Chỉ rõ cái xấu là một cách ngăn chặn cái xấu!
Như mọi người đều biết, tham nhũng, tiêu cực xuất hiện ở tất cả các quốc gia khi có Nhà nước. Vấn đề ở chỗ, mức độ biểu hiện đến đâu, phụ thuộc vào đường hướng, cách thức, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế - xã hội của từng nước.
Khi chế độ phong kiến được thiết lập ở Việt Nam, vấn đề này đã xuất hiện và ngày càng phổ biến với nhiều dạng thức khác nhau. Mấy trăm năm trước, nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã lên án cái bệnh danh lợi trong xã hội lấy đồng tiền làm trọng: “Giàu sang người trọng, khó ai nhìn/ …Thuở khó, dẫu chào, chào cũng lặng/ Khi giàu, chẳng hỏi, hỏi thì quen/ Đạo nọ nghĩa này trăm tiếng/ Nghe thôi thinh thỉnh lại đồng tiền”.
Đến thời cụ Nguyễn Công Trứ thì có phần nặng nề hơn: “Thế thái nhân tình gớm chết thay/ Lạt nồng trong chiếc túi vơi đầy/ Hễ không điều lợi khôn thành dại/ Đã có đồng tiền dở cũng hay/ Khôn khéo chẳng qua ba tấc lưỡi/ Hẳn hoi không hết một bàn tay/ Suy ra cho kỹ chi hơn nữa/ Bạc quá vôi mà mỏng quá mây” (Nhân tình thế thái). Ở đời Đường (Trung Quốc) có tích viên quan Trương Diên Thưởng xử án lúc đầu có vẻ công minh, nhưng về sau thì “máu tham hễ thấy hơi đồng là mê” (Truyện Kiều)... Một lần gặp án, kẻ tội hối lộ 3 vạn quan, Trương gạt đi; đưa 6 vạn, gạt tiếp. Kẻ tội đưa 10 vạn, Trương cầm và nói “Tiền chí thập vạn khả dĩ thông thần” (Tiền đến mười vạn có thể thông được với thần linh)!
Trong cơ chế thị trường hôm nay ở nước ta, các vấn nạn như trên vẫn tồn tại, có mặt phát triển phức tạp, tinh vi. Bài thơ mới viết của thi sỹ Nguyễn Hồng Vinh, đề cập một số khía cạnh của các hành vi tiêu cực trong đời sống xã hội hiện nay, mang tựa đề “SAO CÓ THỂ DỬNG DƯNG?!”:
Sông kia có thể đo sâu, rộng
Lòng người thăm thẳm biết bao chiều
Những lời phỉnh nịnh mang gai sắc
Giả - thật giấu mình tựa như không?!
Bất ngờ ập đến từ quen thân
Tháng trước luôn đon đả “em - anh”
Tham vọng cá nhân không đạt đỉnh
Tháng sau quay ngoắt, gặp lặng thinh?!
Háo danh nên dùng mọi “độc chiêu”
Khoác “lông công” lừa thiên hạ
“Nước mắt” lọc lừa người nhân hậu
Muốn mong mãn nguyện, dạ hả hê?!
Bi kịch quặn lòng nối tháng năm
Qua cầu rút ván, mặt vênh vang
Thiên hạ tung hô lời có cánh
Ngỡ như mình đã nhất thế gian?!
Tiền tài - danh lợi xoắn xuýt nhau
Lương tâm - hàng hóa không ẩn giấu
Cái ác lộng hành diệt cái ngay
Sao có thể dửng dưng, khoanh tay?!
Cuối thu 2024
Bài thơ kiến tạo một thế tương phản gay gắt: giả/thật; quen/ thân, đon đả/ quay ngoắt, lặng thinh; lọc lừa/ nhân hậu; ác/ ngay… để làm bật ra cái nghịch lý của xã hội ta đang trên đà phát triển tiến tới văn minh, nhưng còn đầy rẫy cái xấu, cái ác ngăn trở, cản đường, mà chung quy là không ít người sống không trung thực, cơ hội và thực dụng, nhưng được che đậy bằng những lời nói và hành động ngược với đạo lý thông thường:
Sông kia có thể đo sâu, rộng
Lòng người thăm thẳm biết bao chiều
Háo danh nên dùng mọi “độc chiêu”
Giả - thật giấu mình tựa như không?!
Hai câu đầu thoát thai từ câu tục ngữ đã được đúc kết từ ngàn đời, mang tính chân lý: “Sông sâu còn có kẻ dò/ Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng”. Nhưng hai chữ “thăm thẳm” thích hợp hơn với hôm nay. “Thăm thẳm” vừa có chiểu sâu (sâu thăm thẳm), vừa có bề xa (xa thăm thẳm), bề rộng (rộng mênh mông thăm thẳm) rất khó đoán được tính chất. “Lòng người” thời hôm nay cũng vậy, có cái “nham hiểm” trong tục ngữ, nhưng được che chắn “thăm thẳm” nên thật khó xác định. Hai câu sau làm bổ ngữ nói rõ hơn điều này: “Những lời phỉnh nịnh mang gai sắc/ Giả - thật giấu mình tựa như không?!”. Cái hôm nay còn phức tạp hơn nhiều cái trong ca dao, tục ngữ!
Song, cái hôm nay khó lường hơn, vì từ cái “không ngờ”, vì thái độ ráo hoảnh của người chuyên lợi dụng “quen thân” để vun vén cá nhân, nhưng một khi không thực hiện được điều ấp ủ cao nhất, thì lập thức “phản thùng”:
Bất ngờ ập đến từ quen thân
Tháng trước luôn đon đả “em - anh”
Tham vọng cá nhân không đạt đỉnh
Tháng sau quay ngoắt, gặp lặng thinh?!
Vì sao có tình trạng ấy? Tác giả lý giải:
Háo danh nên dùng mọi “độc chiêu”
Khoác “lông công” lừa thiên hạ
“Nước mắt” lọc lừa người nhân hậu
Muốn mong mãn nguyện, dạ hả hê?!
Đó là căn bệnh “háo danh” đang diễn ra ở nhiều nơi. Vì bản chất là “giả”, nên phải “lừa” bằng cách khoác “lông công”, phải dùng mưu chước “nước mắt cá sấu”. Những người “háo danh” này “lừa lọc” bằng nhiều cách: lòe người bằng hình thức bề ngoài sặc sỡ, mỹ miều, gây ấn tượng; dùng động tác giả được tạo từ nội tâm gợi sự thương cảm (nước mắt)… Mục đích hèn hạ, đê tiện bên trong của họ là “mong mãn nguyện, dạ hả hê”.
Đó còn là những người thất đức, trái với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc:
Bi kịch quặn lòng nối tháng năm
Qua cầu rút ván, mặt vênh vang
Thiên hạ tung hô lời có cánh
Ngỡ như mình đã nhất thế gian?!
Thành ngữ “Qua cầu rút ván” rất gợi, chỉ mặt những người vô lương tâm, bỉ ổi, chỉ biết cái lợi cho riêng mình, mà quên hết cả những ai đã giúp mình, cả người đồng hành với suy nghĩ vô tư… Trớ trêu hơn, nhờ người khác trợ giúp, động viên mới có thành quả, vậy mà lập tức tỏ ra tự kiêu, tự mãn: “mặt vênh vang”, vì “tiểu nhân đắc chí”, tưởng mình đã là “nhân vật trung tâm” của đỉnh cao quyền lực ở đơn vị!
Trong cơ chế thị trường, thì chuyện: “Tiền tài - danh lợi xoắn xuýt nhau/ Lương tâm - hàng hóa không ẩn giấu” là điều dễ thấy, dễ hiểu. Nhưng nguy hiểm hơn, từ cái tình trạng ấy mà có cái phản chân lý: “Cái ác lộng hành diệt cái ngay”. Bằng cách nào để diệt trừ cái ác, cứu cái ngay? Câu thơ cuối chính là câu trả lời, cũng là lời hiệu triệu, là sự đánh thức lương tâm và nhân tâm: Sao có thể dửng dưng, khoanh tay?!
Trong cuộc hành trình diệt cái xấu, cái ác để bảo vệ, vun đắp cái tốt tươi, Bác Hồ chỉ rõ: Một Đảng mà giấu khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính. Đối với các nhà báo, Bác căn dặn: các cô, các chú phải là chiến sĩ xung kích trong sự nghiệp phò chính, trừ tà!
Chúng ta càng thấm thía câu nói nổi tiếng của nhà bác học Albert Einstein: “Thế giới không bị hủy diệt bởi những kẻ làm điều ác, mà bởi sự im lặng của những người tốt”!?
Khi đã hiểu, đã thấm cái đắng đót của các hành vi phản văn hóa, cả xã hội hãy chung tay hành động, tạo thành sức mạnh tổng hợp gạt bỏ cái xấu, cái ác, để đất nước ta tiến về phía trước, sớm có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc!
Với ý nghĩa đó, bài thơ của Nguyễn Hồng Vinh có giá trị thời sự - chính trị sâu sắc.
Tháng 10/2024
N.T.T