Xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ dịp Tết
Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm nhằm đảm bảo tốt công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân năm 2023.
Cùng với đó, nâng cao trách nhiệm chỉ đạo công tác quản lý ATTP của các cấp, các ngành; triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân năm 2023 của các cấp, các ngành từ quận đến phường.
Ảnh minh hoạ |
Ngoài ra, đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân năm 2023. Thời gian triển khai: Từ ngày 15/12/2022 đến ngày 12/3/2023.
UBND quận giao các đơn vị có liên quan tăng cường công tác truyền thông, phổ biến kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân năm 2023.
Đồng thời tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về vệ sinh ATTP trong tết cổ truyền của dân tộc, Lễ hội; làm rõ vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc đảm bảo chất lượng ATTP theo quy định hiện hành.
Đồng thời, tuyên truyền phòng chống ngộ độc rượu, các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến, tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết và mùa Lễ hội...
Về công tác kiểm tra liên ngành, trong quá trình kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP quận sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo công tác ATTP của một số phường để nắm bắt tình hình công tác đảm bảo ATTP trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội xuân năm 2023 tại địa phương, việc triển khai công tác kiểm tra và các biện pháp quản lý ATTP.
Đối tượng kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các Lễ hội xuân như: Thịt, sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo,... các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Cụ thể, quận thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành ATTP (1 đoàn do Lãnh đạo phòng Y tế quận làm thường trực, 1 đoàn do Lãnh đạo phòng Kinh tế quận làm thường trực và sự tham gia của các phòng, ban, ngành liên quan).
Quận Thanh Xuân tổ chức kiểm tra Lễ hội, dịch vụ, cơ sở sản xuất hộ gia đình, đại lý kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống,... đã được phân cấp trên địa bàn quản lý. Phúc tra, giám sát các cơ sở do phường kiểm tra.
Các phường thành lập 1-2 đoàn kiểm tra (bao gồm các thành phần: UBND phường, y tế, thú y, công an phường,...); Tổ chức kiểm tra tại các Lễ hội, cơ sở phục vụ, dịch vụ, cơ sở bán lẻ, chợ và thức ăn đường phố trên địa bàn phường theo phân cấp...
UBND quận yêu cầu công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và có yếu tố nguy cơ cao, các cơ sở kinh doanh tại các chợ và siêu thị, kiểm tra liên ngành từ quận đến phường; Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình kiểm tra kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, quy định pháp luật về đảm bảo ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP.