Nhức nhối tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm khu vực trường học
Nỗi lo thực phẩm "bẩn" từ các chợ dân sinh Hà Nội tập trung hậu kiểm và kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm Cảnh báo ngộ độc các loại rượu thuốc, rượu ngâm |
Rẻ, tiện nhưng mất vệ sinh
Nhiều sinh viên, học sinh đã quen với khung cảnh những xe đẩy, hàng quán vỉa hè quanh khu vực trường học. Những chiếc xe này bày bán tràn lan những loại thực phẩm không rõ nguồn gốc. Chỉ với giá từ 2.000-15.000 đồng, những “xiên bẩn” hay món cóc dầm, xoài lắc được bày bán trên những chiếc xe này đang tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc khôn lường.
Vào giờ tan tầm tại khu vực phố Chùa Láng, không khó để chứng kiến nhiều học sinh đang tụ tập quanh những hàng quán lề đường. Những quán rong di động bày bán đủ loại món ăn nhanh, chủ yếu là đồ chiên rán như: Cá viên chiên, xúc xích, bỏng ngô, xôi, thịt xiên nướng và hàng loạt bánh kẹo đóng gói bao bì tiếng nước ngoài ... không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Chiếc chảo dầu đen kịt với lượng mỡ chiên rán được tái sử dụng rất nhiều lần vẫn cho ra những chiếc xúc xích, bánh crep... thơm phức, phục vụ nhu cầu của các bạn trẻ. Loại đồ ăn cổng trường này mang đặc điểm chung rẻ, tiện nhưng lại mất vệ sinh.
Những chiếc xiên que nhìn rất hấp dẫn nhưng rất mất vệ sinh khi được bày bán ngoài vỉa hè, đường phố |
Cụm từ "xiên bẩn" là thuật ngữ giới trẻ dùng để chỉ các món ăn vặt như cá viên, thịt viên, xúc xích, nem chua... được chiên trong dầu sôi và cố định bằng que xiên nhỏ, nhọn. Các loại viên chiên được dùng để xiên bao gồm xúc xích, chả cá, bò viên, heo viên... nhưng không rõ nguồn gốc, không có thông tin về ngày sản xuất và hạn sử dụng và thường được đóng gói trong túi nilon sơ sài.
Có thể thấy rõ, chủ của những xe hàng rong này không mấy khi đeo bao tay để chế biến thực phẩm. Những chiếc xe đẩy đồ ăn, thực phẩm này cũng không được bảo quản, che đậy đồ ăn khỏi khói bụi. Không chỉ vậy, những xiên nhọn cũng được “tái sử dụng” cả chục lần.
Bạn N.P.T.H (sinh viên Học viện Thanh thiếu niên) cho biết: “Em đã bỏ ăn “xiên bẩn” từ 2 tháng trước sau khi chứng kiến chủ quán đi nhặt lại các xiên que trên bàn, vương vãi dưới đất mà khách bỏ lại rồi đem vào trong rửa bằng nước xà phòng để tái sử dụng cho những lần sau.
Không nói đến hóa chất trong xà phòng có thể ngấm vào gỗ tre mà chính việc tái sử dụng và quy trình “tẩy rửa”, chế biến món ăn của họ cũng khiến em liên tưởng đến cả trăm nghìn vi khuẩn, vi rút đang bám dính trên những đồ ăn đó; Quả thật rất đáng lo ngại”.
Những chiếc xiên que mất vệ sinh |
Theo ghi nhận của phóng viên, trời nóng, bụi bặm, những chủ tiệm vẫn miệt mài đổ từng bao đồ 3 không (không bao bì, không hạn sử dụng, không rõ xuất xứ) ra chậu lớn cùng thau nước sốt pha sẵn. Khi được hỏi những “xiên bẩn” này làm từ nguyên liệu gì, chủ một cửa hàng ăn vặt trên phố Chùa Láng chỉ biết lắc đầu và cười trừ và nói: “Yên tâm, ăn không ngộ độc đâu mà sợ, bao nhiêu đứa ăn rồi”.
Cần nâng cao kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh, sinh viên
Ở khắp các cổng trường trên địa bàn Hà Nội, hàng rong bày bán loại thức ăn như vậy xuất hiện rất phổ biến. Đặc biệt là vào thời điểm tan trường và giải lao, học sinh thường tìm đến những món ăn vặt này để làm bữa phụ hoặc "giải quyết" cơn đói.
Tuy nhiên, do không rõ nguồn gốc và quy trình sản xuất, thức ăn này có thể chứa các chất phụ gia và chất bảo quản gây hại. Việc sử dụng dầu chiên nhiều lần cũng tăng nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa và sức khỏe nói chung.
Nhiều bạn trẻ vẫn tụ tập tại các xe lưu động bán "xiên bẩn" vì thói quen ăn uống và giá thành rẻ |
Ngoài ra, với những đồ dùng, dụng cụ mất vệ sinh, vi khuẩn có thể phát triển nhanh chóng trên thức ăn, dễ dàng gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Hình ảnh quen thuộc tại các khu vực cổng trường học mỗi giờ giải lao, tan tầm |
Anh Ngô Hoàng Trung Kiên (ở quận Ba Đình) cho biết: “Con trai tôi đi học thêm ở khu vực Chùa Láng. Mỗi lúc tan học, con vẫn liên tục đòi ăn những thực phẩm chiên rán kia nhưng tôi không cho phép.
Phần vì đồ chiên rán không có lợi cho sức khỏe trẻ em, hơn nữa quy trình chế biến và yếu tố đảm bảo an toàn thực phẩm của các hàng quán tại khu vực này khiến tôi hết sức lo lắng. Nguy cơ con bị ngộ độc hay dị ứng nếu ăn phải thực phẩm mất vệ sinh như thế sẽ rất cao".
Thiết nghĩ, để giải quyết triệt để tình trạng các quán hàng rong tại cổng trường học, nhà trường và gia đình cần nâng cao giáo dục ý thức cho học sinh; Tăng cường kiến thức về an toàn thực phẩm, giúp các bạn trẻ tránh xa mầm bệnh từ những quán hàng vỉa hè không đảm bảo vệ sinh này.