Nữ dân quân lấy vai mình làm giá súng đại liên bắn máy bay
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy chung vui Ngày hội Đại đoàn kết với người dân quận Thanh Xuân |
Người phụ nữ Thủ đô lấy thân mình làm giá súng
Bên cạnh tất cả những sự kiện oanh liệt gắn với chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, người viết lại muốn kể về một người phụ nữ hết sức bình thường và một hành động xảy ra trong khoảng khắc ngắn ngủi, mong manh.
Trong lúc bom rơi đạn nổ, lửa cháy ngút trời, máy bay của địch ù ù trên đầu, cô gái 21 tuổi Nguyễn Thị Ngoan (SN 1945, thôn Mai Hiên, xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội) đã có một quyết định mà người viết đánh giá là phi thường: Lấy thân mình làm giá súng để đồng đội đặt khẩu đại liên K57 bắn máy bay.
Bà Nguyễn Thị Ngoan lấy thân mình làm giá súng để bắn máy bay trong chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" |
Nói thêm về đại liên K57, đây là một vũ khí hạng nặng được của Liên Xô để bắn xe tăng hoặc máy bay. Súng được phát triển bởi Goryunov vào năm 1942 nhằm tay thế cho khẩu Maxim 1910. Súng này có trọng lượng khoảng 14kg, nếu đặt trên bánh xe thì tổng trọng lượng lên đến 41kg. Vì con số trọng lượng ấn tượng như thế, trên đường tìm đến nhà bà Ngoan, người viết đã hình dung rằng bà sẽ khá to lớn, mạnh mẽ nhưng chúng tôi đã nhầm to!
Ở tuổi 76, bà Ngoan ngày đêm phải chống chọi với chứng thoát vị địa đệm - hậu quả của năm tháng vất vả lao động trong nhà máy gạch. Cơ thể nhỏ bé của bà bị vẹo hẳn sang một bên, dáng đi lòng khòng xiêu vẹo. Hiện giờ, bà sống bình dị bằng thu nhập từ một tiệm tạp hóa nhỏ, chẳng mấy ai còn nhắc đến chiến công của bà trong những ngày Hà Nội ngập trong khói lửa của máy bay đế quốc đánh phá năm xưa.
Đại liên K57 được sử dụng để diệt xe tăng, bắn máy bay trong chiến tranh chống Mỹ (Ảnh: internet) |
Được hỏi chuyện cũ, bà Ngoan kể rành rẽ: “Năm 1965, trước tình hình đế quốc Mỹ leo thang ném bom phá hoại miền Bắc, chi ủy, chi bộ và ban chỉ huy xã đội Mai Lâm quyết định thành lập trung đội nữ dân quân. Chúng tôi gồm 33 người, chia làm 3 tiểu đội, trong đó 20 người còn son rỗi, 13 người đương có con mọn.
Là nông dân, vốn quen với cày cuốc hơn là chiến đấu, song, các chị em đều hết lòng vì nhiệm vụ. Chúng tôi được huấn luyện đầy đủ các khoa mục, xạ kích, cứu thương, lựu đạn. Đặc biệt, đơn vị còn thành lập tổ phá bom nổ chậm, tổ hợp đồng tác chiến với đơn vị tên lửa, pháo cao xạ, đội trực chiến súng K57 trên đê. Phải nói rằng, không khí khẩn trương, hào hùng ngày ấy là kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi và các chị em xã Mai Lâm”.
Phút quên mình làm nên lịch sử
Cụ thể về sự việc lấy thân mình làm giá súng, bà Ngoan nhớ lại như sau: “Tổ trực chiến của chúng tôi gồm 5 người, là bác Tỵ, bà Tùy, cô Phương, cô Lưu và tôi. Trận địa của chúng tôi đặt trên đê sông Hồng, đối diện bên kia sông là kho xăng Đức Giang, bên phải là bến phà Đông Trù, bên trái là Cầu Đuống.
Nhiệm vụ của chúng tôi là hợp đồng tác chiến với đơn vị tên lửa và đơn vị pháo cao xạ khiến chiến sự xảy ra. Hôm đó, khoảng 10h ngày 19/6/1966, máy bay Mỹ chia làm nhiều tốp đánh phá Hà Nội. Chúng dội bom xuống thị trấn Gia Lâm và cây xăng Đức Giang rất ác liệt. Bom rơi đạn nổ, khói lửa rực trời”.
Bà Ngoan được Chủ tịch nước tặng Huân chương Kháng chiến vì có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước |
Tại trận địa của phụ nữ Mai Lâm, súng K57 khạc đạn đỏ rực lên bầu trời nhằm xua bầy máy bay của địch. Họ vừa chiến đấu, vừa phải đối mặt với những mảnh bom, mảnh đạn vèo vèo bay tới. Đồng chí Phương, một thành viên trong tổ trực chiến, bị hai mảnh bom cắm sâu vào bụng, máu trào ra đỏ sậm chiếc áo nâu (chị được đưa đi cấp cứu, về sau phải cắt 15cm ruột).
Bà Ngoan kể: “Đang chiến đấu thì ban chỉ huy xã đội quyết định di chuyển trận địa tới vị trí cách đó khoảng 1.000m để có lợi thế bắn máy bay bổ nhào cắt bom. Thế là khẩu K57 nhanh chóng đươc tháo rời. Đồng chí Tùy kéo chân và càng súng, đồng chí Tỵ vác thân súng, đồng chí Lưu và tôi xách các hòm đạn. Chúng tôi đang di chuyển bỗng nghe đồng chí Bát (chính trị viên xã đội) hô dừng lại chiến đấu.
Lúc đó, chân và càng súng còn cách xa nhau. Không nghĩ ngợi, tôi bảo anh Tỵ: “Anh cứ đặt súng lên vai em mà bắn”. Tôi để miếng bạt lên vai trái, anh Tỵ kê súng lên, bắn liền 8 phát. Tiếng nổ khủng khiếp đập vào màng nhĩ khiến tôi gần như ngất đi nhưng lại bị kéo tỉnh vì sức nỏng bỏng rát từ đầu súng và cát tút phả vào gáy. Lũ máy bay lượn đi, chúng tôi lại tiếp tục di chuyển đến trận địa mới và chiến đấu”.
Khoảnh khắc quên mình để phục vụ chiến đấu, bà Ngoan không nghĩ gì đến công trạng hay những điều đao to búa lớn. Bà thật thà nói rằng “thời thế như vậy, ai cũng có thể làm như tôi”.
Nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt / Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Hành động bộc phát trong chiến đấu của bà Nguyễn Thị Ngoan chính là phút giây huy hoàng của cuộc đời bà, cũng là biểu thị cho tinh thần chung trong giai đoạn nhân dân cả nước quyết tâm chiến đấu, chiến thắng quân thù, bảo vệ Tổ quốc.
"45 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị, để lại những bài học vô cùng sâu sắc về phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Đặc biệt là tinh thần đại đoàn kết dân tộc, thế trận chiến tranh Nhân dân, phòng không Nhân dân vững chắc, phát huy sức mạnh tổng hợp. Đối với tổ chức Hội Phụ nữ, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” góp phần khẳng định một lần nữa sức mạnh to lớn của các tầng lớp phụ nữ Thủ đô, sức sống mãnh liệt của phong trào “Ba đảm đang”; Khẳng định truyền thống tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. Phong trào Phụ nữ “Ba đảm đang” mãi là niềm tự hào, mốc son chói lọi trong những trang sử vẻ vang của phong trào phụ nữ Thủ đô và cả nước", bà Trần Thị Phương Hoa, Bí thư Quận ủy Cầu Giấy, nguyên Chủ tịch LHPN Hà Nội chia sẻ. |