Hướng dẫn truy vết người tiếp xúc với ca xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính
Đại diện Bộ Y tế cho biết, nhằm hướng dẫn cán bộ y tế truy vết người tiếp xúc với ca bệnh để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn không để dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng và trên cơ sở những kinh nghiệm có được từ việc ứng phó với các vụ dịch tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng và các địa phương khác trong thời gian qua, Bộ Y tế xây dựng sổ tay để phổ biến tới các cơ quan, địa phương thực hiện.
Theo hướng dẫn này, việc truy vết người tiếp xúc với ca bệnh để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch lây lan.
Ảnh minh họa |
Do đó, công tác truy vết phải thần tốc và triệt để, không được để sót người tiếp xúc. Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp tỉnh, huyện, xã, các cơ quan, đơn vị có liên quan huy động tối đa mọi nguồn lực đảm bảo cho công tác truy vết nhanh, hiệu quả.
Theo hướng dẫn này, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A do virus SARS-CoV-2 gây ra. Bệnh lây truyền từ người sang người. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 14 ngày.
Người mắc bệnh có thể có triệu chứng lâm sàng đa dạng: Sốt, ho, đau họng, người mệt mỏi, đau người, giảm hoặc mất vị giác và khứu giác, khó thở, có thể có viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý nền, mạn tính, người cao tuổi.
Đáng nói, có một tỉ lệ cao người nhiễm virus SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng (khoảng 40%) và có thể là nguồn lây bệnh trong cộng đồng, gây khó khăn cho việc giám sát và phòng chống dịch.
Hiện dịch Covid-19 vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Việc giám sát, phát hiện sớm, truy vết và khoanh vùng, cách ly nguồn lây sớm vẫn là biện pháp chủ yếu trong phòng chống dịch bệnh lây lan.
Việc truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính được thực hiện trên nguyên tắc: Tiến hành truy vết càng sớm càng tốt, ngay khi có thông tin ca bệnh; Xác định các “mốc dịch tễ” trước, sau đó mới truy vết đến từng người tiếp xúc; Sử dụng đồng thời nhiều lực lượng truy vết để tiến hành truy vết nhanh theo các “mốc dịch tễ” phát hiện được; Áp dụng nhiều biện pháp truy vết.
Các biện pháp có thể thu thập được các thông tin trùng lặp nhau nhưng bổ sung cho nhau, giúp truy vết người tiếp xúc một cách đầy đủ và có hệ thống; Đầu tư nguồn lực và thời gian để hoàn thành truy vết F1 trước trong thời gian sớm nhất; Việc truy vết F2 thực hiện sau khi đã cơ bản hoàn thành truy vết F1; Các “mốc dịch tễ” và người tiếp xúc gần F1 cần được truy vết trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế; Người tham gia truy vết khi thực hiện nhiệm vụ phải thực hiện các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.
Theo hướng dẫn này, F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2m với ca bệnh xác định trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của ca bệnh cho đến khi ca bệnh được cách ly y tế.
Khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường đầu tiên về sức khỏe mà bệnh nhân cảm nhận được. Đó có thể là một trong các triệu chứng sau: Sốt, mệt mỏi, đau người, gai người ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác, ho, đau họng...
Nếu là người lành mang trùng (người không có bất cứ triệu chứng gì) thì ngày khởi phát được tính là ngày lấy mẫu bệnh phẩm có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.
F2 là người tiếp xúc gần trong vòng 2m với F1 trong khoảng thời gian từ ngày đầu tiên F1 tiếp xúc với ca bệnh (kể từ 3 ngày trước khi ca bệnh khởi phát) cho đến khi F1 được cách ly y tế.
Mốc dịch tễ là địa điểm, sự kiện mà ca bệnh đã đi đến hoặc đã tham gia trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến khi bệnh nhân được cách ly y tế.
Sổ tay Hướng dẫn thực hành truy vết người tiếp xúc với người có xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính nêu rõ 5 bước truy vết F1. Bao gồm: Bước 1: Xác định các “mốc dịch tễ" Bước 2: Thông báo các “mốc dịch tễ" cho bộ phận điều phối truy vết (bộ phận điều phối) Bước 3: Triển khai truy vết F1 Bước 4: Rà soát và hoàn thiện danh sách F1 Bước 5: Tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm. |