Lời cảnh tỉnh từ những hành vi lệch lạc, đua xe trái phép
Đường đua của “quái xế”, nỗi đau cho người ở lại Bài 2: Vì sao nạn đua xe lộng hành? Bài 3: Xử lý dứt điểm tình trạng đua xe tại Hà Nội |
Từ tìm kiếm cảm giác mạnh đến hành vi lệch lạc
Thời gian gần đây, tình trạng thanh thiếu niên đua xe trái phép trên đường phố Hà Nội ngày càng diễn ra phức tạp và nguy hiểm, đặc biệt vào ban đêm tại các khu vực trung tâm thành phố như Trần Hưng Đạo, Bà Triệu hay Láng Hạ.
Các nhóm đua xe này thường tổ chức theo đội, di chuyển với tốc độ cao, liên tục bấm còi và lạng lách, đánh võng.
Các đối tượng gây tai nạn khiến cô gái sinh năm 2005 tử vong tại phố Lý Thường Kiệt đã bị lực lượng chức năng nhanh chóng xác định và triệu tập |
Vụ tai nạn khiến cô gái trẻ tử vong vừa qua là lời cảnh tỉnh không chỉ cho những thanh thiếu niên tham gia đua xe mà còn cho toàn xã hội về trách nhiệm trong việc giáo dục, quản lý và ngăn chặn những hành vi lệch lạc trong giới trẻ.
Thực trạng này nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp đồng bộ và toàn diện, từ gia đình đến nhà trường và cơ quan chức năng, nhằm xây dựng một xã hội giao thông an toàn và văn minh hơn.
Vô số tai nạn đã xảy ra nhưng nhiều thanh thiếu niên thậm chí còn coi đó là "chiến tích" để đi khoe khoang với bạn bè |
Trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc ngăn chặn vấn nạn đua xe trái phép không thể chỉ dựa vào xử phạt và răn đe. Mấu chốt là phải thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ, giúp họ hiểu rõ trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông, hệ quả nghiêm trọng mà hành vi đua xe trái phép có thể gây ra cho cả bản thân và xã hội.
Sự đồng lòng từ nhiều phía chính là chìa khóa để giải quyết triệt để vấn đề này, giảm thiểu tối đa những mất mát đau lòng tương tự trong tương lai.
Giải pháp ngăn ngừa từ gia đình, nhà trường và xã hội
Các chuyên gia cho rằng, để giảm thiểu vấn nạn đua xe trái phép trong thanh thiếu niên không thể chỉ dựa vào biện pháp xử phạt. Trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ Thủ đô, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ năng sống Văn hóa Việt cho rằng, đây là vấn đề đòi hỏi các cấp, ngành và toàn xã hội phải có những hành động mạnh mẽ và đồng bộ để ngăn chặn.
Chuyên gia Nguyễn Văn Thanh có nhiều năm kinh nghiệm tiếp xúc và làm việc với các bạn trẻ |
Khi được hỏi về nguyên nhân khiến nhiều thanh niên tham gia vào những hành vi đua xe trái phép nguy hiểm như vậy, ông Thanh cho biết, tình trạng này xuất phát từ nhiều yếu tố sâu xa, đặc biệt là sự thiếu hiểu biết và ý thức pháp luật ở một bộ phận giới trẻ hiện nay.
“Nhiều em chưa được giáo dục đầy đủ về các quy định pháp luật và những hậu quả có thể xảy ra từ hành vi đua xe, đến mức có em nghĩ rằng đua xe chỉ là một hình thức vui chơi.
Khi chưa hiểu hết mức độ nghiêm trọng của vấn đề, các em dễ bị cuốn theo cảm xúc và sự thách thức. Đó là lý do cần nâng cao ý thức pháp luật và nhận thức của các em từ giai đoạn đầu trong giáo dục”, chuyên gia Nguyễn Văn Thanh nhận định.
Cũng theo chuyên gia này, môi trường gia đình và xã hội cũng có ảnh hưởng rất lớn. Ông nhìn nhận: “Gia đình là nơi đầu tiên hình thành nhân cách và ý thức tuân thủ pháp luật cho các em. Tuy nhiên, một số gia đình thiếu sự quan tâm hoặc không có người lớn làm gương, thậm chí trong một số trường hợp, các em lớn lên trong môi trường không lành mạnh, dễ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Các yếu tố bên ngoài như mong muốn chứng tỏ bản thân trong nhóm bạn cũng thúc đẩy các em tham gia vào những hành vi nguy hiểm này”.
Một yếu tố nữa khiến thanh niên dễ sa vào những hành vi đua xe trái phép, theo ông Thanh là tác động từ mạng xã hội và văn hóa giải trí.
Ông Thanh lý giải: “Nhiều nội dung trên mạng xã hội hiện nay, vô tình hoặc cố ý, đang cổ vũ cho các hành vi nổi loạn, coi nhẹ hậu quả. Chúng tôi thấy những video thể hiện sự liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm như đua xe, đánh võng được rất nhiều người xem, chia sẻ, thậm chí ủng hộ. Khi các em bắt gặp những nội dung này sẽ dễ bị lôi cuốn vào những hành động tưởng chừng “ngầu” và nổi bật nhưng thực tế lại vô cùng nguy hiểm”.
An toàn giao thông, thượng tôn pháp luật là những điều giới trẻ cần tìm hiểu và tuân thủ chặt chẽ |
Trước thực trạng trên, ông Thanh nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp giáo dục an toàn giao thông cho thanh thiếu niên. Ông cho biết: “Giáo dục từ trong gia đình và nhà trường là nền tảng để định hướng cho các em.
Gia đình cần sát sao hơn trong việc quản lý và nhắc nhở, khuyến khích con em tham gia các hoạt động lành mạnh.
Nhà trường cũng cần đưa những buổi học về pháp luật giao thông vào chương trình chính khóa, tổ chức các buổi ngoại khóa để các em hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông”.
Ông Thanh cũng gợi ý thêm, các hoạt động thực tế, chẳng hạn như tham quan các trại tạm giam hay gặp gỡ những nạn nhân của tai nạn giao thông, có thể tác động mạnh đến tâm lý của các em, giúp các em hiểu rõ hơn hậu quả của hành vi đua xe trái phép. Những trải nghiệm chân thực này đôi khi hiệu quả hơn nhiều so với lý thuyết.
Các chiến dịch truyền thông có vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức của thanh thiếu niên về an toàn giao thông. Ông Thanh cho rằng, những thông điệp mạnh mẽ về hậu quả của đua xe trái phép sẽ dễ dàng tiếp cận giới trẻ hơn khi được truyền tải qua các nền tảng mạng xã hội, hoặc thông qua những nhân vật ảnh hưởng mà các em ngưỡng mộ.
Bên cạnh đó, ông đề xuất cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc để răn đe những hành vi vi phạm, chẳng hạn như phạt lao động công ích hay yêu cầu tham gia các hoạt động xã hội để giúp thanh thiếu niên hiểu rõ trách nhiệm của mình.
Ngoài ra, tầm quan trọng của việc xây dựng các sân chơi thể thao và câu lạc bộ lành mạnh, nhằm tạo ra không gian tích cực để thanh thiếu niên có thể phát triển thể chất và thể hiện bản thân mà không phải tìm đến các hành vi nguy hiểm như đua xe trái phép.
Đội mũ bảo hiểm, gương chiếu hậu, tuân thủ quy tắc an toàn giao thông cơ bản là những điều tất cả người dân cần tuân thủ |
“Xã hội cần kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm để răn đe, đồng thời xây dựng những sân chơi, hoạt động lành mạnh để thanh thiếu niên có thể giải trí và thể hiện bản thân một cách tích cực hơn. Bởi nếu không hành động ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến những vụ việc đau lòng tương tự. Điều đó là một mất mát không thể bù đắp được”, vị chuyên gia khẳng định.