Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh phát hiện kẹo ngậm Hamer chứa chất cấm
Cụ thể, từ thông tin phản ảnh của khách hàng, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh đã mua một số mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) đang được bán trên thị trường để kiểm tra khảo sát một số chất cấm trong thành phần.
Kết quả kiểm nghiệm trong 6 sản phẩm kẹo ngậm Hamer được mua ngẫu nhiên trên thị trường (mua trực tiếp tại một cửa hàng trên đường Hùng Vương - Quận 5 và mua qua trang thương mại điện tử shoppee), có 4 mẫu chứa tadalafil với hàm lượng từ 92,63mg - 266,94mg/1 viên (bao gồm các nhãn hiệu: Kẹo ngậm Hamer 37F82K; Kẹo ngậm Hamer G28Q79; Kẹo ngậm Hamer E854A9; Kẹo ngậm Hamer GINSENG & COFFEE); 1 mẫu kẹo ngậm Hamer 37F82K có chứa sildenafil citrat với hàm lượng từ 17,77 mg - 34,56 mg/1 viên và 1 mẫu Kẹo ngậm Hamer 621 có chứa nortadalafil.
Một số sản phẩm kẹo ngậm Hamer chứa chất cấm |
Trong lĩnh vực dược phẩm, có 3 dược chất sildenafil, tadalafil, vardenafil thuộc nhóm ức chế men PDE5 (phosphodiesterase type 5), là PDE isoenzyme chính yếu trong thể hang của dương vật, được sử dụng làm thuốc hỗ trợ và điều trị chứng liệt dương ở nam giới với rất nhiều sản phẩm khác nhau trên thị trường.
Trong lĩnh vực thực phẩm bảo vệ sức khỏe, 3 dược chất này và các chất tương tự (sildenafil analogues) bị cấm sử dụng trong sản xuất và kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo quy định tại Thông tư 10/2021/TT-BYT ngày 30/6/2021 của Bộ Y tế.
Sildenafil và tadalafil chỉ được sử dụng trong điều trị khi có chỉ định của bác sĩ. Liều dùng tối đa của tadalafil trong thuốc được khuyến cáo là 20 mg/ngày. Như vậy hàm lượng tadalafil được phát hiện trong mẫu kẹo Hamer nêu trên gấp khoảng 5 - 15 lần liều tối đa quy định.
Việc sử dụng tadalafil không đúng sẽ gây ra các biến chứng tim mạch cho người dùng bao gồm: Nhồi máu cơ tim, tử vong đột ngột do bệnh tim, đau thắt ngực không ổn định… và không được sử dụng cho một số bệnh nhân tim mạch.
Trong khi đó, nortadalafil là chất có cấu trúc tương tự tadalafil (analogues) nhưng hiện nay chưa được sử dụng làm thuốc và chưa được đánh giá về an toàn khi sử dụng.
Trước đó, từ cuối năm 2019, Cục An toàn thực phẩm đã thông tin 7 loại sản phẩm mà cơ quan y tế của Singapore phát đi cảnh báo có chứa chất cấm đã không được cấp số đăng ký công bố tại Cục, trong đó có kẹo Hamer. Tuy nhiên, sản phẩm này vẫn được bán tràn lan trên thị trường hiện nay.
Theo Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh, các sản phẩm này có nguồn gốc xuất xứ từ đâu, phải quản lý như thế nào thì cần có sự quan tâm của cơ quan quản lý An toàn thực phẩm và Quản lý thị trường để tránh nguy hiểm đến tính mạng cho người dùng.