Băn khoăn thẩm quyền cấp xã được cắt điện, nước công trình vi phạm
Phường Vĩnh Tuy: Không tự tháo dỡ phần vi phạm sẽ bị cưỡng chế Xử phạt 2 công trình vi phạm khoảng cách an toàn điện Huyện Sóc Sơn kiên quyết xử lý nghiêm công trình vi phạm gây xói lở đất |
Chiều 14/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định việc áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước trên địa bàn TP Hà Nội (thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô).
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị |
3 nhóm công trình áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cấp điện nước
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho hay, ngày 22/7/2024, UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủ đô, trong đó nội dung xây dựng dự thảo Nghị quyết của HĐND TP cụ thể hóa quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 33 về áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn Hà Nội là một trong những nội dung được giao quy định chi tiết theo Luật Thủ đô cần ban hành trước ngày 1/1/2025 để có hiệu lực cùng với Luật.
Thời gian qua, vi phạm trên địa bàn TP về trật tự xây dựng, đất đai, phòng cháy chữa cháy ngày càng phức tạp. Công tác thanh, kiểm tra, xử lý của cơ quan có thẩm quyền dù đã được chú trọng nhưng ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cá nhân, tổ chức còn rất hạn chế, lợi dụng kẽ hở pháp luật để thực hiện vi phạm. Với các công trình hay dự án đầu tư xây dựng lớn, lợi nhuận thu được từ vi phạm đất đai, trật tự xây dựng, phòng cháy chữa cháy… cao hơn nhiều lần so với chế tài xử phạt, nên chủ đầu tư bất chấp quy định pháp luật. Trong khi, việc áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung và nhất là khắc phục hậu quả đã được áp dụng nhưng việc thi hành còn gặp nhiều khó khăn.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm góp ý vào dự thảo Nghị quyết |
Chính vì vậy, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết này sẽ góp phần ngăn chặn kịp thời và xử lý dứt điểm vi phạm hành chính, giúp việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính nghiêm minh, hiệu lực, bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp, tài sản của người dân, doanh nghiệp và bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Theo dự thảo, Nghị quyết gồm 11 Điều. Đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức quản lý sử dụng, sở hữu các công trình phải áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô; người có thẩm quyền áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ điện, nước và cá nhân, tổ chức có liên quan trên địa bàn Hà Nội.
Nghị quyết quy định rõ 3 nhóm công trình áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.
Đảm bảo nguồn nhân lực thực thi quy định
Tại hội nghị, góp ý vào dự thảo Nghị quyết của HĐND TP, các chuyên gia, nhà khoa học cơ bản bày tỏ đồng tình về sự cần thiết sớm ban hành Nghị quyết, đã có đủ cả cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.
Các chuyên gia cũng góp ý, làm rõ thêm một số điều còn băn khoăn về trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước cần được xem xét một cách khoa học, đồng bộ, cụ thể và chuẩn xác hơn theo định hướng Luật Thủ đô đã nêu.
Chuyên gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết |
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam băn khoăn với quy định “cắt điện nước các công trình sai quy hoạch” , bởi theo ông, quy hoạch là khái niệm rất rộng, Hà Nội đang thực hiện quy hoạch tích hợp (bao gồm cả không gian xây dựng và các ngành dịch vụ, văn hoá, du lịch…) dẫn đến trường hợp nếu không vi phạm quy hoạch xây dựng thì cũng vi phạm không gian văn hoá… Do vậy, cần làm rõ “sai quy hoạch” ở đây là gì? Trong quy hoạch đưa ra 10 định hướng về hạ tầng kỹ thuật. Vậy vi phạm về hạ tầng kỹ thuật cụ thể là như thế nào?
Về thẩm quyền áp dụng phân theo 3 cấp TP; quận, huyện; xã, phường theo TS Đào Ngọc Nghiêm là hợp lý. Tuy nhiên,TS Đào Ngọc Nghiêm băn khoăn liệu năng lực cán bộ có đủ để nhận diện được sai quy hoạch không và đề nghị xem xét lại thẩm quyền này.
Chung mối quan tâm về “thẩm quyền áp dụng”, ông Vũ Hào Quang, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tổng hợp và phân tích dư luận xã hội cho rằng: Hiện việc quản lý trật tự xây dựng cấp phường, xã còn nhiều bất cập; chưa tính đến quản lý trật tự xây dựng, ngay quản lý vỉa hè thôi cũng còn nhiều tồn tại.
“Phân cấp là cần thiết nhưng có nên trao cho lãnh đạo xã, phường khi trình độ còn chưa đủ, thậm chí còn yếu” - ông Vũ Hào Quang chia sẻ và nhấn mạnh thêm: Nghị quyết không đưa ra chế tài kiểm tra chéo, vì vậy sự phân cấp này cần bổ sung điều gì đó để kiểm soát việc thực thi ở cấp phường, xã rõ hơn.
Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương kết luận hội nghị |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định, theo dự thảo Nghị quyết, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã là rất lớn, nên cũng cần tạo điều kiện nhất là nguồn lực con người, để thực thi thẩm quyền bảo đảm kịp thời, chất lượng.
Hơn nữa, các khoản 2,3,4,5 trong dự thảo quy định thời hạn lập biên bản và chuyển lên người có thẩm quyền, cũng như thực hiện ra quyết định, thực hiện quyết định là quá dài (6-7 ngày), vì trong thời gian đó công trình vi phạm chắc chắn sẽ vẫn được tiếp tục thực hiện với tốc độ cao, sẽ gây ra hệ lụy lớn. Do đó, nên rút ngắn thời gian hơn để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm từ đầu, không để xảy ra nghiêm trọng hơn.
Mặt khác, với những công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp mà tổ chức, cá nhân đã được vận động thuyết phục nhưng vẫn không thực hiện di dời (khoản 8 Điều 3) cũng cần có thời hạn nhất định, ông Nguyễn Tiến Dĩnh đề nghị nghiêng về thực hiện cưỡng chế khẩn cấp chứ không chỉ ngừng cung cấp điện, nước, bởi liên quan tính mạng con người.
Tiếp thu đầy đủ các ý kiến trực tiếp tại Hội nghị cũng như ý kiến gửi về Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và khẳng định Ủy ban MTTQ TP Hà Nội sẽ tập hợp đầy đủ để gửi về cơ quan soạn thảo. Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP cũng đánh giá cao sự làm việc công phu, khẩn trương của Sở Tư pháp Hà Nội - cơ quan tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lựa chọn, tiếp thu những nội dung ý kiến phù hợp quy định pháp luật để hoàn thiện các văn bản. “Có rất nhiều bộ phận, lực lượng liên quan ở cơ sở có trách nhiệm trong khâu tổ chức thực hiện việc xử lý vi phạm hành chính. Chúng tôi sẽ tiếp tục có ý kiến đối với TP về tăng cường đào tạo nâng cao trình độ, trau dồi ý thức trách nhiệm của những lực lượng cán bộ liên quan”- đồng chí Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh. Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP cũng nêu rõ, sau khi Nghị quyết này được ban hành cần được đẩy mạnh tuyên truyền, không chỉ đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của TP mà cần có những hình thức tuyên truyền phong phú sát với các địa bàn dân cư.
|