Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy tô đỏ thắm trái tim MerryLand Quy Nhơn
Triển lãm tranh “Đi qua mùa thu” của 12 họa sỹ nghiệp dư cao tuổi |
Những cây cầu nhiều tâm huyết
Tọa lạc tại vị trí tuyệt đẹp ở mũi nam bán đảo Phương Mai, MerryLand Quy Nhơn nằm trọn trong thung lũng được ôm lấy bởi hai dãy núi Triều Châu chạy xuôi ra biển. Màu xanh diệp lục đầy sức sống của cây cối phủ lên các triền núi in hình uốn lượn mềm mại lên nền trời và ôm lấy bờ biển xanh ngọc đầy quyến rũ của đại dương. Hiếm có nơi nào như ở bán đảo Phương Mai khi khung cảnh hùng vỹ của biển trời và núi non hữu tình luôn mở rộng trong tầm mắt bạn, khiến bạn không muốn rời bước.
Cây cầu Trái tim ở MerryLand Quy Nhơn do họa sỹ Nguyễn Thu Thủy và các cộng sự thực hiện |
Tại khu vực trung tâm MerryLand Quy Nhơn nơi có hồ nhạc nước lớn nhất Đông Nam Á, một kênh đào lớn chạy ngang nối thông bốn kênh đào lớn chạy song song hướng ra biển. Các kiến trúc sư tập đoàn Hưng Thịnh đã khéo léo thiết kế các tòa Bizhouse chạy dài ôm lấy các kênh đào tạo nên khung cảnh thành phố rất lãng mạn nên thơ.
Tiếp theo sau quảng trường cầu chữ O mới hoàn thành trong tháng tư, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy và các cộng sự Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội đã dành nhiều tâm huyết hoàn thành cây cầu gắn gốm Mosaic thứ hai - cây cầu hình trái tim được gắn những cánh hoa hồng đỏ thắm cách điệu cuộn vào nhau đầy lôi cuốn.
Khi cây cầu hoàn thành, họa sỹ Thu Thủy xúc động chia sẻ: “Vào năm 2012 tôi đã đưa ra ý tưởng thiết kế và cùng các cộng sự công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội thi công Lá cờ Tổ quốc Việt Nam rộng 312m2 trên nóc tòa nhà hội trường đảo Trường Sa Lớn. Năm nay năm 2022, đúng 10 năm sau, chúng tôi lại có cơ duyên thực hiện một công trình gắn gốm lớn trên bề mặt tổ hợp 5 cây cầu hình chữ Y.O.U và hai cầu trái tim trên bán đảo Phương Mai.
Từ men màu gốm đỏ thắm của lá cờ Tổ quốc mang thông điệp về niềm tự hào dân tộc và khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương trên đảo Trường Sa đến những bông hồng cùng với men màu đỏ thắm chuyển các tones hồng nhạt mang thông điệp về tình yêu và hòa bình. Cả hai công trình đều có diện tích bề mặt lớn, đều phải dùng flycam mới có thể nhìn thấy hết công trình theo phương thẳng đứng. Cả hai công trình đều mang những thông điệp về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu biển đảo”.
Những người bạn của họa sỹ Thu Thủy trong chuyến đi thăm Trường Sa mới đây có chụp ảnh lá cờ Tổ quốc gắn gốm gửi họa sỹ Thu Thủy từ đảo Trường Sa. Họa sỹ Thu Thủy đã rất vui mừng và xúc động khi nhìn thấy hình ảnh lá cờ tổ quốc vẫn hiên ngang kiêu hãnh giữa biển trời xanh biếc.
Để tạo hình những cánh hoa hồng lãng mạn tại MerryLand trên bán đảo Phương Mai, họa sỹ Thu Thủy đã dành nhiều tình cảm và suy ngẫm về những câu chuyện lịch sử, về tình yêu Tổ quốc và ý chí đấu tranh cho những lý tưởng cao đẹp, về tình yêu đôi lứa, về cuộc đời và sự nghiệp của những người con ưu tú sinh ra và lớn lên trên mảnh đất võ trời văn Bình Định. Màu đỏ tươi thắm nhất trên những cánh hoa hồng cũng là màu men gốm đỏ thắm trên hàng triệu viên gốm mosaic đã tạo nên lá cờ Tổ quốc gốm sứ trên đảo Trường Sa Lớn.
Cờ tổ quốc gắn gốm lớn nhất trên đảo Trường Sa Lớn. |
Có một sợi dây tinh thần kết nối Lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940) ở tỉnh Mỹ Tho với màu đỏ cờ nghĩa của quân Tây Sơn từ năm 1773.
Trên trang thông tin điện tử của Đảng bộ tỉnh Bình Định viết: “Mùa thu năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn mở rộng căn cứ xuống vùng Tây Sơn hạ đạo, lấy ấp Kiên Thành, sinh quán các thủ lĩnh Tây Sơn làm đại bản doanh. Quân Tây Sơn chọn màu đỏ làm cờ nghĩa, lấy dân nghèo làm lực lượng đấu tranh và mục tiêu phục vụ, lấy công bằng xã hội làm phương châm”.
Có một chi tiết nữa cũng rất thú vị liên quan đến màu đỏ và màu vàng trong Địa chí Bình Định tập Lịch sử. Vào tháng 7 năm 1778, sứ giả Vương quốc Anh là Chapman được phép đến Thành Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc triều kiến, ông có mô tả lại như sau: “Khi vào trong cung điện, chúng tôi trèo lên 6 bậc thềm rồi tiến vào cung điện - nơi Hoàng đế ngự cùng triều đình. Cung điện được mở trống mặt tiền và hai bên, mái ngói dựng theo kiểu Đàng Trong và được nâng đỡ bằng hàng cột gỗ quý.
Phía sau là bức ngăn bằng cây và ngai vua cao hơn sàn nhà hai hay ba bậc thềm, trên là chiếc ghế bành sơn trang trí đầu rồng thếp vàng, nhà vua ngồi trên đó, trước mặt có cái bàn nhỏ với chiếc gối bằng lụa đỏ thêu hoa vàng”.
Rõ ràng không phải ngẫu nhiên nghĩa quân Tây Sơn chọn màu đỏ làm cờ nghĩa. Bởi đó là màu của năng lượng và ý chí mạnh mẽ. Cuộc sống của chúng ta vốn gắn với màu đỏ. Không có màu sắc nào cơ bản, nguyên sơ và gần gũi với cội rễ con người như màu đỏ.
Cuối thế kỷ 19, sĩ phu yêu nước Mai Xuân Thưởng, người gốc huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn) - lãnh tụ phong trào kháng Pháp ở Bình Định đã tập hợp lực lượng và chỉ huy nhiều trận đánh khiến quân Pháp kinh hoàng.
Vào tháng 6 năm 1887, ông bị địch bắt và xử chém. Trước khi bị hành hình, ông đã khảng khái đọc bài thơ: “Chết nào có sợ, chết như chơi/ Chết bởi vì dân, chết bởi thời/ Chết nghĩa danh thơm vọng mấy đời/ Đỏ lòe bia sách máu là son/ Rồi đây thoi ngọc đưa xuân tới/ Một nhánh mai già nảy rậm non”.
Suy ngẫm thật kỹ những câu thơ đầy khí phách của Mai Xuân Thưởng, ta càng thấy ý nghĩa màu đỏ thật đẹp biết nhường nào. Đó là màu của hy sinh và hồi sinh, màu của ý chí kiên cường không thể khuất phục, hiện thân của tinh thần thượng võ Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung.
Từ màu đỏ tươi rạng rỡ của cờ Tổ Quốc gốm sứ ở đảo Trường Sa năm 2012 đến những bông hồng đỏ thắm ở MerryLand Quy Nhơn trên bán đảo Phương Mai năm 2022 là hành trình đúng 10 năm đầy duyên nợ đối với họa sỹ Thu Thủy.
Năm 2015 chị thiết kế và hoàn thành công trình Đài phun nước Bông sen vàng ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng. Năm 2014 chị hoàn thành tác phẩm tranh gốm khổ lớn Hà Nội mùa Xuân và Hà Nội mùa thu ở tòa nhà Lotte nằm trên phố Đào Tấn. Năm 2016 chị tặng bức tranh gốm cho trường tiểu học Lê Ngọc Hân gần phố Bùi Thị Xuân ở Hà Nội.
Tinh thần lãng mạn trong từng tác phẩm
Thời thơ ấu họa sỹ Thu Thủy sinh ra và lớn lên ở căn nhà tập thể báo Nhân Dân của bố mẹ ở số 187 phố Tây Sơn và bức tranh phong cảnh màu nước đầu tiên chị vẽ là phong cảnh Gò Đống Đa. Những kỷ niệm đi xem lễ hội Gò Đống Đa vào sáng mồng 5 Tết hàng năm luôn sâu đậm trong tâm trí nữ họa sỹ.
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy chăm chút cho từng chi tiết của cây cầu Trái tim |
Chị nhớ mãi hình ảnh đẹp trong lịch sử đã được học: Mùa xuân Kỷ Dậu (1789), sau khi đại chiến quân Thanh, tiến quân vào Ngọc Hồi, vua Quang Trung cho người mang cành hoa bích đào vào thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân công chúa để báo tin vui chiến thắng. Cành bích đào đó được trồng trên chính vùng đất Nhật Tân - dinh Lẫm xưa. Sắc thắm đào bích gốc Nhật Tân đó cũng thấm đượm tinh thần lãng mạn trong những cánh hoa hồng gốm của họa sỹ Thu Thủy ngày hôm nay trên quê hương Bình Định.
Tinh thần lãng mạn từ câu chuyện lịch sử rất đẹp đó có lẽ đã truyền cảm hứng và ảnh hưởng nhiều đến tinh thần và tính cách của các danh nhân văn nghệ sỹ quê gốc Bình Định cũng như những danh nhân gắn bó cuộc đời với Bình Định. Nhà soạn tuồng nổi tiếng Đào Tấn sinh năm 1845 tại huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định - vùng đất anh hùng, giàu truyền thống văn hóa lịch sử, đồng thời là cái nôi của nghệ thuật Tuồng, bắt nguồn từ danh nhân, soạn giả tuồng Đào Duy Từ (cuối thế kỷ 17). Nếu như nền sân khấu Tuồng Việt Nam suy tôn Đào Duy Từ là ông tổ của Tuồng Việt thì người cháu 9 đời của ông là Đào Tấn được tôn vinh là “Hậu tổ”.
Sinh thời, Đào Tấn làm thơ, viết từ khúc và soạn tuồng hát bội nhưng xuất sắc hơn cả vẫn là sự nghiệp Tuồng. Suốt thời gian làm quan, ông vừa làm quan, vừa soạn Tuồng, cống hiến cho nghệ thuật tuồng gần 30 vở, trong đó nhiều vở còn diễn đến ngày nay là "Tam nữ đồ vương", "Sơn hậu", "Đào phi phụng"...
Văn tuồng của Đào Tấn lúc sinh thời, vua Tự Đức, một ông vua giỏi văn cũng phải ca ngợi là “Bút pháp như thần” và cho đến hôm nay cũng khó ai sánh kịp. Mỗi kịch bản tuồng của Đào Tấn là một tập thơ hay mà chúng ta có thể tìm thấy hàng trăm câu đặc sắc, vừa tả tình, vừa tả cảnh, có thơ, có nhạc và có họa.
Họa sỹ Thu Thủy có được may mắn được trải nghiệm cuộc sống trên bán đảo Phương Mai gần 7 tháng để thi công gắn gốm trang trí tổ hợp 5 cây cầu chữ Y.O.U và hai cầu trái tim tại thành phố bán đảo MerryLand Quy Nhơn. Chị đã vô cùng hạnh phúc được xem đoàn tuồng Đào Tấn Bình Định diễn vở “Quan Công hồi cổ thành” trong đêm hội cầu Ngư ở làng chài Nhơn Hải gần đó.
Chị xúc động tâm sự: “Để hiểu được vùng đất quy tụ anh tài Bình Định thì một chuyến đi ngắn ngày là không đủ. Nếu có dịp bạn hãy đến đây một thời gian và bạn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên cũng như tinh thần sâu sắc của lịch sử và con người nơi đây”.
Có những hôm mải mê thi công gắn gốm đến tối muộn, được ngắm ánh trăng tỏa sáng lấp lánh như dát bạc trên mặt biển và dịu dàng hạ thấp xuống đường cong uốn lượn của triền núi. Họa sỹ Thu Thủy đã thốt lên: “Không phải ngẫu nhiên mà miền đất này lại sinh ra ông hoàng thơ tình Xuân Diệu hay níu giữ thi sỹ tiên phong của dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam Hàn Mặc Tử” .
Trăng ở đây quá đẹp đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để Xuân Diệu gửi tâm tư lòng mình: “Chúng tôi lặng lẽ bước trong thơ/ Lạc giữa niềm êm chẳng bến bờ/ Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!/ Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ”.
Hay để Hàn Mặc Tử thổ lộ trong “Uống trăng”: “Ngông cuồng đi hái vần thơ/ Yêu đương, rót nước để chờ trăng lên/ Bóng Hằng trong chén nằm nghiêng/ Lả lơi, tắm mát, làm duyên gợi tình”.
Thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, Tập đoàn Hưng Thịnh tổ chức cho Nhân dân và du khách được thăm quan và xem nhạc nước miễn phí ở MerryLand Quy Nhơn. Mở màn buổi biểu diễn nhạc nước thường là màn múa võ Bình Định rất đẹp mắt và cuốn hút do các em học sinh Bình Định biểu diễn.
Vẻ đẹp của cây cầu |
Ngắm các em múa võ đi quyền uyển chuyển duyên dáng, họa sỹ Thu Thủy liên tưởng đến chuyển động của những cánh hoa hồng gốm trên cầu Trái tim: Những cánh hoa hồng mềm mại mỏng manh nhưng ẩn chứa trong đó một sức mạnh mãnh liệt bởi màu đỏ thắm tràn đầy năng lượng và niềm đam mê cháy bỏng, cũng như múa võ cổ truyền Bình Định thể hiện rõ tính liên hoàn, tinh tế, uyên thâm, kết hợp nhuần nhuyễn giữa cương và nhu, giữa công và thủ, giữa mạnh và yếu, giữa bên trong với bên ngoài.
Hàng triệu viên gốm nhỏ kết tinh từ đất, nước, lửa và không khí, được kết lại thành những cánh hoa hồng trải rộng đầy lãng mạn trên bề mặt cầu Trái tim thể hiện đúng tinh thần lãng mạn của vùng đất anh tài hội tụ.
Cuối tháng 7 này cuộc thi hoa hậu Quốc tế Việt Nam sẽ được tổ chức tại thành phố bán đảo MerryLand Quy Nhơn. Những bông hồng đẹp của đất nước sẽ quy tụ về đây để cùng nhau khoe sắc thi tài mang đến tinh thần lãng mạn của tuổi trẻ, tình yêu và sắc đẹp, tiếp nối niềm tự hào về quê hương anh hùng giàu truyền thống văn hóa nghệ thuật.
Cùng Trần Thế Vĩnh “Vọng” qua chân dung 51 nhân vật tài hoa của thế kỷ XX |
Đà Nẵng: Trao giải cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi năm 2021 |
36 tác giả Quảng Nam, Đà Nẵng gặp gỡ ở triển lãm “Hội ngộ” |