Tag

Tháng tám, về chiến khu!

Phóng sự 26/08/2019 16:30
aa
TTTĐ- Tôi đã dừng chân bên dòng sông Đáy, để lắng mình trong mênh mông gió suối ngàn, cảm cái tà dương núi Hồng mây êm giăng trắng, và tắm ánh trăng đọng xuống khoang thuyền. Chiến khu Tân Trào xưa, lại đón một kẻ về nguồn, giữa chếnh choáng chiều thu xứ Tuyên trở nắng!

Tháng tám, về chiến khu!

Những nếp nhà sàn ở làng cổ Kim Long.

Một

CUỐI cùng thì ông Ngọc cũng ra khỏi rừng. Bà con chòm xóm bảo, đó là thành quả của cuộc vận động ròng rã hai năm trong gia đình ba thế hệ người Tày. Chứ, cứ để ông ở lì trong rừng, không ốm đau bệnh tật, người cũng mòn đi.

Chuyện ông Ngọc rời túp lều trên quả đồi dốc dác, xum xuê cây trái, mà lòng rưng rưng ấy, cách nay cũng bốn con trăng. Không rưng rưng sao được, tự tay ông bạt núi, gây dựng trang trại rộng tới hai héc-ta. Cơ hồ nhìn vào, ai cũng nghĩ thế. Kỳ thực, ông xốn xang không phải vì cái trang trại mùa nào thức nấy, mỗi năm thu hơn 70 triệu lận, không làm thì để con cháu làm, ông Ngọc bùi ngùi vì không nỡ xa rừng. Cất tiếng khóc chào đời, đón mặt trời nhô lên từ đỉnh núi Hồng như lòng đỏ trứng gà, đến thuở tóc để chỏm làm liên lạc ở chiến khu Việt Bắc, vạm vỡ tí thì bôn ba cầm súng đánh giặc khắp đại ngàn, rồi bị thương gãy xương sống, về mất sức, chớp mắt, sống đã 83 mùa thu, cả đời ông Ngọc gắn với rừng.

Ông Hoàng Ngọc (con ông Hoàng Trung Nguyên -
Ông Hoàng Ngọc (con ông Hoàng Trung Nguyên - "tự vệ đỏ" năm xưa.)

Mà ở làng Kim Long này, nay là thôn Tân Lập, cách đây ba thập niên thôi, chỗ nào chả là rừng, toàn Thủ đô khu giải phóng Tân Trào của xứ Tuyên đều là rừng. Giờ, nhà sàn kiên cố, đường bê-tông phẳng phiu, chạy cái rột thấy chợ Sơn Dương. Ông Ngọc mừng lắm, mừng vì Đảng, Nhà nước quan tâm, đời sống đồng bào Tày, Nùng, Dao, Cao Lan… được đổi thay, nhưng ông không nguôi nhớ rừng. Gần năm cái xuân trước tới giờ, từ bận Tân Trào trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, ông Ngọc càng nôn nao, ký ức ùa về, chợt thoảng như bước chân con nai qua suối Ngòi Khoác, và bên kia suối đã là quá khứ.

…Ông Ngọc ngồi trên tấm phên nứa đập giập, lặng lẽ vót nan. Mái tóc ngả màu tựa mặt sông Phó Đáy, thi thoảng rung rung mỗi lần ông ngẫu hứng lẩy một câu Kiều. Ông ví cái nhân duyên đời ông, khi lấy cháu gái cụ Sự, ví rằng, Cách mạng Tháng Tám là hành trình làm nên vô vàn mối “tương ngộ” cho bao mảnh đời lịch sử.

…Đêm đêm, bếp lửa bập bùng, các bậc cao niên thường kể chuyện xưa. Lũ trẻ dụi đầu vách liếp, nghe tròn con mắt, thuộc nằm lòng. Năm đó, trà trà lứa ông Ngọc, khoảng chín, mười tuổi, tóc vàng như lông bò. Bữa nọ, chơi quay trước hiên nhà cụ Nguyễn Tiến Sự - Chủ nhiệm Việt Minh làng Kim Long, gặp đoàn người từ rừng ra. Người đi đầu tuổi cao, gầy gò, khoác áo nâu chàm giản dị, hỏi: “Các cháu có đi học không?”. “Chúng cháu không có trường, không có thầy để dạy ạ!” – Tất cả đồng thanh. “Bao giờ cách mạng thành công, các cháu phải đi học nhé”. Giọng nói trìu mến, ấm áp của Ông Ké chiều ấy, 21-5-1945, ông Ngọc mang theo suốt hành trình kháng chiến, suốt cả cuộc đời. Tá túc nhà cụ Sự ba ngày, Bác Hồ cùng năm cán bộ Việt Minh khảo sát địa hình, tìm nơi “dựng trại”. Sau gần tuần lễ, Ông Ké dọn lên lán Nà Nưa. Khi đó, cha ông Hoàng Ngọc là Hoàng Trung Nguyên, trở thành một “tự vệ đỏ”, bảo vệ Bác đến cuối tháng 8-1945.

Ngày Bác đến, lặng lẽ, bình dị. Ngày Tân Trào đón luồng sinh khí mới.

Nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa Phù Ninh từng nói, nếu Đền Hùng là khởi nguồn của Nhà nước Việt Nam độc lập, thì Tân Trào là nơi bắt đầu của Nhà nước Việt Nam cách mạng.

Hai

CUỐI cùng thì mấy bộ bàn ghế “thời bao cấp” mốc thếch, cáu váng nước chè thôi đồng xanh lét cũng được cất vào kho. Xã Tân Trào chính thức hoàn thiện trụ sở mới và nhà văn hóa đa năng. Cuộc đợi chờ hơn nửa thế kỷ. Cách đó vừa đủ tầm mắt là xưởng chế biến chè đương cữ mẻ đầu. Ngoài đồng, hơn trăm héc-ta lúa mùa mới gieo, già trẻ chộn rộn niềm vui. Đồng bào nô nức như trẩy hội, đổ về khu hành chính. Những sắc màu thổ cẩm nhòa vào nhau, tựa chiếc váy xòe rộng lớn bao quanh các chái đồi mướt mát xanh. Từ đỉnh núi Bòng ngó xuống, chiến khu xưa chìm trong dải hoa văn liên miên sóng lượn.

Cảnh ấy, khiến lớp người đi qua mốc nhân sinh “xưa nay hiếm” không khỏi bâng khuâng, ngậm ngùi cả nghĩ. Mùa thu 74 năm về trước, những mảnh đời lam lũ, những số phận bần cùng tề tựu dưới mái đình rêu phong, chào mừng Quốc dân đại hội, nguyện kết lòng, chung ý chí diệt thù. “Ánh mắt Bác Hồ hôm đó, 13-8-1945, vừa trang nghiêm, vừa u trầm sâu lắng. Nhìn đám trẻ nhem nhuốc, thân hình tong teo, không quần, không dép, Bác lại gần, xoa đầu tôi, lặng đi xúc động” - ông Ngọc bồi hồi kể. Bốn ngày sau, sáng 17-8, Ủy ban Dân tộc giải phóng ra mắt quốc dân. Tiếng Người văng vẳng non sông: "Lúc này, thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Những em nhỏ năm xưa, giờ tóc đã ngả sương!

Nơi 74 năm trước, Ủy ban Dân tộc giải phóng ra mắt quốc dân.
Nơi 74 năm trước, Ủy ban Dân tộc giải phóng ra mắt quốc dân.

…Chỉ mới hơn ba năm, nhớ thuở Bí thư Đảng ủy xã Viên Tiến Thăng còn ngồi làm việc trong căn nhà cấp bốn. Gọi nhà cho sang, chứ khoảng chục mét vuông, lụp xụp, tường vôi lở lói, cửa gỗ cong vênh, ngọn điện đỏ lòm không khỏa lấp nổi vẻ u tối, ẩm mốc. Vị lãnh đạo người Tày tiếp chúng tôi ngoài sân, bên cạnh giếng nước nông choèn, mùi phèn chua loét. Vậy mà, ngỡ cơn gió vụt qua bìa rừng, nay đứng giữa hiên sảnh thênh thang, ông cứ tần ngần cảm nhận cái nguyên khí háo hức phủ kín miền quê. Cả đời làm cán bộ, chưa khi nào trong mắt ông chật ních cờ hoa thế.

- Phải là nhà văn hóa cỡ này mới xứng, khéo lớn nhất nước ấy. Tân Trào có đến 120 di tích lịch sử mà. – Anh bạn đồng nghiệp trầm trồ.- Chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, câu lạc bộ hát then có chỗ diễn, rôm hà. – Bí thư Thăng đằng hắng.

- Xây làng văn hóa Tân Lập xong rồi, cơ ngơi chung của xã cũng xong rồi. Mai mốt, lo nốt việc mở rộng làng nghề truyền thống chè Vĩnh Tân. – Trưởng thôn Phạm Ngọc Thảnh bỏm bẻm góp chuyện.

Cũng phải, Tân Trào có hơn 100ha chè, không tận dụng tiềm năng thì phí. Mấy năm rồi, ông Thảnh chạy đôn chạy đáo, lập hồ sơ, tỉnh về thẩm định, công nhận làng nghề, 102 hộ dân tham gia, nhưng khổ nỗi, đầu ra còn bấp bênh lắm. Lãnh đạo xã đang đau đáu chuyện này.

- Năm nay, xã đón hơn 400 nghìn lượt khách tham quan. Phải đưa sản phẩm làng nghề gắn với phát triển du lịch thôi. – Bí thư Thăng châm chè, vầng trán nhíu lại.

Kế lâu dài thì vậy, chứ hồi chiều, qua xóm Bòng sau hàng ruối trăm tuổi, ghé hộ chị Đinh Thị Thu, nghe bảo, hộ nào cũng có vài héc-ta chè, thanh long ruột đỏ, tai chua, mỗi năm thu mấy chục triệu. Nhà chị, năm rồi lời lãi khoảng trăm triệu. Từ bận, Tân Trào được Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội nhận bảo trợ, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5%.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với bà con Tân Trào. (ảnh tư liệu)
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với bà con Tân Trào. (ảnh tư liệu)

Tối tối, con trăng đầy ngọn tre, các cụ già làng cổ Kim Long bắc ghế hóng mé gốc đa, hàn huyên, bần thần nhìn dãy nhà sàn trùng trình chân núi, tiền Nhà nước rót hàng tỷ. Rồi ngó đăm đăm phía lán Nà Nưa, mái lá bàng bạc. Họ dụi mắt, sống mũi cay cay, ơn Đảng, ơn Bác!

Ngày lại ngày, Bí thư Thăng tất tả hơn trước. Ngó cái vẻ làng xã trong ngần mà chộn rộn phố xá, ông hiểu, thú nhất khi làm lãnh đạo là có định hướng rõ mồn một. Như thuở xưa, ông cha kể, năm này qua năm khác, chui rúc ở rừng, đánh giặc du kích, chỉ có cây mác. Ngày nọ thức dậy, đất nước giải phóng, loa đài oang oang, kêu lên chính quyền nhận súng để tìm việt gian còn ẩn náu. Lần đầu, họ làm chủ một thứ vũ khí.

74 năm trôi qua. Người dân Tân Trào đang sống trọn niềm vui khôn xiết!

Ba

CUỐI cùng thì gần một trăm mâm cỗ lần lượt được dọn ra, mâm nào cũng có món trám om. Từ độ khởi nghĩa giành chính quyền đến khi non sông liền một dải, đó là những mâm cỗ ngon nhất trong vòng ba mươi năm của người dân Tân Trào. Mỗi mâm cỗ như một ngày hội, những ngày hội y chang nhau, nước mắt ngập tràn, hoan ca rộn rã, mừng đón gần một trăm người con, trải qua hai cuộc kháng chiến, trở về lành lặn. "Bà con tin, Tân Trào là nơi chở che Bác Hồ khi cách mạng còn trứng nước, nên đức sáng của Người bao bọc con dân" - ông Ngọc vuốt chòm râu, tư lự.

…Cụ Hoàng Trung Dân - chiến sĩ giao liên năm xưa, nay đã về tiên tổ. Gian thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đặt trang trọng trong nhà sàn của cụ Dân, khói hương luôn nghi ngút. Nơi đây, Anh Văn từng sống, làm việc từ tháng 5 đến tháng 8-1945. Ngày nối ngày, bà Nông Thị Thu – con dâu cụ Dân, cần mẫn lau chùi từng bậu cửa, sửa soạn nhang đèn, gìn giữ gia phong, những trọng trách mà chồng bà - Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Thông, qua đời giao lại.

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với người dân Kim Long. (ảnh tư liệu)
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với người dân Kim Long. (ảnh tư liệu)

Căn nhà sàn của cụ Nguyễn Tiến Sự cách nhà bà Thu lối rẽ nhỏ, ngó sang chạm mặt. Bên hương án phảng phất trầm thơm, bức chân dung Chủ Nhiệm Việt Minh làng Kim Long thuở nào, đã bạc màu thời gian, chỉ còn ánh mắt, nhìn thẳng, rực lên chói lọi. Trong căn nhà ấy, cũng có một phụ nữ, thờ chồng. Ngỡ lẽ hữu duyên, người phụ nữ đó - bà Hoàng Thị Mai, con dâu cụ Sự, lại là con gái cụ Hoàng Trung Dân.

Bầu trời chon von qua khung cửa sổ, gương mặt của những phụ nữ Tày đi qua bảy, tám thập niên, như đong đầy đau thương mất mát, như gom hết nét kiêu hùng, kỳ vĩ, thăng trầm biến cố ở xứ sở này.

Hàng ruối trăm tuổi trên con đường dẫn vào làng Kim Long.
Hàng ruối trăm tuổi trên con đường dẫn vào làng Kim Long.

…Ông Ngọc ngồi trên tấm phên nứa đập giập, lặng lẽ vót nan. Mái tóc ngả màu tựa mặt sông Phó Đáy, thi thoảng rung rung mỗi lần ông ngẫu hứng lẩy một câu Kiều. Ông ví cái nhân duyên đời ông, khi lấy cháu gái cụ Sự, ví rằng, Cách mạng Tháng Tám là hành trình làm nên vô vàn mối “tương ngộ” cho bao mảnh đời lịch sử. Giờ, một mắt ông đã lòa, chẳng rõ nguyên nhân, nhưng ngày ngày, ông vẫn làm thơ.Một lòng theo Đảng quang vinh/Năm đời quyết chí gia đình vẻ vang/Già Hồ căn dặn kỹ càng/Hiếu trung dân nước truyền sang muôn nhà. Thơ viết, đón chào những mùa thu cách mạng, ông Ngọc bảo thế.

Tân Trào, thu 2019

Đọc thêm

Hành trình đầy ý nghĩa của CLB thiện nguyện Ấm tình yêu thương Phóng sự

Hành trình đầy ý nghĩa của CLB thiện nguyện Ấm tình yêu thương

TTTĐ - Tháng 6 vừa qua, Câu lạc bộ (CLB) thiện nguyện Ấm tình yêu thương đã có một hành trình hết sức ý nghĩa khi chung tay xây tổ ấm cho nạn nhân chất độc da cam tại Hà Tĩnh, cứu trợ cho bà con vùng cao tỉnh biên giới Hà Giang bị ảnh hưởng nặng bởi mưa lũ hay trao tặng xe lăn tới các thương binh. Từ những việc làm này càng làm lan tỏa mạnh mẽ thêm sự yêu thương, sẻ chia trên khắp mọi miền đất nước.
Người dân lặng lẽ từ biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Xã hội

Người dân lặng lẽ từ biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

TTTĐ - Chiều 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất mẹ đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia. Biển người đau buồn nói lời từ biệt cuối cùng trước linh cữu Tổng Bí thư tưởng chừng sẽ không bao giờ dứt.
Tình người trong những xóm nghèo Phóng sự

Tình người trong những xóm nghèo

TTTĐ - Bôn ba, tha phương, lăn lộn mưu sinh ở xứ người, trong tận cùng của cái nghèo, cái khó, họ - những người lao động tự do - vẫn hun đúc, gìn giữ những giá trị đẹp trong đời. Nhiều câu chuyện về họ thoạt nghe cứ ngỡ như trong cổ tích.
Trồng mai, nuôi 4 con vào đại học Phóng sự

Trồng mai, nuôi 4 con vào đại học

TTTĐ - “Má mất, con còn nhỏ nhưng cũng biết chuyện rồi. Cha im lặng không nói gì, chỉ nhắc các con cố gắng mà học rồi cha cứ lặng lẽ làm việc… Con thương cha”, Trần Hương Tú, 22 tuổi,con gái thứ 3 trong gia đình kể.
Hành hương về đất Phật Văn hóa

Hành hương về đất Phật

TTTĐ - Trong suốt chiều dài lịch sử, Huế từng là kinh đô của triều Nguyễn và cũng là kinh đô một thời của phật giáo Việt Nam. Về với Huế cũng là chuyến hành hương về đất phật, chiêm ngưỡng các thánh tích phật giáo, từ đó khám phá tâm thiện lành trong mỗi chúng ta.
“Phên dậu xanh” miền biên viễn Phóng sự

“Phên dậu xanh” miền biên viễn

TTTĐ - Nơi miền sơn cước của xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum), các cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Đăk Blô vẫn luôn ngày, đêm vững chắc tay súng bảo vệ từng “tấc đất, ngọn cỏ” chủ quyền của Tổ quốc. Song song với đó, các cán bộ chiến sĩ cũng luôn gần gũi, giúp đỡ người dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Huyền thoại La Văn Cầu Phóng sự

Huyền thoại La Văn Cầu

TTTĐ - Trong trận đánh đồn Đông Khê năm 1950, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân La Văn Cầu đã dũng cảm chặt một tay để ôm bộc phá, tiêu diệt lô cốt của giặc Pháp. Ông trở thành huyền thoại về tinh thần hi sinh anh dũng, ý chí kiên cường sắt đá của những người lính trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Chuyện về vị tướng nhiều lần vượt qua cửa tử Phóng sự

Chuyện về vị tướng nhiều lần vượt qua cửa tử

TTTĐ - Với vóc dáng nhỏ bé nhưng Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh - nguyên Chính ủy Trung đoàn 141 của Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 - một trong đội hình 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn - Gia Định lại có quá khứ chiến đấu đầy anh dũng, kiên cường, nhiều lần phải cận kề với cái chết…
Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: Người con gái Hà Nội kiên cường, bất khuất Phóng sự

Liệt sĩ Đặng Thùy Trâm: Người con gái Hà Nội kiên cường, bất khuất

TTTĐ - Đoàn công tác báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có dịp ghé thăm Khu di tích lịch sử Bệnh xá Đặng Thùy Trâm tại tỉnh Quảng Ngãi.
Những dấu ấn tại Hội Báo toàn quốc 2024 Phóng sự

Những dấu ấn tại Hội Báo toàn quốc 2024

TTTĐ - Hội Báo toàn quốc 2024 là sự kiện đặc biệt với các dấu mốc đáng nhớ như lần đầu tiên được tổ chức tại phía Nam; quy mô, tầm vóc lớn nhất từ trước tới nay. Đồng thời, Hội Báo năm nay còn có sự tham gia lần đầu tiên của 64 gian hàng sản phẩm OCOP các tỉnh, thành trên cả nước. Hội Báo toàn quốc năm 2024 có chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân”, với hơn 100 gian trưng bày báo Xuân và các ấn phẩm báo chí tiêu biểu năm 2023, quý I/2024. 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, hàng trăm cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, các cơ sở đào tạo báo chí cùng hàng ngàn phóng viên, nhà báo, người dân tham quan ngày hội lớn của người làm báo cả nước.
Xem thêm