Họa sĩ Trần Lưu Mỹ và những "Khoảng trống" trong tâm hồn
VCCA giới thiệu triển lãm “Đất - Earth” của họa sĩ Lý Trực Sơn Họa sĩ Nguyên Pastel với dấu ấn dịu dàng trong dòng tranh phấn Việt Họa sĩ trẻ Như Ngọc gây ấn tượng mạnh mẽ với tranh lụa |
Họa sĩ Trần Lưu Mỹ sinh năm 1963 tại Hà Nội, tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh năm 1987, từng tham dự nhiều triển lãm nhóm, đã có 3 triển lãm cá nhân và lần này là lần thứ tư. "Khoảng trống III" trưng bày gần 30 tác phẩm hội họa khổ lớn được họa sĩ sáng tác trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Họa sĩ Trần Lưu Mỹ vẽ để lấp đầy những "Khoảng trống" trong tâm hồn mình |
Tự bạch về quan niệm nghệ thuật của mình Trần Lưu Mỹ nói: “Với tôi hội họa trừu tượng biểu hiện là ngôn ngữ hội họa thuần khiết. Nó cho phép tôi bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc một cách trực tiếp, đầy ngẫu hứng. Ở đó, tôi thấy tự do”.
Đồng nghiệp của Trần Lưu Mỹ, họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “Mỹ đã vượt qua những giới hạn an toàn của cuộc sống để tham gia vào những xuất nhập đa chiều của nội giới, qua đó phát triển để dần định hình “bản ngã” - thế giới riêng của mình.
Các tác phẩm của Trần Lưu Mỹ trong loạt sáng tác này nổi bật tiếng nói tự thân. Đặc điểm rõ nét ở đây là khả năng kiệm màu, kiệm ý, kiệm về mặt thị giác đồng thời coi trọng biểu đạt các trạng thái tinh thần. Đó là thành công của Mỹ, vì thế các bức họa trở nên biến ảo và quyến rũ hơn".
Họa sĩ Vương Tử Lâm nhận định: "Ấn tượng đọng lại trong các bức tranh của Mỹ là bầu không khí. Kết hợp các mảng màu thành một hòa sắc giàu nhạc tính, ông đã tạo ra một không gian riêng, độc đáo cho hội họa của mình. Đó là thứ không gian không xác định, thứ không gian kích thích và làm hoạt hoá trí tưởng tượng mà chẳng có bất cứ một dấu chỉ cụ thể nào.
Những tác phẩm của họa sĩ Trần Lưu Mỹ sẽ trưng bày trong triển lãm "Khoảng trống III" |
Như những bản nhạc không lời, chúng phảng phất âm vọng của quá khứ và hoài niệm. Giữa những vệt bút lớn, đậm màu trong vai trò dẫn dắt thị giác, đâu đó có những chấm phá như ngẫu nhiên rơi rớt nguệch ngoạc vô chủ đích. Trần Lưu Mỹ đã tạo ra hình hài cho cảm xúc của mình theo cách như vậy, đó là những hình ảnh hoàn toàn trừu tượng.
Cảm nhận rằng cái mà hoạ sĩ chú mục vào không phải là vẽ ra hình thù gì mà là tạo nên bầu không khí ra sao.
Nếu đồng cảm, người xem dễ dàng bị cuốn theo nhiều trải nghiệm nối tiếp nhau, mỗi bức lại như một chất xúc tác mới lạ khơi gợi cảm xúc riêng - buồn, vui, tĩnh lặng hoặc xao xuyến, những cảm xúc riêng tư thầm kín dường như từ trong kỷ niệm xa xôi bất chợt ùa về.
Hoạ sĩ đã neo giữ những khoảnh khắc đẹp đẽ của ký ức khiến chúng trở nên sống động bằng cách nhìn mới mẻ, thi vị".
Còn PGS, TS Đỗ Lai Thúy - Viện trưởng Viện Nhân học Văn hoá thì cho rằng: "Khoảng trống dường như là một biểu tượng - ám ảnh lớn đối với Trần Lưu Mỹ. Nó theo anh suốt cả 3 triển lãm...
Khoảng trống trong tranh Mỹ không phải chỉ là khoảng trống thị giác, mà chủ yếu là khoảng trống âm nhạc nhưng không phải bằng giai điệu, mà bằng nhịp điệu, một thứ âm nhạc bên trong, âm nhạc nội tâm. Nhịp điệu tranh Mỹ trước hết là nhịp điệu của màu sắc, đường nét và mảng khối. Chỗ này chúng chồng lấn nhau, chỗ khác chia tách nhau, có chỗ đột ngột dừng sững lại để tạo ra khoảng trống.
Nhịp điệu ở tranh Mỹ có khi thư thả, thậm chí buông thả, có khi dồn dập, xoáy lốc. Một nét xanh bâng quơ, một đốm cam bỗng bừng nở cũng tạo nên một khoảng trống. Khoảng trống - nhịp điệu ấy không chỉ được cảm nhận bằng thị giác mà còn được lắng nghe bằng âm thanh. Một thứ thanh vô thanh. Những lời nói không lời.
Khoảng trống vừa là “khoảng thở” của tranh Trần Lưu Mỹ vừa là tiếng thở tâm trí anh... Nó giúp Trần Lưu Mỹ trước hết trốn khỏi ảnh hưởng của “quyền uy người cha”, hoạ sỹ tài danh Trần Lưu Hậu, người thầy của nhiều hoạ sỹ thế hệ anh, người mà Mỹ có tình cảm nước đôi vừa muốn được như cha vừa muốn được khác cha.
Đồng thời, nó cũng đưa Mỹ trở về với miền quê, miền thơ ấu, những cội nguồn nghệ thuật luôn sống thức trong tâm tưởng anh để tạo thành tính hiện đại của tranh anh. Cuối cùng, nó với Mỹ tạo dựng nên một lối vẽ riêng, một nghệ thuật riêng, rất Trần Lưu Mỹ".