Thấy gì trong nhật ký Covid-19 của nữ y tá xinh đẹp?
Trong khó khăn Covid-19, du lịch Việt Nam vẫn thăng hạng Thêm 1 người trở về từ Philippines mắc Covid-19, đã được cách ly Phòng dịch Covid-19 tại các chợ Hà Nội: Nơi nghiêm túc, chỗ lơ là |
Nữ y tá Iris Lê được trao danh hiệu Hoa hậu Áo dài trong cộng đồng người Việt ở Úc |
Đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến đầy phức tạp trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Trên mặt trận phòng sự lây nhiễm của Covid-19 được cả thế giới đồng tâm hiệp lực, bên cạnh sự chung sức của người dân tại mọi quốc gia và vùng lãnh thổ, có một thực tế không thể chối cãi, đó là sự hy sinh đầy thầm lặng của đội ngũ các y bác sỹ nói chung và nhân viên ngành y tế nói chung.
Có những người bố, người mẹ phải “bám trụ” bệnh viện, khu cách ly hàng tháng trời để phục vụ cộng đồng, đảm bảo sự an toàn tuyệt đối về sức khỏe và tính mạng cho bệnh nhân, cho cộng đồng,… Họ đã kiên cường bỏ lại đằng sau mọi nỗi nhớ nhung về gia đình – con cái. Thậm chí, họcũng dần quen và dần quên đi sự đau đớn về thể xác, trí lực phía sau những chiếc khẩu trang để lại những vết lằn sâu trên khuôn mặt, những bộ đồ bảo hộ dày và nóng bức, cùng cường độ làm việc đến không kịp ăn, kịp ngủ và kịp đi vệ sinh….
Tác giả – nữ y tá Iris Lê có tên Việt là Lê Phương. Nữ y tá Iris Lê làm việc ở khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Royal Adelaide – một cơ sở y tế lớn nhất vùng Nam Úc. Nữ y tá Iris Lê cũng từng đoạt danh hiệu Hoa khôi Áo dài trong một cuộc thi của cộng đồng người Việt.
Vì vậy, độc giả khi mở cuốn nhật ký Covid-19 “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” hoàn toàn không khó nhận ra chân dung của nữ y tác Iris Phương khá rõ nét, đó là lúc cô giật thót nhìn mình trước tấm gương soi: “Mới có ba tháng mà mọi thứ đã thay đổi một cách chóng mặt như thế sao? Gương mặt hơi vuông cá tính kết hợp độc đáo với đôi gò má đầy đặn của trẻ thơ, làn da căng mướt không tì vết và sắc da tươi tắn như búp hoa vừa uống những giọt sương mai, giờ đã được thay bằng một cái đầu lâu khô quắt, hai trũng má hõm sâu.
Căng lên trên khung đầu lâu ấy là lớp da xỉn màu, tái nhợt, lấm tấm mụn vì cà phê và những đêm mất ngủ. Đó là chưa kể đến những vết lằn chằng chịt được tạo ra bởi sự ma sát giữa những chiếc nón, những chiếc kính bảo hộ và khẩu trang siết chặt ma sát với làn da mỏng manh”.
Cuốn sách “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” là nhật ký Covid-19 của Iris lê |
Tuy nhiên, cô y tá Iris Lê không công bố “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” để nhằm… than thở cho nhan sắc của bản thân. Iris Lê thổ lộ: “Thay lời tri ân đến những đồng nghiệp của tôi, những người đã và đang chiến đấu với giặc Covid-19, quyển sách này như một tập nhật ký, ghi lại hiện thực đau đớn của một giai kỳ mang tính lịch sử kéo theo những sự kiện vô tiền khoáng hậu, và những sự mất mát lớn về nhân mạng, tổn thất về kinh tế nặng nề. Hy vọng Covid-19 sẽ để lại nhiều bài học cho thế giới, và là tiền đề để có những kế hoạch phòng chống và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn trong tương lai”.
Cô y tá Iris Lê đã viết nhật ký Covid-19 “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” với tư cách là người trong cuộc. Thông qua nhân vật Mia với những câu chuyện được kể chi tiết, những người đang bình yên ở ngoài hàng rào cách ly của Covid-19, sẽ thấu hiểu thêm tấm lòng của các y bác sĩ đã tận tụy phục vụ người bệnh giữa muôn vàn âu lo và căng thẳng. Từ trang sách đã hắt ra ánh sáng của tình thương, tình yêu.
Đó là sự trải lòng, đó là những suy tư thầm kín, những suy nghĩ của người Việt xa xứ trong va chạm bản sắc văn hóa khi ngụ cư ở nước ngoài; là sự xáo trộn trong quan hệ cùng một cộng đồng đã diễn ra trong “mùa diệt vong” – mùa Covid-19. Đồng thời, ở đó cho thấy vẻ đẹp những con người nương vào nhau trong những ngày tháng đen tối và sợ hãi. Từng mẩu chuyện nhỏ đầy kịch tính khiến chúng ta nhói lòng, khiến chúng ta thở dài…
Viết về tuyến đầu mỗi ngày cam go chống dịch Covid-19, tác giả Iris Lê đã kể lại bằng giọng văn nhẹ nhàng, không “lên gân”. Nhờ thế, bức tranh “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” bộc lộ được nhiều tâm trạng, nhiều cảm xúc để lôi cuốn người đọc phải lướt theo, bám theo từng dòng chữ…
Xúc động nhất trong cuốn sách “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” chính là sự cách ngăn mẫu tử những ngày chống dịch Covid-19. Cô y tá tranh thủ rời bệnh viện để về nhà, với mong muốn được nhìn thấy con gái Anna 3 tuổi: “Đã một tháng rồi cô không gặp con bé. Cô nhớ nó không chịu được. Cô định bụng sẽ chỉ nhìn từ xa, qua khung cửa kiếng, ngắm con bé một lát rồi cô sẽ đi ngay. Cô biết giờ này con gái đang sửa soạn để chuẩn bị đến trường.
Cô thấy tim đập nhanh hơn khi cánh cửa nhà bắt đầu hiện ra trong tầm mắt. Cô se sẽ bước lên bậc tam cấp, ghé mắt nhìn vào lớp cửa kính. Anna đang ngồi ăn sáng với hạt ngũ cốc và sữa, ti vi mở bộ phim hoạt hình Disney mà nó thích nhưng nó không mảy may chú ý đến chiếc ti vi. Chỉ cắm cúi nhai rệu rạo. Con bé có vẻ không vui, hay là vẫn còn buồn chuyện con mèo Snowy? Hoặc là do nó vẫn còn đang ngái ngủ? Cô thấy lòng dâng lên một thứ cảm xúc ấm áp, cô mỉm cười đưa ngón tay lên sờ vào lớp cửa kính, tưởng tượng đến cảm giác vuốt ve gương mặt con bé…”
Bất ngờ, Anna phát hiện ra mẹ đứng ngoài cửa. Anna bật khóc và yêu cầu bà ngoại mở cửa cho mẹ vào nhà. Tất nhiên, mẹ của Anna vừa từ khu cách ly của bệnh viện ra ngoài, thì không được phép tiếp xúc với ai. Mẹ con đành trò chuyện qua điện thoại. Anna mếu máo: “Mẹ ơi, bà ngoại không mở cửa cho mẹ!”.
Cuốn nhật ký Covid-19 “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” dù viết về bối cảnh thực sự của nước Úc, vẫn khiến độc giả đang sống tại Việt Nam rung cảm. Bởi lẽ, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã đẩy nhân loại vào bi kịch giống nhau. Dù ở Việt Nam, hay ở Úc, thì sự san sẻ, đùm bọc, yêu thương trong cộng đồng luôn là động lực mạnh mẽ nhất giúp đội ngũ y tế yên tâm làm việc, tất cả vì bệnh nhân, vì xã hội.
Bức tự họa của Iris lê |
Nếu như ở Việt Nam chúng ta có ATM gạo, ATM khẩu trang cùng nhiều chương trình hành động thiết thực chăm lo cho đời sống vật chất – tinh thần người dân với phương châm Không để ai ở lại phía sau, thì tại Úc, cùng với cộng đồng kiều bào người Việt, những y bác sỹ như nhân vật Mia trong tác phẩm, hay như Iris Lê ngoài đời thật, hoàn toàn cảm thấy ấm lòng khi bên cạnh những mảng màu đen trong bức tranh toàn cảnh về đại dịch Covid-19 vẫn còn những điểm sáng, những điểm tựa tinh thần cho mọi người.
Đó là những khách sạn bắt đầu mở cửa tài trợ chỗở miễn phí cho các y tá và bác sĩ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Covid-19, là những chiến dịch “Nhận nuôi nhân viên y tế” trên Facebook với hơn chục nghìn lượt thích và theo dõi ở từng bang của xứ sở chuột túi, là sự đồng cảm từ gia đình, từ xã hội.
Cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu dài và còn thử thách thế giới. Nhật ký chống Covid-19 nghẹn ngào “Có nỗi buồn gieo mầm nhân ái” của cô y tá trực chiến ở khoa lây nhiễm tại bệnh viện những ngày chống dịch, được tác giả Iris Lê đúc kết: “Chợt nhận ra mình đang có một sứ mệnh thiêng liêng, đó chính là tồn tại. Và với sự tồn tại đó, cô có thể làm ra rất nhiều điều ý nghĩa và công việc của cô chính là giúp cho những người khác bảo tồn sự sống của họ. Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc, tất cả, mới chỉ là sự bắt đầu…”.