Phòng, chống dịch Covid-19 tại các nơi công cộng: Vẫn còn tình trạng lơ là
Nhiều tiểu thương tại các chợ dân sinh vẫn lơ là trong phòng, chống dịch Covid-19
Bài liên quan
Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân không chủ quan trong phòng chống dịch
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại quận Hoàn Kiếm
Tặng 500 chai nước sát khuẩn cho học sinh, sinh viên quận Hà Đông
Bài 1: Nhiều chợ dân sinh vẫn “mặc kệ” dịch
Để ứng phó với dịch bệnh do vi rút Corona gây ra, các ngành chức năng và chính quyền địa phương của cả nước đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch tại các chợ dân sinh. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời, việc chấp hành các điều kiện về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chưa được nâng cao
Nơi tích cực, chỗ thờ ơ
Chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) được biết đến là khu chợ đầu mối lớn tại Hà Nội. Từ khi dịch bùng phát, Ban Quản lý chợ Đống Đa (đơn vị quản lý chợ Ngã Tư Sở) đã triển khai các biện pháp phòng dịch cho các hộ đang kinh doanh tại đây.
Cụ thể, Ban Quản lý đã phối hợp với công ty môi trường đô thị tiến hành dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc khử trùng toàn bộ chợ; các sản phẩm dư thừa thường xuyên được dọn dẹp, không có tình trạng tồn đọng rác thải tại các cửa hàng đang kinh doanh.
Ông Trịnh Ngọc Lâm, Trưởng ban Quản lý chợ Đống Đa, cho biết: Từ ngày 5/2, Ban Quản lý đã có các kế hoạch dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh và khử trùng nơi kinh doanh cho các hộ; tiến hành khử trùng vào tối ngày 9/2 khi các hộ kinh doanh đã đóng cửa để không ảnh hưởng đến việc buôn bán.
Trong suốt thời gian qua, thực hiện công văn chỉ đạo của thành phố, UBND quận, Ban Quản lý chợ đã tổ chức phát tờ rơi về các biện pháp phòng tránh, dịch Covid-19 cho các hộ kinh doanh; vận động, tuyên truyền người bán hàng trong chợ đeo khẩu trang, sử dụng nước rửa tay sát khuẩn. Hiện tại, chợ Ngã Tư Sở với khoảng 200 hộ kinh doanh, chưa ghi nhận tình trạng nghi nhiễm dịch nào.
Ông Lâm cũng cho biết thêm, theo ghi nhận của Ban Quản lý chợ, tình trạng khách nước ngoài, đặc biệt là khách đến từ Trung Quốc không có. Người dân từ vùng dịch cũng được Ban Quản lý nắm bắt thông tin để chủ động kiểm soát tình hình.
Trái ngược với khu chợ này, chợ Gia Quất (Thượng Thanh, Long Biên ) - một chợ nhỏ với quy mô vài chục hộ buôn bán lại gần như “lãng quên” công tác phòng, chống dịch. Xuống cấp, tối tăm, các gian hàng rau, thịt, tạp hóa, hàng ăn... đan xen khiến nơi đây tiềm ẩn nhiều nguy cơ về dịch bệnh.
Nhiều tiểu thương, người buôn bán chưa chủ động phòng dịch |
Theo ghi nhận của phóng viên, xung quanh và trong khu chợ không có tờ rơi tuyên truyền hay cảnh báo dịch bệnh. Chị Lê Thu Nga (ở Gia Quất, Thượng Thanh, Long Biên) cho biết: “Chợ đã xuống cấp, bình thường vốn không được vệ sinh thường xuyên nhưng vì nằm trong khu dân cư nên khá tiện lợi cho việc mua bán. Từ khi có thông tin về dịch bệnh Covid-19, tôi cũng hạn chế vào chợ mua hàng vì cảm giác không an toàn”.
Theo quan sát của phóng viên, chợ Gia Quất nằm đối diện với trường Tiểu học Gia Quất. Nếu chẳng may bùng phát dịch thì học sinh đi học trở lại sẽ vô cùng nguy hiểm.
Tình trạng trên cũng được ghi nhận ở chợ Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội). Khu chợ với nhiều hàng rong, lại nằm gần các khu tập thể xuống cấp dễ phát sinh dịch bệnh. Tuy nhiên, trong chợ không có các áp phích, poster tuyên truyền người dân phòng dịch Covid-19.
“Dân không mua hàng, tiền đâu đầu tư khẩu trang”
Dù đại diện Ban Quản lý chợ Đống Đa khẳng định người buôn bán có ý thức rất cao về công tác phòng dịch, tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, tại chợ Ngã Tư Sở, từ khu bán hàng thời trang đến khu vực hàng tươi sống vẫn bắt gặp những người bán hàng không đeo khẩu trang, sử dụng gang tay khi bán hàng.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt, chủ quầy bán hàng thời trang trong chợ Ngã Tư Sở chia sẻ: “Ban Quản lý chợ đã đến tận nơi tuyên truyền và khuyến cáo các hộ kinh doanh đeo khẩu trang, rửa tay, giữ gìn vệ sinh phòng chống dịch bệnh. Tuy vậy, thời điểm này khu chợ rất vắng khách nên tôi và một số người nhiều lúc không đeo”.
Chị Nguyễn Thị Nga, chủ quầy hàng bán rau tại chợ Nguyễn Quý Đức thì ngao ngán nói: “Tôi xem tivi, báo mạng nói nhiều về vấn đề đeo khẩu trang phòng dịch, Ban Quản lý chợ cũng đã nhắc nhở và khuyến cáo nhưng chỉ được một hai ngày đầu. Sau đó, họ cũng nản. Người dân e ngại ra ngoài từ khi dịch bùng phát nên tiểu thương cũng ế ẩm, ngao ngán chả muốn đầu tư mua khẩu trang đeo nữa”.
Tại chợ Linh Lang (phường Cống Vị, quận Ba Đình) trái ngược với hầu hết người dân vào chợ mua đồ đều đeo khẩu trang thì nhiều tiểu thương tại đây vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong việc bảo vệ sức khỏe trước dịch bệnh.
Tại khu vực bán hàng tươi sống, vẫn còn một số chủ hàng không đeo khẩu trang phòng dịch |
Nhiều tiểu thương tại đây cho biết, do chưa thấy ai ở khu vực này bị nhiễm bệnh nên cũng không lo lắm.
"Tôi ngồi ở chợ cả ngày mà đeo khẩu trang cũng thấy khó chịu, bất tiện. Trong khi đó, tôi thấy khách hàng đều đeo khẩu trang rồi thì thôi mình không đeo cũng được", một tiểu thương cho hay.
Việc lơ là trước dịch bệnh phần lớn do thói quen trong hoạt động buôn bán lâu nay. Nhiều người dân lo lắng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng ở chợ dân sinh, các biện pháp đảm bảo vệ sinh gần như không thay đổi. Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh nhưng không hề có biện pháp gì để hạn chế.
Theo khuyến cáo của WHO, để phòng ngừa lây nhiễm dịch Covid-19, quan trọng nhất là giữ tay và đường hô hấp sạch sẽ, đặc biệt ở nơi đông người.
Trước việc các tiểu thương ở chợ còn lơ là với các biện pháp phòng chống dịch bệnh, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, để tăng cường phòng chống dịch bệnh, nâng cao nhận thức của người dân và các hộ kinh doanh, chính quyền địa phương và Ban Quản lý các chợ cần tăng cường công tác tuyên truyền, đề nghị các hộ nâng cao tinh thần chủ động phòng dịch; phun tiêu độc khử trùng tại các chợ.
"Chính quyền các địa phương cần tuyên truyền, làm các khẩu hiệu để nhắc nhở người dân. Người bán hàng cần nhắc nhở những người đến mua và ngược lại thì mới có hiệu quả. Trong chợ, Ban Quản lý cần áp dụng phương pháp vệ sinh môi trường thật tốt", PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
(Còn nữa)