Sức khỏe ảnh hưởng khi mải "chạy show" khai xuân
Rượu bia "kẻ thù" của sức khỏe
Như một thông lệ, mỗi dịp đầu năm, nhiều gia đình, công ty, hội nhóm tổ chức những bữa tiệc khai xuân để chào đón năm mới. Do đó, sau Tết, nhiều người vẫn phải tất bật “chạy show” vài bữa tiệc khai xuân đầu năm.
Ảnh minh họa |
Suốt nửa tháng nay từ trước và trong, sau Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Văn Chung (36 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) đi dự tiệc liên miên. Từ những bữa tiệc tất niên sát Tết cho đến những cuộc vui chúc Tết đầu năm họ hàng rồi nhóm bạn cho đến tiệc khai xuân ở công ty, anh đều có mặt đầy đủ.
Vốn có tiền sử cao huyết áp và mỡ máu cao, việc ăn nhậu liên miên khiến sức khỏe của anh diễn biến xấu đi. Anh Chung chia sẻ: “Ở nhà toàn ăn ít dầu mỡ, đồ luộc là chủ yếu. Giờ ăn tiệc từ bia rượu không thể thiếu cho đến những món ngon, nhiều đạm, như hải sản, thịt bò bơ, phô mai các loại. Ăn nhiều cũng thấy lo vì có bệnh lý phải kiêng”.
Thêm vào đó, nhậu nhẹt trên bàn tiệc vốn không xa lạ với nhiều người, cứ 10 bữa tiệc tất niên thì phải có đến 9 bữa không thể thiếu đồ uống có cồn. Đặc biệt “phái mạnh” thường xuyên uống bia rượu trong dịp này, gây tác động không nhỏ tới sức khỏe.
Anh Phan Trọng Khanh (44 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Do đặc thù công việc nên cứ dịp cuối năm và đầu năm là hầu như đi ăn uống gần như kín tuần. Sử dụng rượu bia nhiều, nhiều hôm không biết về nhà bằng cách nào. Sức khỏe cũng ảnh hưởng vì thấy mệt nhiều, đặc biệt là cơn đau dạ dày lại ghé thăm thường xuyên”.
TS.BS Ngô Chí Cương, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC phân tích: “Việc ăn uống dư thừa chất béo làm tăng triglyceride máu, tăng cholesterol toàn phần và cholesterol tỷ trọng thấp LDL - cholesterol. Đây là những tác nhân làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, cao huyết áp, bệnh mạch vành.
Đặc biệt đối với những người có sẵn các bệnh nền như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường, việc ăn uống quá độ sẽ khiến tình trạng bệnh diễn biến nặng nề hơn. Nhiều trường hợp tăng triglyceride máu, sau bữa tiệc thịnh soạn có thể xuất hiện viêm tụy cấp”.
TS.BS Cương nhấn mạnh, việc sử dụng rượu, bia lâu ngày sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng của cơ thể; uống quá nhiều rượu sẽ sinh ra các bệnh liên quan đến gan, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày và bệnh tim. Đó là những bệnh có tỷ lệ tử vong cao.
Sau khi uống rượu, nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đau đầu, đau bụng dữ dội, khó thở, tim đập nhanh, co giật... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi tránh để lại hậu quả khôn lường.
Bên cạnh đó, tình trạng “quá chén” trong các buổi tiệc tất niên cũng là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe. Bởi đây là nguyên nhân gia tăng các vụ tai nạn giao thông - hệ lụy dễ dàng nhận thất nhất khi lạm dụng đồ uống có cồn. Rượu, bia chứa nhiều chất kích thích có thể gây rối loạn tâm thần, hoang tưởng. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán người dân có nhu cầu đi xe nhiều hơn nên để bảo đảm an toàn, người dân cần tránh xa bia rượu khi lái xe.
Những phương pháp giải rượu bia hiệu quả
Vì vậy, để bảo đảm cơ thể được tỉnh táo, giảm mệt mỏi khi say, cũng như để tránh các hậu quả để lại, mọi người cần thực hiện ngay các cách giải rượu đơn giản, hiệu quả và dễ dàng thực hiện ngay tại nhà. Khi xuất hiện buồn nôn, nôn ói, khát, đầy bụng, mệt mỏi, nhức đầu... là những dấu hiệu cho biết cơ thể bạn đã say bia rượu.
Không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông |
Theo các chuyên gia y tế của Hệ thống Y tế MEDLATEC, mọi người cần được giải rượu ngay để tránh sự mệt mỏi kéo dài, nghiêm trọng hơn là những hậu quả khôn lường về bệnh lý liên quan đến gan, rối loạn tâm thần - hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, nhiễm độc, bệnh dạ dày và bệnh tim mạch... bằng việc thực hiện bằng các cách đơn giản và hiệu quả.
Đầu tiên là sử dụng các loại nước có sẵn trong gian bếp các tác dụng giải rượu nhanh gồm: Nước lọc vì khi say được uống nhiều nước, nồng độ cồn trong cơ thể sẽ loãng hơn và giảm thiểu các triệu chứng say, đào thải chất độc qua đường tiết niệu. Nước gừng tươi có tác dụng như bài thuốc giải rượu, có thể cho thêm ít mật ong vào nước gừng để có thể thúc đẩy quá trình chuyển hóa và nhanh chóng đẩy nồng độ cồn ra khỏi cơ thể.
Chanh có chứa nhiều axit, kết hợp với nước ấm giúp cho dạ dày hoạt động tốt hơn và giảm các triệu chứng thường gặp khi say. Ngoài ra, vitamin C trong chanh giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước, cân bằng miễn dịch. Nếu cho thêm vào nước chanh đó ít mật ong, muối, hoặc đường giúp gia tăng hiệu quả giải rượu.
Nước sắn dây, nước dừa tươi, trà xanh cũng là những thức uống giải rượu hiệu quả, dễ làm. Cháo trắng nấu loãng chứa nhiều nước, rất dễ ăn và giúp người say rượu bổ sung lượng nước đã mất, cũng như nhanh chóng lấy lại sự tỉnh táo.
Nếu đã áp dụng những bí quyết giải rượu trên nhưng cơ thể vẫn thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường như đau đầu dữ dội, đau bụng dữ dội, khó thở, tim đập nhanh, co giật... thì bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, theo dõi tránh để lại hậu quả khôn lường.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho bản thân và người xung quanh, chúng ta cần như tuân thủ quy định của Luật Giao thông là không điều khiển phương tiện giao thông khi sử dụng đồ uống có nồng độ cồn.