văn nghệ, ca múa, hò vè và tiểu kịch. “Diễn viên” đều đã nhiều tuổi, cũng không xinh đẹp song họ đều nhận được sự ủng hộ, hoan hô nhiệt liệt của khán giả. Đơn giản bởi vì, người dân đều tường tận rằng các “diễn viên” ấy đã vượt qua bao nhiêu khó khăn để từ nhà tù Phú Quốc bước lên sân khấu.
Tập luyện trước giờ biểu diễn tại bảo tàng chứng tích chiến tranh |
Tiết mục “đinh” của chương trình nghệ thuật tại sân vận động Phú Xuyên hôm đó là tiểu kịch mô tả lại những cực hình mà các cựu binh đã phải trải qua trong thời gian đằng đẵng, đau đớn bị cầm tù, tra tấn tại Phú Quốc. Tiêu biểu như ông Kiều Văn Uỵch bị nhốt 14 ngày trong “chuồng cọp”, ông Lê Quốc Nam bị đập nát xương tay, ông Phùng Xuân Nghị, Vũ Văn Kim tự mổ bụng... Cơ thể của họ chằng chịt các vết thương, nhưng đôi mắt của họ lúc nào cũng ánh lên một vẻ kiên định và quả cảm không thể diễn tả bằng lời.
Tiếng nói của ông Lâm Văn Bảng cất lên sang sảng: “Hãy nhìn đi, đây là thân thể bị tàn phá của chúng tôi. Chúng tôi là những nhân chứng sống đã từng đạp lên dây thép gai của nhà tù Phú Quốc, dùng máu và xương của mình nhằm nuôi dưỡng ngọn lửa cách mạng trong hoàn cảnh kinh khủng nhất. Dù thân thể chúng tôi không còn được trọn vẹn nhưng tấm lòng sắt son vẹn nguyên hơn bao giờ hết”.
Âm thanh vang vọng trong đêm, mạnh mẽ đánh vào tâm thức từng khán giả. Hơn lúc nào hết, người dân cảm nhận rõ ràng ngọn lửa cách mạng bùng cháy, cũng như hiểu sâu sắc những gian khổ, hy sinh mà thế hệ cha ông đã trải qua nhằm đổi lại vùng trời bình yên ngày hôm nay.
Chỉ ký ức là không tù ngục
Là Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - một bảo tàng tư nhân nhưng nhận được sự quan tâm rất lớn của đông đảo quần chúng, ông Lâm Văn Bảng cùng đồng đội đã và đang là “gương mặt” quen thuộc trong các buổi tuyên truyền về các tội ác chiến tranh, cũng như khơi dậy tinh thần cách mạng trong các thế hệ trẻ tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành lân cận.
Bản thân ông Bảng là cựu tù Phú Quốc, từng bị giặc giam giữ và tra tấn nhiều năm, trên tay vẫn còn vết thương dài vắt chéo từ phía trước ra sau. Sau khi kết thúc chiến tranh, ông Bảng và những đồng đội cũng bị giam giữ tại “địa ngục trần gian” Phú Quốc ấp ủ việc thành lập bảo tàng lưu giữ các kỷ vật về những chiến sĩ từng hy sinh xương máu vì nên độc lập tự do của Tổ quốc; Đồng thời để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về sự hào hùng mà thế hệ cha anh đã trải qua, từ đó quý trọng thành quả cách mạng mang lại.
Ông Lâm Văn Bảng với vết thương trên cánh tay |
Ý tưởng của ông Bảng được 24 người đồng đội từng vào sinh ra tử tại Phú Quốc hưởng ứng. Ông Bảng hiến đất của gia đình để xây bảo tàng. Trong khi đồng đội góp của, góp sức cùng nhau xây dựng bảo tàng. Sau thời gian dài nỗ lực, tháng 1/2004, bảo tàng chứng tích chiến tranh chính thức mở cửa tại xã Nam Triều (Phú Xuyên, Hà Nội).
Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày tháng 7, Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù lại thu hút rất đông người đến tham quan. Gần 20 năm qua, nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” lưu giữ những hiện vật, hình ảnh, bằng chứng tố cáo tội ác chiến tranh cũng như ca ngợi tinh thần chiến đấu quật cường của những cựu tù Phú Quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân Việt Nam.
Thanh niên thăm bảo tàng chứng tích chiến tranh |
Bên cạnh du khách, còn có những cựu chiến binh cũng tìm về bảo tàng trong những ngày tháng 7 này. Họ gặp nhau, ôn lại những ký ức hào hùng một thời sống vì lý tưởng. Quả thật nếu không nghe những nhân chứng lịch sử này kể chuyện, chúng tôi cũng không thể hình dung ra nổi về một nơi từng được mệnh danh là “địa ngục trần gian” Phú Quốc trong chế độ cũ.
Trong số hơn 3.000 hiện vật được trưng bày tại bảo tàng, mỗi hiện vật lại có một hành trình, một số phận riêng. Bản thân những hiện vật ấy đã mang dấu ấn của lịch sử và phía sau chúng là những câu chuyện đầy ý nghĩa đối với những cựu tù Phú Quốc và cả thế hệ trẻ hôm nay.
(Còn nữa)