“Người thân đặc biệt” từ vụ án oan của ông Hàn Đức Long
Những bài viết ấy được bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Long, gửi kèm theo đơn kêu cứu đến các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ. Sự ghi nhận của bà Mai, cộng với quá trình đi lại rất nhiều lần tới nhà của ông Hàn Đức Long khiến phóng viên có thêm một số người thân vô cùng đặc biệt.
Lần đầu gặp nhân vật, dù đã viết 20 bài báo
Ông Hàn Đức Long (trú tại thôn Yên Lý, xã Phúc Yên, huyện Tân Yên, Bắc Giang) đã 4 lần bị tòa án (cấp sơ thẩm 2 lần, cấp phúc thẩm 2 lần) tuyên án tử hình mặc dù tại các phiên tòa ông đều kêu oan. Năm 2014, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao đã xét xử giám đốc thẩm lần hai đối với vụ án này và tuyên hủy cả bản án hình sự sơ thẩm lần hai và phúc thẩm lần hai; Yêu cầu điều tra lại để làm rõ 6 vấn đề còn mâu thuẫn.
Sau đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang không làm rõ được các vấn đề này nên không đủ căn cứ buộc tội. Vì vậy, đến ngày 20/12/2016, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã đình chỉ vụ án và trả tự do cho ông Long.
Niềm vui ngày đoàn tụ của cựu tử tù Hàn Đức Long |
Ấn phẩm Tuổi trẻ và Đời sống đã có rất nhiều bài viết về những oan sai trong vụ án ông Hàn Đức Long bị tuyên tử hình vì tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”. Chính vì thế, khi ông Long được trả tự do, phóng viên đã nhận được “ưu ái” đặc biệt, đó là dự bữa cơm chúc mừng của gia đình ông thết đãi họ hàng, anh em thân thiết.
Dù thời điểm cuối năm bận bịu, phóng viên vẫn vượt đường sá xa xôi để đến gia đình ông Long. Thực tế, tâm trạng của phóng viên không hoàn toàn là chung vui mà xuất phát từ sự hiếu kỳ tò mò: Nhân vật chính trong gần 20 bài báo của mình hình dáng như thế nào, tính cách ra làm sao?
Đó là lần thứ 6 phóng viên đến thôn Yên Lý, quen thuộc đến mức anh máy sát gạo đầu làng mở lời chào và lịch sự nhường cho một chỗ đỗ xe. Bữa ấy, sân nhà ông Long - bà Mai huyên náo ồn ào những tiếng cười nói, chúc tụng, trái ngược hoàn toàn với cảnh đìu hiu lặng lẽ mà bà Mai đã trải qua suốt 11 năm.
Khoảng thời gian cay đắng khi chồng ngồi tù, các con bỏ học, bỏ xứ, bà Mai còn phải đối diện với sự ghẻ lạnh của dân làng. Thậm chí, ai đó còn không ngại “tặng” cho vài viên gạch lên mái ngói nhà bà Mai mỗi lần bà đội đơn kêu oan cho chồng.
Ông Hàn Đức Long đọc bài báo đăng trên tờ Tuổi trẻ và Đời sống - ấn phẩm của báo Tuổi trẻ Thủ đô sau khi được thả tự do |
Ở giữa sân, ông Long và bà Mai cười rạng rỡ, sung sướng. Ngoài nước da tái tái do thiếu nắng và khuôn mặt hơi gầy gò, ông Long dường như khá khỏe mạnh, phấn khởi. Ông tỏ ra là người có học thức, nói chuyện gãy góc, đâu ra đấy. Người cựu tử tù ngồi đối diện với phóng viên, trong giọng nói không che giấu sự bồi hồi: “Sau từng ấy năm, mọi thứ thay đổi không nhận ra một cái gì nữa.
Hồi tôi “đi”, các con còn ít tuổi, cháu lớn nhà tôi là Hàn Thị Ly, sinh vào 9h15 phút ngày 28/2/1988, cháu thứ hai là Hàn Đức Trọng, sinh vào 3h31 phút, ngày 10/11/1989. Bây giờ, tôi về các con lập gia đình hết rồi. Tôi đã có cháu thế là mừng rồi!”.
Niềm vui của nghề
Bà Nguyễn Thị Mai có ấn tượng rất tốt với phóng viên. Trong quá trình kêu oan cho chồng, bà Mai đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều luật sư, các nhà báo và những vị lãnh đạo có tâm, có tầm.
Trong đó, phóng viên dành nhiều tâm sức tìm hiểu các chi tiết của vụ án, gặp gỡ nhân chứng, tiếp xúc với các luật sư (có vị đến thời điểm này đã không còn tại thế) và thực hiện nhiều bài báo. Như đã “khoe” từ đầu bài viết này, các bài báo đã được bà Mai trân trọng gửi kèm đơn thư cầu cứu gửi tới các cơ quan của Đảng và Nhà nước.
Phóng viên chụp ảnh với ông Long và bà Mai |
Trong buổi đầu phóng viên gặp gỡ trực tiếp ông Hàn Đức Long, bà Mai cũng không quên nhắc lại câu chuyện trên. Bà đưa cho ông Long xem các tờ Tuổi trẻ và Đời sống (ấn phẩm của báo Tuổi trẻ Thủ đô) mà bà cất giữ khá cẩn thận. Người cựu tử tù không khỏi trầm mặc khi đọc các bài báo. Trong đó, ông là nhân vật chính.
Hồi lâu, ông Long mở lời: “Về đến nhà hơn 19h ngày 20/12, đến bây giờ, đồng hồ đã chỉ sang 16h25 ngày 22/12/2016, tôi chưa ngủ nổi lấy 1 phút. Tôi rất muốn ngủ nhưng không tài nào chợp mắt được. Sung sướng và cay đắng nữa.
Tôi nói đây bằng nước mắt của người hơn 11 năm ngồi sau song sắt, 7 lần ăn Tết cùm chân, tức là một chân bị cùm trong phòng biệt giam. Tôi rất hạnh phúc vì đã được về với gia đình. Sự tự do này là do vợ tôi đã không quản ngại khó khăn, vất vả, đồng thời, cũng là nhờ những nhà báo nhiệt huyết và các tờ báo bênh vực lẽ phải”.