Nhếch nhác tình trạng giết mổ gia cầm ở chợ cóc, chợ tạm
Gia cầm được bày bán, giết mổ ngay tại khu chợ ven đường quốc lộ 6, gần khu vực cầu Mai Lĩnh (quận Hà Đông)
Bài liên quan
Dịch cúm gia cầm A/H5N6 bùng phát ở 4 tỉnh, thành phố
Hà Nội chủ động các phương án ứng phó với dịch cúm gia cầm
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Dù đã cảnh báo trước nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm từ việc giết mổ gia cầm tại chỗ nhưng tại các khu chợ dân sinh của Thủ đô, tình trạng này vẫn đang tiếp diễn.
Theo ghi nhận của phóng viên, không khó để bắt gặp những hình ảnh nhếch nhác, mất vệ sinh tại khu vực bán các loại gia cầm. Thực trạng chung của các khu giết mổ này là gia cầm được bày bán và giết mổ ngay tại chỗ nếu như khách hàng có nhu cầu.
Để nắm rõ hơn tình trạng giết mổ gia cầm tại một số khu chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội, phóng viên tìm đến một khu chợ họp ngay sát chân cầu Mai Lĩnh (quận Hà Đông).
Khu chợ dân sinh này tụ tập sát lòng đường, hầu hết người mua gia cầm tại đây đều có nhu cầu được giết, mổ thịt sẵn. Để đáp ứng nhu cầu của khách, những người bán hàng giết mổ gia cầm ngay tại nơi bán, ngay sát bên những chiếc lồng nhốt gia cầm.
Theo quan sát, gà, vịt sau khi được khách lựa chọn sẽ được tiểu thương cắt tiết tại chỗ và cho vào một nồi nước sôi vẩn đục. Gia cầm sau nhúng vào nước nóng được các tiểu thương đặt ngay xuống nền đất để làm lông và mổ.
Phần lông, nội tạng được vứt vương vãi trên nền đất, nước thải chảy khắp đoạn vỉa hè thậm chí tràn xuống cả lòng đường. Nước thải không có chỗ thoát khiến cho nơi đây những ngày mưa bốc mùi xú uế, thu hút những loài sinh vật gây hại như ruồi, muỗi đến trú ngụ.
Sự nhếch nhác, mất vệ sinh đó không chỉ diễn ra tại khu vực chợ chân cầu Mai Lĩnh mà còn diễn ra ở nhiều khu chợ tạm khác. Đoạn đường Tố Hữu (khu vực lòng đường cạnh nghĩa trang Dương Nội thuộc địa phận phường Dương Nội, quận Hà Đông), đang bị một số tiểu thương biến thành khu chợ nhỏ bày bán đầy đủ các mặt hàng rau, củ, quả, gia cầm...
Tại đây người bán hàng vô tư giết mổ gia cầm ngay trên vỉa hè. Do họp chợ không đúng nơi quy định nên nguồn nước các tiểu thương sử dụng để rửa thực phẩm được lấy theo từng xô, chậu. Nguồn nước không thuận tiện nên các tiểu thương thường sử dụng một chậu nước để rửa chung cho nhiều lần giết mổ. Sau mỗi buổi họp chợ, tất cả các loại rác thải được tiểu thương vứt bừa bãi ngay ven đường, bốc mùi nồng nặc, ruồi nhặng vây quanh.
Thực trạng trên cũng đang diễn ra tại một số khu chợ trên địa bàn huyện Thanh Trì, quận Thanh Xuân và nhiều khu chợ truyền thống trên địa bàn Thủ đô.
Chia sẻ về lý do lựa chọn gia cầm được giết mổ tại chỗ thay vì đến các siêu thị và cơ sở có giấy phép, chị Trần Thị Nhàn (sinh sống tại phường Yên Lạc, quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Tôi thường mua gà, vịt ở chợ và nhờ họ mổ luôn tại chỗ. Trong khi chờ họ mổ thì mình có thể đi mua các thực phẩm khác như rau củ quả. Khoảng chục phút, họ đã làm xong gà, tôi chỉ việc qua lấy. Mua gà ở chợ vừa tiện mà lại rẻ”.
Đồng quan điểm với chị Nhàn, bà Phạm Kim Dung (ở phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) cho hay: “Ở đâu cũng vậy, bất kỳ nơi nào bán gà, họ sẽ mổ cho mình luôn. Mình được chọn gà sống và được chứng kiến họ làm nên không lo bị tráo gà, mỗi con chỉ mất 10.000 - 15.000 đồng tiền công mổ. Như vậy, mình đỡ phải về nhà làm vì rất chật chội. Cùng với đó, nếu làm không quen thì mất khá nhiều thời gian, công sức”.
Trái ngược với suy nghĩ của bà Dung, chị Nhàn, dù nhà ngay sát chợ dân sinh nhưng nhiều năm nay, anh Lê Anh Thạch (ở quận Đống Đa) thường tìm đến các siêu thị để mua các loại thực phẩm tươi sống.
Anh Thạch chia sẻ: “Mình chỉ mua rau hoặc một số đồ gia vị ở chợ, còn những thực phẩm tươi sống thì thường vào siêu thị mua. Dù gà, vịt ở ngoài tươi, giá rẻ hơn siêu thị nhưng mình không biết rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, dịch bệnh H5N6 đang diễn biến phức tạp, do vậy, mình chỉ tin tưởng những nơi có giấy phép kinh doanh để đảm bảo sức khỏe cho gia đình”.
Tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia cầm vẫn được giết mổ tại chỗ, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, việc xử lý các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý chung của các cấp địa phương. Nếu các tiểu thương, hộ gia đình vi phạm thì phải bị xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, quá trình xử phạt vẫn gặp vướng do hầu hết hiện tại đều là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và chính quyền chưa vào cuộc xử lý triệt để.
Cùng với đó, những năm qua, hoạt động quản lý các cơ sở giết mổ gặp không ít khó khăn. Ví dụ như về quy hoạch giết mổ đã được thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2012, song sau 7 năm triển khai thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế.
Đặc biệt là sự thay đổi về cơ cấu ngành Nông nghiệp chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các địa phương, địa điểm quy hoạch được phê duyệt bố trí chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại địa phương nên số lượng các cơ sở giết mổ được hình thành đi vào hoạt động theo quy hoạch còn thấp.
Chia sẻ những giải pháp khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định: “Trong thời gian tới, để hoạt động giết mổ gia cầm tại chỗ không tiếp diễn thì cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp. Cụ thể như, xây dựng “Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung”.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng công nghệ tiên tiến đồng bộ trên thế giới; các cơ sở giết mổ tập trung gắn với các chợ bán sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hiện có tại từng địa phương nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển của thành phố và phù hợp với tình hình thực tiễn tại các huyện.
Các địa phương cần ưu tiên bố trí quỹ đất dành cho việc triển khai xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn theo quy hoạch, đảm bảo thuận tiện trong việc gắn kết cơ sở giết mổ với vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Các địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; có lộ trình và giải pháp đưa các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ, không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và môi trường vào giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khá nhiều chợ truyền thống. Tuy nhiên, việc quản lý chợ truyền thống tại các quận huyện vẫn chưa được chặt chẽ.
Ông Sơn khuyến cáo, người tiêu dùng khi có nhu cầu mua thực phẩm thì nên đến những nơi có sự quản lý của cơ quan chức năng và cơ quan chuyên môn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của chính mình và người thân.