Ngộ độc thực phẩm vì thói quen ăn "tái" các loại hải sản
"Rước bệnh" khi ăn hải sản sống
Những món ăn như cá sống, tôm sống, bạch tuộc sống…là những ăn được nhiều bạn trẻ ưa chuộng. Chính vì vậy, những món này được đưa vào thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn từ lớn đến nhỏ. Tuy nhiên, việc lựa chọn nguyên liệu cũng như cách chế biến không đúng cách sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe.
Nhiều thực khách có sở thích ăn các loại hải sản tái |
Hải sản tươi sống chứa thành phần dinh dưỡng cao, có khả năng kháng khuẩn tốt, nhưng nhiều loại chứa độc tố, gây dị ứng.
Đặc biệt, khi hải sản chết, vi khuẩn sẽ hoạt động mạnh, xâm nhập nhanh. Độc tố trong hải sản tiết ra nhanh, đồng thời men phân giải chất đạm hoạt động mạnh khiến chúng bị hỏng trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, nhiều người lại có sở thích ăn các loại hải sản tái mà không biết đây là thói quen cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây ngộ độc cao.
Bất cứ loại thủy hải sản nào cũng có thể chứa các nguồn vi sinh vật gây bệnh cấp tính, chúng cư ngụ chủ yếu trong nội tạng. Khi chế biến, do nội tạng có thể bị vỡ làm tràn dịch nội tạng kèm theo vi sinh vật nhiễm vào phần thịt của thủy hải sản.
Một số loại nhuyễn thể hai mảnh chứa sẵn vi khuẩn có hại hoặc các chất độc do chúng ăn một số loại tảo, hơn nữa do chúng sống vùng có nước và bùn nên không tránh khỏi bị nhiễm chất độc từ nguồn nước nuôi.
Ăn cua sống dễ ngộ độc là do trong thịt có chứa nang trùng. Loại ký sinh trùng này khi xâm nhập vào người sẽ phá hoại phổi dẫn tới ho, khạc ra máu, ngoài ra, một lượng nhỏ kí sinh xâm nhập lên não dẫn tới co giật thậm chí dẫn tới bại liệt.
Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng các loại gia vị ướp vào thủy hải sản và nước chấm cay có thể tiêu diệt hoàn toàn vi sinh vật trên thịt của cá, tôm và các thủy hải sản khác.
Thực tế các loại gia vị có chứa chất kỵ vi sinh vật cũng chỉ có thể làm hạn chế khả năng sinh trưởng của chúng mà không tiêu diệt được hoàn toàn. Khi ăn vào cơ thể, vi sinh vật gặp điều kiện thuận lợi sẽ tiếp tục phát triển và gây bệnh cho người tiêu dùng. Các loại gia vị không có khả năng diệt trứng của ký sinh trùng, không loại bỏ được chất độc tự nhiên có sẵn trong thủy hải sản.
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm nguy kịch
Ngộ độc hải sản có thể gây triệu chứng tiêu hóa như nôn, đau bụng đi ngoài, tiêu ra máu. Trường hợp nặng, nạn nhân có thể bị sốc, tử vong.
Tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, hàng năm đều ghi nhận số lượng các bệnh nhân ngộ độc hải sản tăng rõ rệt. Có trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc sau ăn ốc biển với biểu hiện giống với ngộ độc tetrodotoxin. Một số loài ốc “độc lạ” tương tự đã được ghi nhận ở các vùng biển ở các nước xung quanh như Trung Quốc.
Tháng 3/2021, một ngư dân 46 tuổi ở Thanh Hóa vừa được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng ngộ độc nặng, ngừng tim sau khi ăn cua mặt quỷ. Diễn biến ngộ độc cua mặt quỷ rất nhanh, có thể xuất hiện sau ăn trong vòng vài tiếng trở lại. Nhiều trường hợp bệnh nhân ăn ngoài biển, trên tàu, trên đảo, bị ngộ độc và khi đưa vào bờ thì không kịp cứu chữa, đã có trường hợp tử vong trên đường tới bệnh viện.
Khi xâm nhập vào cơ thể, độc tố này gây liệt tất cả các cơ, ban đầu có biểu hiện tê bì môi lưỡi chân tay, sau đó là liệt tất cả các cơ, đồng tử giãn, có thể co giật, tụt huyết áp, loạn nhịp tim. Phần lớn những trường hợp tử vong là suy hô hấp do liệt các cơ.
Theo TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, khi nghi ngờ bị ngộ độc hải sản, xử lý các bước sơ cứu nhanh như cho uống Oresol thay nước theo nhu cầu (khi khát) hoặc uống nước canh rau, nước quả, nước khoáng; gây nôn; Gọi cấp cứu hoặc nhân viên y tế, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Bác sĩ Nguyên cũng đưa ra khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ ngộ độc, người dân tuyệt đối không nên ăn các loại cua mặt quỷ, hải sản “lạ”, kỳ dị, hình hài khác thường chỉ nên ăn các loại hải sản, cua, mực, tôm, ghẹ… quen thuộc.
Ngoài ra, do môi trường biển bị ô nhiễm, nhiều loài hải sản đánh bắt tự nhiên trở thành “kho chứa độc”. Trong thịt cua ở những khu vực nước bị ô nhiễm, các nhà khoa học thấy nhiều nhất là 2 loại độc tố Dioxin và PCBs (Polychlorinated biphenyls), gây phát ban ở da, suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn thần kinh, làm tổn thương gan, làm tăng nguy cơ ung thư, thậm chí tăng nguy cơ sinh con khuyết tật bẩm sinh ở phụ nữ mang thai, và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ.
Nên làm chín các loại hải sản thay vì ăn "tái" |
Ngoài ra, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là thực hiện ăn chín uống sôi. Bởi hầu hết giun sán, trứng hay ấu trùng của hải sản đều bị tiêu diệt bởi nhiệt độ nước sôi trong thời gian nấu chín hải sản.
Mọi người cần tuyệt đối tránh ăn hải sản mới chỉ chín tái. Khi mua hải sản, không nên mua tôm, cua, sò, ốc, hến... đã chết. Bởi hải sản chết càng lâu, lượng histamin sinh ra càng nhiều, khi ăn vào càng dễ bị dị ứng, ngộ độc, rất nguy hiểm.